Chủ tịch Phan Xuân Dũng: Thực hiện đúng quy luật, thị trường KH&CN sẽ phát triển

L.H

24/09/2022 09:50

Đây là ý kiến của Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng tại Hội nghị "Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập". vừa diễn ra chiều 23/9 tại Hà Nội. Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì. 

Cùng dự hội nghị tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan; Giám đốc ĐHQG Hà Nội Lê Quân; Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng, cùng lãnh đạo các bộ ngành; các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu; các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước,…

Tại điểm cầu địa phương có lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các sở ngành liên quan.

screenshot-20220924-094602-docs-1663987750.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính Phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: Việt Nam đang xây dựng nền dân chủ xã hội nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (tôn trọng các quy luật của thị trường nhưng có sự can thiệp và điều tiết của nhà nước khi cần thiết).

Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ tập trung vào các trọng tâm chỉ đạo, điều hành gồm "4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm, và 1 kiên quyết không". Trong đó, 4 ổn định là: ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Với phương châm đó, 3 Hội nghị về phát triển các loại thị trường đã được tổ chức thành công trong những tháng gần đây, gồm: thị trường bất động sản, thị trường tài chính và thị trường lao động.

Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát biểu ý kiến tập trung vào một số nội dung cơ bản như: Phân tích, đánh giá sự vận hành của thị trường KHCN ở nước ta hiện nay đã tương xứng với vai trò, vị trí trong thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN chưa? Làm rõ những điểm mạnh, điểm yếu của các chủ thể chính của thị trường KHCN; đánh giá sự tương tác, hợp tác, phối hợp giữa các chủ thể này với nhau ra sao? Thể chế, cơ chế, chính sách phát triển thị trường KHCN còn vướng ở đâu, mắc ở chỗ nào? Văn bản nào cần bổ sung, sửa đổi, văn bản nào cần thay thế, cấp nào là cấp có thẩm quyền? Cần có những giải pháp đột phá nào để thị trường KHCN phát triển đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập trong thời gian tới? 

screenshot-20220924-094349-docs-1663987635.jpg
Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng phát biểu

Thực hiện đúng quy luật thì thị trường KH&CN sẽ phát triển

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Liên Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng khẳng định: Khoa học công nghệ có vai trò vô cùng quan trọng với việc khẳng định vị trí và sự phát triển của một quốc gia. Việt Nam đã có rất nhiều chủ trương phát triển đất nước bằng khoa học công nghệ. Hội thảo tổ chức hôm nay do Thủ tướng Chính phủ chủ trì là rất quan trọng trong phát triển chủ trương về khoa học công nghệ.

Trước hết, chúng ta phải hiểu rõ về bản chất của thị trường khoa học công nghệ có 3 vế: Cung - Cầu và công cụ kết nối giữa Cung và Cầu là Môi trường.

Về phía cung, lịch sử đã khẳng định người Việt Nam đủ sức làm và làm tốt trong việc tạo ra các sản phẩm khoa học công nghệ để tạo ra sản phẩm cho thị trường. Tức là nguồn cung sản phẩm khoa học công nghệ là rất lớn. Nhưng việc chuyển giao công nghệ phải hiểu rộng hơn, bao gồm cả ý tưởng công nghệ và sản phẩm đi cùng công nghệ.

Về phía cầu, nhu cầu sản phẩm khoa học công nghệ rất lớn. Đảng ta đã xác định phát triển dựa vào khoa học và công nghệ.

Các vế Cung - Cầu và Môi trường đều có. Vậy câu hỏi đặt ra tại sao thị trường khoa học công nghệ chưa phát triển? Tôi cho rằng phải thực hiện đúng quy luật thì thị trường sẽ phát triển.

Do đó, phải có chính sách phù hợp để thúc đẩy cung sản phẩm khoa học công nghệ, điều này đòi hỏi người làm chính sách phải hiểu cặn kẽ về công nghệ.

Thứ hai, phải có nguồn nhân lực, đồng thời chúng ta phải tin tưởng đội ngũ khoa học công nghệ, có hình thức tôn vinh phù hợp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp nước ngoài rất quan trọng, nhưng để phát triển thị trường khoa học công nghệ, phải quan tâm phát triển các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp dân tộc bởi các doanh nghiệp trong nước đóng góp rất lớn về mọi măt, kể cả về ngân sách...

 

screenshot-20220924-094613-docs-1663987677.jpg
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu

7 giải pháp chủ yếu để phát triển thị trường KH&CN

Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết: Nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn, trong đó, hoàn thiện thị trường KH&CN là giải pháp trung tâm, có tính căn cơ lâu dài để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Để phát triển thị trường KH&CN, Bộ KH&CN xin đề xuất triển khai 7giải pháp chủ yếu để phát triển thị trường KHCN sau:

Thứ nhất, về phát triển mạng lưới tổ chức trung gian của thị trường KH&CN: Tập trung phát triển các tổ chức trung gian có vai trò đầu mối trong mạng lưới, có khả năng cung cấp các dịch vụ công có tính hệ thống; các tổ chức trung gian tại các viện nghiên cứu, các cơ sở giáo dục đại học, nhất là tại các đại học quốc gia, đại học vùng, các trường đại học trọng điểm; tại các tổ chức KH&CN lớn, liên ngành hoặc đa ngành về kỹ thuật và công nghệ; và tại các hiệp hội ngành hàng.

