Chủ tịch HoREA: “Siết chặt” nguồn vốn tín dụng và trái phiếu sẽ khiến doanh nghiệp địa ốc gặp khó khăn

Đức Linh

25/04/2022 13:46

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, nguồn vốn huy động từ trái phiếu đang là một kênh dẫn vốn cực kỳ quan trọng cho nền kinh tế, nhằm bù đắp thiếu hụt nguồn vốn tín dụng. Tuy nhiên, việc Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có lĩnh vực bất động sản sẽ khiến thị trường địa ốc và các doanh nghiệp bất động sản đều có thể gặp khó khăn, rủi ro.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc nhiệt liệt hoan nghênh và trân trọng cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra Thông điệp: “Không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế”.

HoREA cho biết, theo Báo Chính phủ điện tử ngày 22/04/2022, trong thời gian qua Thủ tướng Chính phủ đã có các Công điện số 8857/CĐ-VPCP, Công điện số 304/CĐ-TTg, Công điện số 311/CĐ-TTg và Văn bản số 14/TTg-KTTH chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động thực hiện ngay các biện pháp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động thị trường tài chính, tiền tệ để thị trường vốn hoạt động an toàn, minh bạch, hiệu quả và yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động thực hiện ngay các biện pháp ổn định thị trường tài chính tiền tệ, chứng khoán.

1-1650862980.jpeg

Doanh nghiệp địa ốc sẽ gặp khó trong việc tìm nguồn vốn nếu việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ ngay lập tức bị "siết" chặt.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan làm việc, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin theo đúng quy định pháp luật; trường hợp phát hiện công bố thông tin không rõ ràng, không chính xác thì yêu cầu cải chính và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. 

Đồng thời, thực hiện ngay việc công bố và cung cấp thông tin chính thức, trung thực về vụ việc và tình hình, triển vọng phát triển kinh tế-xã hội đất nước cho các cơ quan báo chí và nhà đầu tư để ổn định tâm lý nhà đầu tư để nhà đầu tư tin tưởng, yên tâm tiếp tục thực hiện các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh theo quy định pháp luật.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: “Các ý kiến đều đánh giá Hội nghị hôm nay rất kịp thời, đáp ứng mong muốn của thị trường, nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân, đã và đang có hiệu quả trên thực tế, có ý nghĩa quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển thị trường vốn lành mạnh, hiệu quả, bền vững, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh cả nước đang quyết liệt thực hiện Chương trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế xã hội sau khi đã kiểm soát được dịch bệnh CoViD-19 và mở cửa nền kinh tế”.

Thủ tướng Chính phủ đã công bố những con số thuyết phục mang lại niềm tin cho nhân dân, như tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2022 ước tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng gần 4,8% của quý I năm 2021. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý I năm 2022, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt mức cao nhất so với quý I các năm từ 2018-2022. Các cân đối lớn được bảo đảm. 

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Đây là những con số ý nghĩa để minh chứng tín hiệu tích cực của sự phục hồi kinh tế, huy động và sử dụng vốn đầu tư góp phần cho cho tăng trưởng kinh tế năm 2022 và những năm tiếp theo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Chính phủ thể hiện rất rõ quan điểm xử lý nghiêm và quyết liệt những hành vi sai trái, để minh bạch hóa thị trường và bảo vệ nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân. Chính vì vậy, chúng ta phải tập trung giải quyết ngay những bất cập đã và đang được nhận diện trong thẩm quyền của Chính phủ và các Bộ ngành”. 

Chính phủ quyết tâm cao làm lành mạnh thị trường, quyết liệt xử lý nghiêm sai phạm, bảo vệ nhà đầu tư chân chính, không để một số vụ việc ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, đảm bảo thị trường vốn hoạt động an toàn, minh bạch, hiệu quả và sớm ban hành Nghị quyết phát triển thị trường vốn lành mạnh, hiệu quả, bền vững.

20210107070907-a03f-1-1650863128.jpeg

Theo ông Lê Hoàng Châu, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro sẽ khiến thị trường địa ốc và các doanh nghiệp bất động sản có thể gặp khó khăn, rủi ro.

Với tinh thần thượng tôn pháp luật, chấp hành pháp luật, tuân thủ pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, HoREA khuyến nghị cộng đồng doanh nghiệp bất động sản cam kết thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản, huy động các nguồn vốn và sử dụng vốn huy động đúng pháp luật, bảo đảm hài hòa lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, khách hàng và lợi ích chung của cộng đồng xã hội.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho biết, với tinh thần thượng tôn pháp luật, chấp hành pháp luật, tuân thủ pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua Hiệp hội khuyến nghị cộng đồng doanh nghiệp bất động sản cam kết thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản, huy động các nguồn vốn và sử dụng vốn huy động đúng pháp luật, bảo đảm hài hoà lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, khách hàng và lợi ích chung của cộng đồng xã hội.

Chủ tịch HoREA cho biết thêm, Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp bất động sản kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét xây dựng lộ trình từng bước kiểm soát hiệu quả hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn của nước ta, có thể áp dụng kể từ đầu năm 2023 để các doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh lại hoạt động đầu tư kinh doanh, huy động vốn.

“Bởi lẽ, nguồn vốn huy động từ trái phiếu đang là một kênh dẫn vốn cực kỳ quan trọng cho nền kinh tế, nhằm bù đắp thiếu hụt nguồn vốn tín dụng, do Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có lĩnh vực bất động sản, trong lúc thị trường vốn của nước ta chưa phát triển hài hòa, đồng bộ, quy mô còn khiêm tốn.

Nếu ngay lập tức “siết chặt” cả nguồn vốn tín dụng và nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp thì thị trường bất động sản và các doanh nghiệp bất động sản, các nhà đầu tư, người tiêu dùng và cả các tổ chức tín dụng đều có thể gặp khó khăn, rủi ro”, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA nhấn mạnh.

Theo nhận định của các doanh nghiệp địa ốc, khi dòng chảy từ tín dụng ngân hàng bị siết lại, trái phiếu cũng gặp nhiều khó khăn lúc đó doanh nghiệp sẽ gặp rủi ro về thanh khoản nếu đầu tư dàn trải. Chia sẻ với Tạp chí điện tử Nhà Quản Lý, ông Nguyễn Nam - Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản ĐTT (trụ sở tại quận 5, TP.HCM) cho biết, việc kiểm soát tín dụng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đối với các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để chuẩn bị về quỹ đất hay đầu tư trong tương lai.

Hiện tại, thanh khoản toàn thị trường đang có dấu hiệu sụt giảm. Ngoại trừ phân khúc đất nền, thị trường căn hộ và nhà phố, biệt thự tại TP.HCM và các tỉnh lân cận đều đang gặp khó, khi giao dịch thành công chỉ bằng hơn một nửa so với cùng kỳ năm 2021.

“Dù lộ trình siết tín dụng đã được vạch ra từ giai đoạn 2019 - 2021, các bên tham gia vào thị trường bất động sản sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do sự lệ thuộc vào vốn vay của ngành này vẫn còn khá lớn. Và khi hạn chế tín dụng vào bất động sản thì chắc chắn sẽ gây khó khăn cho các chủ đầu tư có lượng hàng tồn kho lớn, tốc độ bán hàng chậm”, ông Nam nói và cho biết để giảm thiểu rủi ro về tính thanh khoản thì các nhà đầu tư và doanh nghiệp phải tính toán lại phương án dòng tiền, tăng cường các kênh huy động vốn từ cổ đông, nhà đầu tư chiến lược hay khách hàng.

Đức Linh