Sáng lập DoJI Group
Ông Đỗ Minh Phú hiện được biết đến với vai trò là Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank). Người đứng đầu TPBank sinh năm 1952 (tuổi Nhâm Thìn), tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội với chuyên ngành Vô tuyến điện tử.
Sau khi ra trường, ông Phú theo đuổi ngành khoa học máy tính. Vì giỏi tiếng Anh, nên ông Phú được Viện nghiên cứu cử làm giám đốc một công ty nước ngoài về đá quý.`
Năm 1994, ông Phú bỏ việc và thành lập doanh nghiệp riêng chuyên về đá quý. Năm 2007, ông xây dựng trung tâm thương mại đầu tiên chuyên về vàng bạc đá quý mang tên DoJI Plaza tại Hà Nội.
Trong hai năm 2007 và 2008, đổi tên thành DoJI, tái cấu trúc và phân chia làm 6 công ty thành viên, thâu tóm những công ty như SJC Hà Nội, SJC Đà Nẵng, Công ty CP Đá quý và vàng Yên Bái. Sau đó, DoJI đã phát triển nhanh chóng và có doanh thu từ 60 tỷ (2006) lên 30.000 tỷ đồng (2011).
DoJI không chỉ tập trung vào việc phân phối vàng bạc đá quý cho người tiêu dùng mà còn đầu tư vào các mảng kinh doanh khác như ngân hàng, hàng tiêu dùng và nhà hàng. Sự đa dạng trong lĩnh vực kinh doanh đã giúp DoJI Group có được sự ổn định và tăng trưởng bền vững. Hiện nay, DoJI đã trở thành một thương hiệu kinh doanh vàng bạc đá quý hàng đầu tại Việt Nam. Ở thời điểm hiện tại, ông Phú là Chủ tịch Hội đồng sáng lập DoJi Group, cũng là cổ đông lớn nhất khi nắm 70% vốn của doanh nghiệp này.
Thương vụ bán Diana đình đám
Năm 1997, sau khi nhìn thấy tiềm năng của thị trường băng vệ sinh tại Việt Nam, ông Phú cùng em trai là Đỗ Anh Tú thành lập Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển kỹ thuật Việt Ý. Sau một thời gian, doanh nghiệp này đổi tên thành Công ty CP Diana chuyên sản xuất các sản phẩm khăn tã giấy, băng vệ sinh, giấy Tisue. Tổng số tiền đầu tư là 600.000 USD.
Năm 1997, doanh thu của Diana đạt khoảng 5 tỷ đồng. Năm 2008, doanh thu của Diana tăng lên gấp khoảng 3 lần, 2010 doanh thu đạt 1.020 tỷ đồng.
Năm 2011, Tập đoàn hàng gia dụng Nhật Bản Unicharm đã công bố mua lại 95% cổ phần của Diana. Để nắm quyền kiểm soát Diana, Unicharm đã chi ra 184 triệu USD, tương ứng định giá công ty ở mức 194 triệu USD (hơn 4.000 tỷ đồng theo tỷ giá thời điểm đó).
Bước vào lĩnh vực “bank”
Sau khi bán Diana, ông Phú đã sử dụng nguồn tiền khổng lồ để đầu tư vào các lĩnh vực khác. Trong đó, ông đã tập trung vào lĩnh vực ngân hàng. Bước đi đầu tiên, Tập đoàn DoJI và những người có liên quan đã thông báo mua lại 20% cổ phần của TPBank.
Tại thời điểm đó, ông Phú – đại diện DoJI nắm 8% cổ phần và ông Đỗ Anh Tú – cổ đông nắm 5% đã được bầu vào Hội đồng quản trị (HĐQT) của TPBank. Từ đây, ông Phú chính thức được bầu làm Chủ tịch HĐQT của TPBank. Trong khi đó, ông Tú đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT TPBank.
Sau 5 năm tái cơ cấu, TPBank đã từng bước “thay da đổi thịt”. Đến cuối tháng 2/2017, TPBank xóa được lỗ lũy kế và đáp ứng điều kiện cần thiết để lên sàn. Năm 2017, nhà “bank” này cũng gia nhập nhóm các nhà băng có lợi nhuận ngàn tỷ với lãi trước thuế tăng hơn 70% so với năm trước và đạt 1,205 tỷ đồng. Theo BCTC đến hết tháng 2/2018, lợi nhuận trước thuế của TPBank đạt 275.8 tỷ đồng.
Cũng vào những ngày cuối năm 2017, ông Phú lựa chọn tiếp tục làm Chủ tịch HĐQT TPBank, đồng thời dừng gắn bó với Tập đoàn DoJI để đáp ứng yêu cầu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) đã chính thức được Quốc hội thông qua trước đó (Chủ tịch HĐQT của TCTD không được đồng thời là Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp khác).
Ông Phú cho rằng, TPBank có thể cần mình hơn trong thời gian tới, còn DoJI đã có một quá trình chuẩn bị đủ dài và các thế hệ kế cận có thể đảm trách thay ông.