Khuyến khích, hỗ trợ phát triển tổ chức trung gian thuộc khu vực tư nhân, phát triển mạng lưới các tổ chức trung gian đối với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, trong đó cần phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng và các nhà đầu tư; Tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và hỗ trợ việc triển khai việc cấp chứng chỉ hành nghề cho các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động trung gian môi giới trên thị trường KH&CN; Xây dựng, duy trì, cập nhật và phát triển cơ sở dữ liệu, cổng thông tin, trang thông tin điện tử về thị trường KH&CN.

Thứ hai, về phát triển nguồn cầu của thị trường KH&CN, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp: Hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc điều tra, thống kê, đánh giá nhu cầu công nghệ, khả năng cung ứng, khai thác nguồn tài sản trí tuệ; Thực hiện các báo cáo phân tích xu hướng công nghệ; Tạo áp lực cạnh tranh trong môi trường kinh doanh để thúc đẩy DN sử dụng công nghệ, tăng năng suất lao động. Mở rộng và nâng cao hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ ba, về thúc đẩy phát triển nguồn cung của thị trường KH&CN: Hình thành các kênh nhập khẩu công nghệ tiên tiến, ưu tiên công nghệ từ các nước phát triển; Hỗ trợ nhập khẩu, giải mã các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch có giá trị nền tảng; Ưu tiên hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ đáp ứng nhu cầu cơ giới hoá, chế biến trong nông nghiệp, phục vụ yêu cầu phát triển vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn; Triển khai thực hiện các dự án cụ thể nhằm thu hút và phát huy có hiệu quả nhân tài người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường KH&CN Việt Nam.

Thứ tư, về liên thông, tiến tới đồng bộ hóa thị trường KH&CN với các thị trường hàng hóa, lao động và tài chính: Hỗ trợ các DN kịp thời nắm vững các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, thực hiện bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ phục vụ cho các hoạt động thương thảo, giao dịch, mua bán hàng hóa KH&CN; Hỗ trợ cung cấp thông tin cần thiết giúp doanh nghiệp nắm bắt và vượt qua các rào cản kỹ thuật trong thương mại; ban hành các các chính sách, cung cấp các công cụ bảo hộ, phòng vệ thương mại khi thực hiện các giao dịch mua bán công nghệ để việc thâm nhập thị trường, mở rộng thị phần cho sản phẩm, dịch vụ tại các thị trường liên quan được thuận lợi; Thực thi thống kê, kiểm soát giao dịch công nghệ thông qua hải quan; Xây dựng và triển khai cơ sở dữ liệu chuyên gia hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp và phát triển thị trường KH&CN, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp huy động nguồn tài chính, tín dụng từ thị trường chứng khoán, ngân hàng thương mại để triển khai các dự án thương mại hóa kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, giải mã công nghệ có quy mô lớn thuộc phạm vi của chương trình.

Thứ năm, về hoàn thiện môi trường pháp lý, đẩy mạnh nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho phát triển thị trường KH&CN: Nghiên cứu, xây dựng báo cáo phân tích thị trường KH&CN cho một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực; Đề xuất các cơ chế, chính sách liên thông thị trường KH&CN với các thị trường hàng hóa, thị trường tài chính, thị trường lao động; Nghiên cứu, thiết kế các công cụ phân tích, xử lý dữ liệu giao dịch công nghệ; nghiên cứu, thiết kế phần mềm, công cụ quản trị và kết nối cơ sở dữ liệu dùng chung nhằm hỗ trợ các bên cung cầu và tổ chức trung gian của thị trường KH&CN.

Thứ sáu, về phát triển hạ tầng quốc gia cho thị trường KH&CN: Hình thành và vận hành 3 sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại 3 miền của đất nước; kết nối với các sàn giao dịch công nghệ của các địa phương và các sàn giao dịch công nghệ trong khu vực và thế giới.

Khuyến khích các tổ chức trung gian thực hiện các dịch vụ tư vấn, môi giới về thị trường KH&CN; Đầu tư xây dựng Cơ sở dữ liệu dùng chung và cổng thông tin về thị trường KH&CN; Đầu tư phát triển và ứng dụng các công cụ phân tích, thống kê, xử lý dữ liệu giao dịch công nghệ, quản trị và kết nối cơ sở dữ liệu dùng chung, số hoá và tích hợp dữ liệu; Thiết lập mạng lưới kết nối và đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu nhân tài người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường KH&CN Việt Nam.

Thứ bảy, về thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế, trong đó tập trung vào thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, xây dựng các chính sách để khuyến khích việc chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI sang các doanh nghiệp phụ trợ trong nước.

screenshot-20220924-094621-docs-1663987708.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ

Ngoài các giải pháp trên, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt còn cho rằng, cần phải quan tâm đến thị trường KH&CN cho các kết quả nghiên cứu cơ bản và khoa học xã hội do bản chất công ích của các kết quả nghiên cứu trong những lĩnh vực này. Việc giao dịch trên thị trường các kết quả này sẽ khó tìm được người mua theo quy luật kinh tế thị trường, do đó, Nhà nước cần có những chính sách riêng để khuyến khích các dạng nghiên cứu này. 

L.H

 

L.H