Bất chấp cổ phiếu của Evergrande sụt giảm 80% và ảnh hưởng không nhỏ đến khối tài sản của người sáng lập Hui Ka Yan nhưng vị tỷ phú sẽ vẫn rất giàu có kể cả khi gánh trên vai khoản nợ 300 tỷ USD và hàng loạt trái phiếu cần thanh toán.
Trong số tài sản ước tính 11,5 tỷ USD hiện tại của ông Hui, Forbes tính toán rằng có 8 tỷ USD trong số đó là tiền cổ tức thu về kể từ thời điểm IPO năm 2009 trên thị trường chứng khoán Hong Kong.
Theo báo cáo thường niên, tổng nợ phải trả của công ty tăng mỗi năm kể từ lúc ra công chúng nhưng Evergrande vẫn chia cổ tức hàng năm, chỉ trừ 2016. Riêng 2017, Evergrande trả 1,13 nhân dân tệ (0,17 USD)/cổ phiếu và 1,419 nhân dân tệ (0,22 USD)/cổ phiếu vào năm 2018.
Tiền cổ tức chủ yếu rơi vào túi của Hui Ka Yan, người nắm giữ 10,2 tỷ cổ phiếu tương đương 77% cổ phẩn của công ty. Tính riêng số tiền cổ tức thu được trong 2 năm 2017 và 2019 của Chủ tịch Evergrande đã là 4 tỷ USD (cổ tức ở Hong Kong không bị đánh thuế).
Evergrande là một trong những tập đoàn phát triển bất động sản lớn nhất của Trung Quốc. Theo báo cáo kết quả kinh doanh giữa kỳ của Evergrande, tính đến ngày 30/6/2021, tổng nợ của Evergrande là 1.970 tỷ NDT (305,3 tỷ USD), trong đó bao gồm các khoản vay 571,8 tỷ NDT.
Theo báo cáo thường niên của Evergrande, tập đoàn này vay 716,5 tỷ NDT trong năm 2020, và các khoản trong nửa đầu năm 2021 đã tương đương với 80% của năm 2020.
Bắt đầu từ cuối năm 2020, các cơ quan quản lý Trung Quốc tăng cường giám sát huy động vốn bất động sản ở trong nước, đưa ra chính sách “ba lằn ranh đỏ,” bao gồm tỷ lệ nợ trên tài sản không được vượt 70%, tỷ lệ nợ ròng không được cao hơn 100% và hệ số nợ ngắn hạn bằng tiền mặt không dưới 1 lần, nếu không sẽ ảnh hưởng đến việc huy động vốn mới.
Theo số liệu thống kê năm 2020, Evergrande đều vướng phải “ba lằn ranh đỏ”. Xét về tỷ lệ nợ ròng, trong gần 5 năm trở lại đây, Evergrande đều vượt "lằn ranh đỏ," trong đó tỷ lệ nợ ròng năm 2020 lên đến 153%.
Tuy nhiên, trong kết quả kinh doanh giữa kỳ năm nay vừa được công bố, tỷ lệ này đã giảm xuống 99,8%.
So với các doanh nghiệp nằm trong diện “rủi ro cao,” tỷ lệ nợ ròng của Evergrande vào cuối năm 2020 đều cao hơn các nhà phát triển khác, tiếp đến là R&F Properties với tỷ lệ nợ ròng ghi nhận 130%.
Mặc dù là một trong những nhà phát triển bất động sản có doanh số cao nhất Trung Quốc, nhưng vấn đề nợ nần đã khiến nhiều dự án của Evergrande ngưng trệ, dẫn đến không ít đối tác và nhà đầu tư yêu cầu được bảo vệ quyền lợi.
Số liệu của báo cáo thường niên cho thấy, Evergrande có hơn 1.300 dự án trải dài trên 280 thành phố ở Trung Quốc, doanh số bán hàng năm 2020 đạt hơn 700 tỷ NDT, trong đó nhiều nhất là ở Quảng Đông, Giang Tô, Chiết Giang, và doanh số của Evergrande ở Hong Kong (Trung Quốc) cũng đạt hơn 4,7 tỷ NDT trong năm 2020.
Các thông tin tiêu cực liên tục xuất hiện đã khiến cho giá cổ phiếu của Evergrande lao dốc mạnh 80%, từ mức cao nhất trong năm là 20,25 NDT/cổ phiếu xuống còn 2,97 NDT/cổ phiếu vào thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/9, và giá trị thị trường của Evergrande cũng “bốc hơi” 193,1 tỷ HKD (24,81 tỷ USD) so với đầu năm.
Ngô Xuân Việt
10:23 27/09/2021
Ai có làm sao thì chủ tịch vẫn sống tốt.
Trần Quốc Quỳnh (Bình Phước)
15:33 24/09/2021
Khó là không thể lấy tài sản của ông ta để trả nợ