Cơ hội lớn cho nhà đầu tư có tiền thực hiện M&A các dự án hấp dẫn

Bảo Hân

24/11/2022 10:23

Chiều 23/11, Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập (M&A) doanh nghiệp Việt Nam 2022 lần thứ 14 diễn ra tại TPHCM thu hút 500 doanh nghiệp và các chuyên gia đầu ngành tham dự. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, thời điểm này được cho là cơ hội cho các nhà đầu tư có tiền thực hiện M&A các dự án hấp dẫn, với định giá tài sản hợp lý hơn

ma-1669259875.jpg
Thời điểm này được cho là cơ hội cho các nhà đầu tư có tiền thực hiện M&A các dự án hấp dẫn, với định giá tài sản hợp lý hơn. (Ảnh minh họa)

Theo dữ liệu từ KPMG, trong 10 tháng đầu năm 2022, thị trường M&A ở Việt Nam rơi vào giai đoạn trầm lắng hơn so với sự sôi động của năm 2020 - 2021. Tổng giá trị M&A đạt 5,7 tỷ USD, giảm 35,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Singapore là nước dẫn đầu các giao dịch xuyên quốc gia với khoảng 1,2 tỷ USD, tiếp đến là Mỹ (570 triệu USD) và Hàn Quốc (370 triệu USD).

Các ngành, lĩnh vực chính thu hút nhiều khoản đầu tư gồm: tiêu dùng (1,2 tỷ USD), bất động sản (gần 1 tỷ USD), công nghiệp (800 triệu USD). Đặc biệt, ngành năng lượng đang trở nên "hot" nhất năm 2022 nếu xét về tăng trưởng giá trị, đạt gần 600 triệu USD, tăng khoảng 6 lần so với cả năm 2021.

Phát biểu tại diễn đàn M&A Việt Nam 2022, ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia chia sẻ, thị trường M&A trầm lắng không có nghĩa là sẽ rơi vào trạng thái "ngủ đông" trong thời gian tới.

"Có thể một số doanh nghiệp sẽ có những động thái tích cực, phá băng và sớm đưa thị trường trở lại trạng thái sôi động. Hơn nữa, thời điểm này được cho là cơ hội cho các nhà đầu tư có tiền thực hiện mua các dự án hấp dẫn, với định giá tài sản hợp lý hơn", ông Warrick Cleine nhận định.

Theo các chuyên gia, thị trường M&A tại Việt Nam được dự báo vẫn sôi động, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn trong nước bị thắt chặt, nhiều doanh nghiệp buộc phải tái cấu trúc, bán bớt tài sản, kêu gọi đầu tư do sức ép về tài chính.

Các chuyên gia cho rằng, nhu cầu phát triển trong bối cảnh mới của cộng đồng doanh nghiệp trong nước đòi hỏi sự bổ sung mạnh mẽ không chỉ ở phương diện nguồn vốn mà còn là các bí quyết công nghệ mới và kỹ năng quản trị hiện đại.

Sự nổi lên của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước với tư cách là bên mua đang dần trở thành một đối trọng với những "thợ săn M&A" từ bên ngoài biên giới. Đáng chú ý, dòng vốn từ các quỹ đầu tư tư nhân (Private Equity, PE Fund) trên toàn cầu đang trở thành động lực chính thúc đẩy cho thị trường M&A tăng tốc.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết các nhà đầu tư vẫn đặt nhiều niềm tin vào các giải pháp phòng chống dịch, điều hành kinh tế vĩ mô, cũng như nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh của Chính phủ Việt Nam.

"Đây sẽ là những động lực lớn đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023; và cũng là động lực để thị trường M&A Việt Nam tiếp tục phát triển", thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Bảo Hân