Chuyển đổi xanh - hướng đi mới của kinh tế thế giới

minhtam

06/10/2020 09:55

Bên cạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh - Green Transformation - nhận được sự quan tâm ngày càng cao của cộng đồng quốc tế.

Trong những năm gần đây, chuyển đổi số - Digital Transformation - là thuật ngữ được nhắc đến khá nhiều, là định hướng phát triển quan trọng của nhiều nền kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã làm bộc lộ rõ nhiều hạn chế của mô hình quản trị và phát triển kinh tế truyền thống. Trong bối cảnh đó, để đảm bảo sự phát triển bền vững, bên cạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh - Green Transformation - nhận được sự quan tâm ngày càng cao của cộng đồng quốc tế.

Chuyển đổi xanh là gì?

Hiểu theo nghĩa hẹp, chuyển đổi xanh là một tiến trình chuyển đổi tại các đô thị theo hướng tăng cường sử dụng các nguồn nhiên liệu tái tạo vì sự phát triển bền vững của các đô thị. Mục tiêu cơ bản của chuyển đổi xanh là chuyển tiếp từ nền kinh tế dựa vào nhiên liệu hóa thạch sang nền kinh tế dựa vào các nguồn nhiên liệu có hàm lượng các-bon thấp.

Chuyển đổi xanh khác với các loại hình chuyển đổi khác ở tính cấp thiết. Đây là loại hình chuyển đổi đầu tiên trong lịch sử phải được hoàn thành theo thời hạn. Do yêu cầu cấp thiết của vấn đề môi trường, nhiều quốc gia đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh trong nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, không chỉ tại các đô thị mà cả tại khu vực nông thôn.  
 
Chuyển đổi xanh có hạt nhân cấu thành quan trọng là tăng trưởng xanh. Tăng trưởng xanh là việc đạt được tăng trưởng kinh tế nhưng cũng góp phần tạo ra lợi ích cho xã hội tương lai, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường và khí hậu, giảm thiểu đến mức thấp nhất tác động của việc phát triển kinh tế đối với môi trường. Trong quá trình tăng trưởng xanh, các quốc gia cần tái cơ cấu, loại bỏ việc sử dụng năng lượng có gốc các-bon, phát triển các sáng kiến tại chỗ và coi trọng tuyên truyền, giáo dục đào tạo các phương pháp “mềm” và “thông minh” bao gồm các kỹ năng mềm cho các cộng đồng và doanh nghiệp có trách nhiệm.

Chuyển đổi xanh sẽ giúp các quốc gia hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh. Đây là nền kinh tế mà chính sách phát triển dựa vào ba tiêu chí sau: định hướng là thị trường, nền tảng là các nền kinh tế truyền thống, mục tiêu là sự hòa hợp của kinh tế và môi trường.
Động lực của nền kinh tế này là bảo vệ môi trường, phát triển công nghệ sản xuất sạch và năng lượng sạch đồng thời đạt được mức tăng trưởng kinh tế bền vững. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) định nghĩa nền kinh tế xanh là: “Nền kinh tế nâng cao đời sống con người và cải thiện công bằng xã hội, đồng thời làm giảm thiểu đáng kể những rủi ro môi trường và những thiếu hụt sinh thái”.

Trong nền kinh tế xanh, tăng trưởng về thu nhập và việc làm được tạo ra thông qua những khoản đầu tư của nhà nước và tư nhân nhằm giảm thiểu phát thải carbon, giảm ô nhiễm, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học, qua đó tạo ra tiềm năng to lớn để đạt được phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo với tốc độ nhanh. Kinh tế xanh xác định nguồn vốn tự nhiên là tài sản kinh tế quan trọng và là nguồn lợi chung, đặc biệt đối với những người nghèo bởi sinh kế và an sinh của họ phụ thuộc nhiều vào tự nhiên. Khái niệm kinh tế xanh là mô hình phù hợp làm nền tảng cho phát triển bền vững đặc biệt đối với những nước đang và kém phát triển, nơi mà dân số nghèo vẫn chiếm tỉ trọng lớn.

Tại sao cần chuyển đổi xanh?

Đại dịch COVID-19 đã đặt ra câu hỏi về sự hiệu quả của các mô hình quản trị và phát triển kinh tế truyền thống, khi mà các yếu tố về thiên nhiên, môi trường, con người và phát triển bền vững trong tương lai chưa được chú trọng đúng mức. Đồng thời, những tác động sâu rộng mà đại dịch gây ra cần những giải pháp mang tính toàn diện, lâu dài và bền vững hơn trước. Chuyển đổi xanh hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh được coi là giải pháp có thể giúp xử lý hài hòa nhu cầu phát triển kinh tế và việc giảm nguy cơ thiên nhiên bị tàn phá, giảm thiểu nguy cơ các virus nguy hiểm tấn công xã hội con người. Có nhiều phương thức tăng trưởng đảm bảo cho sự phát triển nhanh nhưng để phát triển bền vững thì những yếu tố về môi trường, con người, tương lai cần phải được đảm bảo.

