Chứng khoán Mỹ: Cần bác sĩ hơn cần tiến sĩ

caodung

03/03/2020 15:57

Cắt giảm lãi suất là liều thuốc quá nhẹ. Cách tốt nhất để hạn chế tác động đến kinh tế của dịch virus Covid-19 là một biện pháp ứng phó mạnh của hệ thống y tế công.

Giá cổ phiếu đang giảm liên tục, và tất cả quan sát đều dồn về Cục Dự trữ Liên bang (Fed), cơ quan chịu trách nhiệm duy trì tăng trưởng kinh tế, trong suy nghĩ của nhiều người. Tuần trước Tổng thống Trump đã phàn nàn rằng lãi suất đang quá cao. Người đầu tư đang la ó đòi cắt giảm.

Nhưng Fed có ít khả năng để bảo vệ sức khỏe ngắn hạn cho nền kinh tế Mỹ trước sự lây lan của virus, mà như cách nói các nhà chức trách mô tả, là không thể tránh khỏi khắp đất nước Hoa Kỳ.

Việc quan trọng nhất mà chính phủ có thể làm để hạn chế tổn thất kinh tế đó là triển khai một biện pháp ứng phó y tế công hiệu quả. Cơ quan có ảnh hưởng lớn nhất đến sự phát triển kinh tế lúc này không phải là Fed, mà chính là Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC).

Quyền lực của Fed thường dễ bị đề quá cao. Ngân hàng trung ương của quốc gia này đúng là có tầm ảnh hưởng nhất định đến các điều kiện kinh tế, chủ yếu là tăng và giảm lãi suất trần, hiện đang ở mức từ 1,5 đến 1,75%. Các nhà đầu tư trong gần đây đã hoàn thành ước định giảm lãi suất vào cuộc họp lần tới của Fed ngày 18.3. Và Fed cũng có thể sẽ quyết định làm vui lòng thị trường; Chủ tịch của Fed, ông Jerome H. Powell, phát biểu trong cuộc họp ngày 28.2 rằng dịch virus Corona đặt ra “các rủi ro ngày càng lớn” cho nền kinh tế, và ngân hàng trung ương cần chuẩn bị để “hành động thích hợp”.

Nhưng cắt giảm lãi suất không phải là một liều thuốc hiệu quả đối với virus Corona. Lãi suất thấp tăng cường tăng trưởng kinh tế bằng cách thúc đẩy nhu cầu, trong khi các gián đoạn chuỗi cung ứng bởi sự lây lan của virus đang làm giảm nguồn cung hàng hóa. Cắt giảm lãi suất không xử lý được vấn đề “sốc cung”. Nó cũng không thể hối thúc công nhân Trung Quốc quay trở lại công xưởng hay đẩy nhanh vận tốc các tàu chở hàng băng qua Thái Bình Dương.

Tương tự như vậy, cắt giảm lãi suất sẽ không khiến nền kinh tế trong nước Mỹ miễn nhiễm được với các gián đoạn sản xuất khi công nhân muốn ở nhà vì họ nhiễm bệnh hoặc vì không muốn bị nhiễm bệnh.

Một ví dụ tương tự: Trung Quốc đóng cửa hàng ngàn rạp chiếu phim trong nước để ngăn chặn sự lây lan của virus. Các rạp phim không thể tăng doanh thu phòng vé bằng cách giảm giá, cũng như chính phủ không thể tăng doanh thu bằng cách giảm lãi suất để công nhân kiếm được nhiều tiền hơn. Sẽ không có có doanh thu phòng vé cho đến khi rạp phim được mở trở lại, dẫn đến doanh thu mất đi, không chỉ tại các rạp chiếu phim Trung Quốc mà còn tại các hãng sản xuất phim ở Mỹ.

Ví dụ nổi tiếng nhất về một trận sốc cung lớn thời hiện đại là khủng hoảng dầu năm 1973 khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC ngừng xuất khẩu dầu sang Mỹ và các nước đồng minh của Israel. Khi ấy Fed ứng phó bằng cách giảm lãi suất, một sai lầm góp phần vào việc gia tăng lạm phát những năm 1970 mà vẫn không giúp hồi sinh được tăng trưởng kinh tế. Hiện có ít lý do để lo sợ gia tăng lạm phát, nhưng cũng không nhiều lý do để nghĩ rằng giảm lãi suất lần này sẽ thành công hơn trong việc hồi sinh tăng trưởng kinh tế.

Những ngày gần đây các quan chức của Fed đã lan tin đi khắp nơi để giải thích cho mọi người về giới hạn quyền lực của họ. Đồng thời, Fed cho biết biện pháp giảm lãi suất sẽ chỉ trở nên thích hợp khi virus Corona thực sự làm giảm nhu cầu. Giảm cầu là một vấn đề mà chính sách tiền tệ có thể xử lý, nhưng giảm lãi suất cũng không phải liều thuốc thần kỳ: do người dân lo sợ lây nhiễm, lời hứa giảm nhẹ giá mẫu xe pick-up đời mới có thể không đủ sức hấp dẫn để họ ghé thăm các đại lý xe. Biện pháp giúp đỡ này của Fed cũng là loại thuốc có tác dụng chậm. Phải mất hàng tháng thì sự thay đổi về lãi suất trần của Fed mới lan tỏa khắp nền kinh tế. Đến lúc đó, khủng hoảng do virus Corona có thể đã không còn nữa.

“Kể từ cuộc Đại Suy thoái, đây sẽ là lần đầu tiên chúng ta thực sự có sụt giảm nhu cầu khắp toàn cầu”, ông Robert Kaplan, chủ tịch Fed Dallas nói với Fox Business ngày 28.2.2020. “Chúng tôi lường trước điều đó. Câu hỏi là, giảm cầu có kéo dài không? Kéo dài bao lâu sau quý đầu năm nay?”

Fed vẫn có một vai trò phải thực hiện. Một phần trong công việc của ông Powell là ra ngoài công chúng trấn an mọi người rằng Fed vẫn đang lắng nghe và sẵn sàng giúp đỡ. Nếu các nhà đầu tư bắt đầu hoảng loạn, Fed còn một loạt biện pháp khác để can thiệp.

Nhưng thậm chí cả những người có niềm tin mạnh mẽ nhất vào sức mạnh của ngân hàng trung ương có lẽ cũng đang hy vọng rằng Fed có thể ngồi yên đợi khủng hoảng này qua đi. Cách tốt nhất để giới hạn tác động của dịch bệnh lên nền kinh tế không phải là giảm lãi suất, mà là giảm lượng người Mỹ bị lây nhiễm virus, chăm sóc cho đến khi họ phục hồi, phát triển vaccine, và quay lại cuộc sống bình thường càng nhanh càng tốt.

Theo The New York Times

caodung
Bạn đang đọc bài viết "Chứng khoán Mỹ: Cần bác sĩ hơn cần tiến sĩ" tại chuyên mục Khoa học quản lý.