Theo đó, VCI ghi nhận doanh thu hoạt động đạt hơn 974 tỷ đồng (tăng 46%) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, VCI ghi nhận lãi bán các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) chiếm tỷ trọng cao nhất trong doanh thu, ở mức 55%.
Lãi từ hoạt động cho vay, phải thu và doanh thu dịch vụ môi giới cũng tạo động lực tăng trưởng cho doanh thu. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của VCI đạt hơn 215 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh, VCI ghi nhận luỹ kế 9 tháng đạt được 2.696 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của VCI là 692 tỷ đồng, tăng lần lượt 62% và 88% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận trước thuế ở mức 836 tỷ đồng. So với kế hoạch năm, công ty đã vượt 19% mục tiêu lợi nhuận này.
Tính tới cuối kỳ, Vietcap có sở hữu danh mục chứng khoán sẵn sàng để bán với giá vốn hơn 3.625 tỷ đồng. Trong đó, công ty đầu tư vào các mã cổ phiếu niêm yết như KDH (Nhà Khang Điền), IDP (Sữa Quốc tế), FPT (Tập đoàn FPT), TDM (Nước Thủ Dầu Một).
Tính đến cuối tháng 9, Vietcap chỉ có nợ vay tài chính ngắn hạn, không có dài hạn. Giá trị khoản nợ là 10.833 tỷ đồng (tăng 21%) so với cuối năm trước. Các khoản nợ này đều là nợ ngắn hạn, chủ yếu được dùng để tài trợ hoạt động cho vay ký quỹ. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu là 1,25 lần.
Trước đó, VCI đã công bố nghị quyết hội đồng quản trị thông qua phương án phát hành riêng lẻ, với khối lượng hơn 143,6 triệu cổ phiếu. Giá chào bán 28.000 đồng/cổ phiếu.
Mức dự kiến phát hành nêu trên tương đương 25% số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Số tiền dự kiến thu hơn 4.021 tỷ đồng.
Mục đích đợt huy động của VCI là nhằm bổ sung hơn 3.522 tỷ đồng (tương ứng 87,6%) cho hoạt động cho vay ký quỹ, còn lại bổ sung vốn cho hoạt động tự doanh hơn 498 tỉ đồng (12,4%).
Trong trường hợp số tiền thực tế thu được từ đợt chào bán thấp hơn 4.021 tỷ đồng, lãnh đạo Vietcap cho biết sẽ chủ động phân bổ cho từng mục đích sử dụng theo đúng tỉ lệ nêu trên.
Thời gian chào bán và giải ngân dự kiến diễn ra trong năm nay hoặc quý đầu tiên của năm sau.