Trong chuyển đổi xanh, các doanh nghiệp là yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất trong việc lựa chọn tăng trưởng xanh và hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia. Tuy nhiên, việc thực hiện tăng trưởng xanh tại các quốc gia vẫn còn nhiều khó khăn. Thực tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế về nguồn lực và kiến thức, do đó, để phát triển các hoạt động kinh doanh bền vững, họ cần được hỗ trợ trong việc giảm thiểu rủi ro môi trường và khí hậu, tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên và tính toàn diện của các mô hình kinh doanh để tham gia vào quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Vì thế, tại các nước đang phát triển như Việt Nam, chuyển đổi xanh và tăng trưởng xanh còn là những khái niệm khá mới mẻ trong khi các nước phát triển hầu hết đã áp dụng mô hình này.

Kinh nghiệm chuyển đổi xanh tại EU

Chuyển đổi xanh và tăng trưởng xanh là một xu thế lớn, được nhiều nhà lãnh đạo EU quan tâm thúc đẩy. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ đã chủ trương gắn tăng trưởng xanh với các chương trình nghị sự trong nhiệm kỳ sắp tới, kỳ vọng mang lại những màu sắc mới cho EU. Điểm đáng chú ý trong chương trình của ban lãnh đạo EU mới chính là đề xuất gắn liền tiêu chí phát triển bền vững, tăng trưởng xanh với tất cả các chương trình nghị sự của EU. Việc này có nghĩa là bất kỳ thỏa thuận thương mại nào của khối này cũng sẽ bao gồm các điều khoản bảo vệ môi trường.

Chính sách tăng trưởng xanh của EU không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nội khối mà còn đối với các quốc gia, đối tác, doanh nghiệp bên ngoài muốn đầu tư, hợp tác với các nước trong liên minh. Cơ chế điều chỉnh giới hạn các-bon tác động đến các nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực. Các doanh nghiệp được yêu cầu cung cấp dữ liệu về khí hậu và môi trường để các nhà đầu tư được thông báo đầy đủ về tính bền vững của những khoản đầu tư. Một ví dụ khác là trong lĩnh vực thực phẩm, EC sẽ xác định các biện pháp, bao gồm cả pháp lý, để giảm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, phân bón và kháng sinh. Trong lĩnh vực vận tải, Chỉ thị Đánh thuế Năng lượng sửa đổi có thể làm thay đổi giá vận tải trong lĩnh vực hàng không và hàng hải. Đối với các ngành sử dụng nhiều năng lượng (như thép, xi-măng, dệt may và hóa chất), đến năm 2030, EC sẽ yêu cầu tất cả các bao bì trong thị trường EU có thể tái sử dụng hoặc tái chế. Một yếu tố quan trọng trong các hiệp định thương mại mà đối tác bên ngoài muốn ký kết với EU là việc tôn trọng Thỏa thuận Paris như một yếu tố thiết yếu.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, để giải quyết cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế ngắn hạn, nhiều nước và cả khối EU đã tung ra các gói hỗ trợ lớn chưa từng có với hy vọng vực dậy nền kinh tế. Nhưng một vấn đề khác mang tính trung hạn và dài hạn không kém phần quan trọng đối với EU là khủng hoảng khí hậu – môi trường. Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, các nhà hoạt động bảo vệ môi trường, các nhà kinh tế, chính trị gia của EU đã có nhiều vận động để kế hoạch phục hồi kinh tế hậu COVID-19 phải gắn liền với nỗ lực chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Ngày 17.2.2020, EC công bố khoản tài trợ trị giá 101,2 triệu Euro cho các dự án thuộc chương trình LIFE vì môi trường và hành động vì khí hậu. Khoản tài trợ này sẽ hỗ trợ cho 10 dự án về môi trường và khí hậu có quy mô lớn ở 9 quốc gia thành viên EU, giúp châu Âu chuyển đổi sang nền kinh tế bền vững và không có khí thải. Các dự án này được thực hiện tại Cyprus, Estonia, Pháp, Hy Lạp, Ireland, Latvia, Slovakia, Séc và Tây Ban Nha. EU thực hiện các dự án cải thiện chất lượng cuộc sống cho công dân bằng cách giúp các quốc gia thành viên tuân thủ luật pháp EU trong sáu lĩnh vực: tự nhiên, nước, không khí, chất thải, giảm thiểu biến đổi khí hậu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các dự án quy mô lớn sẽ hỗ trợ Thỏa thuận xanh châu Âu và tham vọng của EU trở thành lục địa đầu tiên trên thế giới không có khí thải từ nay cho đến năm 2050.

