Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: "Doanh nhân có tiếng tăm nhưng kinh doanh bất chấp luật pháp"

Minh Quân

11/10/2022 15:37

Gần đây một số vụ án liên quan đến các doanh nhân có tiếng tăm, nhưng kinh doanh bất chấp luật pháp, gây tổn thất lớn cho uy tín của giới doanh nhân, doanh nghiệp, hình ảnh quốc gia. Do đó, theo Chủ tịch VCCI xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh là vấn đề cấp bách.

hoi-thao-1665476934.jpg
Ông Nguyễn Xuân Thắng (ngồi giữa) - Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì Hội thảo

Sáng 11/10, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: "Đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới”. Sự kiện được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại trụ sở VCCI tại Hà Nội và 9 điểm cầu cả nước với sự tham gia của 300 đại biểu, bao gồm cả trực tiếp và trực tuyến.

Hội thảo được tổ chức nhằm gợi mở một số vấn đề lý luận về đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh, văn hoá doanh nghiệp, góp phần thống nhất về nhận thức trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội, từ đó tạo nền tảng hình thành và phát triển văn minh kinh doanh của đất nước. Đây cũng là hoạt động quan trọng thực hiện tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị nêu tại Nghị quyết 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân VIệt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

Theo ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI: Hiện Việt Nam đã có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Đội ngũ doanh nhân cả nước đến nay đã lên đến hàng triệu người, giữ vai trò là lực lượng chủ lực trong quản lý, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra hàng hoá, dịch vụ đáp ứng nhu cầu quốc dân và xuất khẩu, tạo tiềm lực, vị thế mới cho đất nước.

Tuy nhiên, những thành tựu đó mới chỉ là bước đầu, để đạt được mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao, vai trò của đội ngũ doanh nhân tới đây vô cùng quan trọng.

Đòi hỏi các doanh nghiệp cần chú trọng hơn về đạo đức trong sản xuất kinh doanh, về bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang được đề cao, vừa tạo ra các chuẩn mực mới, vừa tạo hàng rào kỹ thuật trong thâm nhập thị trường các nước phát triển.

phamtancong-1665476913.jpeg
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI phát biểu tại hội thảo

Ông Phạm Tấn Công khẳng định, đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh là những phạm trù lớn, phức tạp, để xây dựng thành công cần có sự nghiên cứu từ cơ sở lý luận đến chiến lược, giải pháp tổ chức thực hiện. Ở Việt Nam, nguồn lực sức mạnh từ đạo đức, văn hoá kinh doanh chưa được quan tâm phát huy xứng đáng. Cá biệt còn có những cá nhân kinh doanh phi đạo đức, vì lợi ích riêng gây hại cho cả xã hội.

“Gần đây chúng ta thấy một số vụ án liên quan đến các doanh nhân có tiếng tăm, nhưng kinh doanh bất chấp luật pháp, gây tổn thất lớn cho uy tín của giới doanh nhân, doanh nghiệp, hình ảnh quốc gia”, ông Phạm Tấn Công chia sẻ.

Trước đó, sáng 8/10, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm:"Chính phủ và doanh nghiệp: Đồng hành vượt khó". Tại tọa đàm, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cũng đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nhân hiện nay, và điều này tác động thế nào tới kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp?.

Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, chúng ta đang trong giai đoạn hội nhập quốc tế với một sự cạnh tranh gay gắt trên toàn cầu và ngay trong lãnh thổ Việt Nam. Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu như vậy, mọi nguồn lực các doanh nghiệp đều phải phát huy, vì nhiều khi chỉ hơn nhau một chút cũng là sự thắng thua.

Doanh nghiệp các nước, đặc biệt các nước phát triển, phát huy rất tốt nguồn lực đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh. Doanh nghiệp Việt Nam rất tiếc trong giai đoạn vừa rồi chưa quan tâm nguồn lực này. Cái đó cũng đúng thôi vì chúng ta mới bước sang kinh tế thị trường được mấy chục năm và chúng ta vẫn đang trong giai đoạn "học bài" nên phải nhìn sang các nước và thấy rằng đây là nguồn lực to lớn và uy tín sẽ tạo ra sức hấp dẫn của sản phẩm.

Vì sao chúng ta thấy mỗi lần iPhone mở bán thì người ta xếp hàng? Đây phải chăng cũng là chữ tín và đạo đức, văn hoá kinh doanh của họ.

"Doanh nghiệp chúng ta trong giai đoạn sắp tới, cấp bách để cạnh tranh thành công thì phải quan tâm đến vấn đề đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh. Đạo đức kinh doanh là một trong những yếu tố mà tất cả chúng ta cần phải đặt lên hàng đầu. Còn với tầm nhìn xa, để trở thành quốc gia phát triển văn minh, sánh vai các cường quốc mà chúng ta đang hướng tới thì phải xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh xứng tầm với một quốc gia phát triển và ngang tầm với các nước văn minh nhất trên thế giới", Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công chia sẻ.

Do đó, theo ông, đây vừa là vấn đề cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược trong xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh. Chính vì vậy, VCCI trong nhiệm kỳ này đã coi đây là nhiệm vụ chiến lược, đã công bố 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam. Đây là câu chuyện không chỉ một con người, một tổ chức có thể làm được mà toàn bộ xã hội, toàn bộ hệ thống, trong đó đầu tiên là giới doanh nhân Việt Nam phải tiên phong thực hiện.

"Chúng tôi rất mong ngày càng có nhiều doanh nhân, doanh nghiệp sẽ tham gia thực hành đạo đức kinh doanh chuẩn mực, mang bản sắc văn hoá Việt Nam nhưng đồng thời có tinh hoa của quốc tế để chúng ta tạo ra sức mạnh mới cho doanh nghiệp Việt Nam trong môi trường kinh doanh toàn cầu hiện nay", ông Phạm Tấn Công nói.

Minh Quân