Liên minh Phục hồi Kinh tế Xanh hậu khủng hoảng do dịch COVID-19 cũng được thành lập nhằm tạo thêm tính bền vững cho nền kinh tế tại châu Âu cũng như ủng hộ và thực hiện các giải pháp nhằm chuẩn bị cho các nền kinh tế tương lai của thế giới. Liên minh này mong muốn xây dựng và chia sẻ tư duy về các kế hoạch đầu tư xanh hậu khủng hoảng COVID-19” và đề xuất “các giải pháp đầu tư cần thiết và gắn với các cam kết về khí hậu”, lựa chọn tăng cường chuyển đổi về sinh thái ngay khi tái đầu tư vào nền kinh tế, đồng thời giải quyết khủng hoảng COVID-19 và khủng hoảng khí hậu. Sự chuyển đổi sang một nền kinh tế không khí thải các-bon, các hệ thống nông nghiệp bền vững và bảo vệ đa dạng sinh học có khả năng nhanh chóng tạo ra việc làm, sự thịnh vượng và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Nhờ đó, chúng ta xây dựng xã hội bền vững hơn.

Gợi ý cho Việt Nam

Mô hình chuyển đổi xanh cần được nghiên cứu kỹ và sớm áp dụng tại Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam thời gian qua cơ bản áp dụng mô hình “kinh tế nâu”, tăng trưởng chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên với hiệu quả sử dụng thấp, phát sinh nhiều chất thải gây ô nhiễm môi trường. Tại Việt Nam, nền kinh tế đòi hỏi gấp đôi năng lượng cho mỗi đơn vị GDP sản xuất được so với mức trung bình của các quốc gia khác tại khu vực Đông Á. Năng lượng được sản xuất từ than chiếm 1/3 nguồn năng lượng chính cho thị trường nội địa, thủy điện (cung cấp 35% năng lượng ở Việt Nam) mặc dù trên lý thuyết được coi là một nguồn năng lượng sạch nhưng do quy hoạch kém và thiếu sự phối hợp thậm chí đã có những tác động tiêu cực. Để có thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam cần sớm có các giải pháp chấm dứt tình trạng này.

Trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại, nếu chúng ta không nhanh chóng bắt nhịp với xu thế chuyển đổi xanh, trong tương lai không xa, các tiêu chuẩn về môi trường ra đời từ xu thế này sẽ trở thành các rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào nhiều thị trường quan trọng, như EU.

Bên cạnh đó, những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới ký kết với các đối tác quan trọng cũng buộc chúng ta phải có những thay đổi phù hợp với tiêu chuẩn của các đối tác, đặc biệt về môi trường và phát triển bền vững. Một ví dụ cụ thể chính là EVFTA. Việc ký kết EVFTA sẽ thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh và sạch, khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới và cải tiến về công nghệ, bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động. Tại chương Thương mại và phát triển bền vững của EVFTA quy định 17 điều với các nội dung chính như đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên rừng và thương mại lâm sản, quản lý bền vững nguồn tài nguyên sinh vật biển và nuôi trồng thủy sản, bảo vệ quyền lợi của người lao động và minh bạch hóa.

Chính phủ Việt Nam đã sớm nhận thức được tầm quan trọng vấn đề môi trường và phát triển bền vững. Ngày càng có nhiều chiến lược và kế hoạch được phê duyệt, nhằm thúc đẩy đất nước đi theo con đường tăng trưởng xanh, bao gồm Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh… Nhiều doanh nghiệp cũng đã có những thay đổi tích cực trong nhận thức và hành động hướng tới phát triển kinh tế xanh, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Người tiêu dùng cũng đang có xu hướng thay đổi hành vi mua sắm theo hướng sử dụng các sản phẩm thông minh hơn, thân thiện hơn với môi trường…

Trong bối cảnh, EVFTA đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01.8.2020, Việt Nam cần sớm có những biện pháp cụ thể, đồng bộ nhằm quán triệt các chiến lược đã đề ra, đáp ứng các tiêu chuẩn, chính sách phát triển kinh tế xanh của các đối tác, nhất là EU; chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững hơn, sản xuất các sản phẩm xanh để đáp ứng nhu cầu gia tăng của người tiêu dùng; thúc đẩy các hành động chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, giảm rủi ro xuất hiện các đại dịch trong tương lai và các sự kiện thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra, không bị tụt lại phía sau và tận dụng hiệu quả các cơ hội mà EVFTA mang lại.

Lê Minh Trang - Bùi Hà Nam

minhtam