Học vấn “khủng”
Ông Trần Hùng Huy sinh ngày 4/12/1978, là con trai cả của ông Trần Mộng Hùng - một trong những người sáng lập ACB. Mẹ ông Huy là bà Đặng Thị Thu Thủy - thành viên Hội đồng quản trị ngân hàng này.
Năm 2002, ông Hùng Huy tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Chapman (Mỹ). Đến năm 2011, ông bảo vệ xong luận án tiến sĩ kinh tế tại Đại học Golden Gate (Mỹ).
Sau khi tốt nghiệp tại Đại học Chapman, ông Huy bắt đầu công việc của mình tại ACB. Khi đó, ông Huy đã tự nộp đơn thi tuyển làm nhân viên bán hàng ở ACB mà không cho gia đình biết. Sau khi trúng tuyển, ông Huy mới thông báo đến gia đình. Làm ở ACB 3 năm, ông Huy quay trở lại Mỹ theo học tiến sĩ, khi lúc đó vẫn là nhân viên cấp thấp.
Giai đoạn 2010, ACB là một ngân hàng niêm yết với hàng chục nghìn cổ đông và là ngân hàng cổ phần số một Việt Nam. ACB lúc đó có hàng loạt các thành viên gạo cội trong giới tài chính cả trong nước và nước ngoài, vậy nên ít ai nghĩ ông Huy sẽ làm chủ tịch hội đồng quản trị.
Chia sẻ khi làm chủ tịch ngân hàng ở lúc tuổi còn trẻ, ông Huy từng tâm sự: “Làm chủ tịch mà chưa được chuẩn bị gì cả”. Và cho đến nay, chưa có ai phá vỡ kỷ lục người trẻ tuổi nhất được bầu làm chủ tịch một nhà băng của ông Huy.
Khi lên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB, rất nhiều người nghĩ ông Trần Hùng Huy là một lựa chọn tạm thời khi ngân hàng này đang khủng hoảng và không ai muốn ngồi vào “ghế nóng”. Thế nhưng, sau đó 6 tháng, lần đại hội cổ đông năm 2013 và những kỳ họp tiếp theo, ông Huy vẫn tiếp tục ngồi ghế chủ tịch hội đồng quản trị. Có lẽ những kết quả kinh doanh ở ACB là lý do để cổ đông và các thành viên hội đồng quản trị tiếp tục chọn ông Huy.
Sự kiện “Bầu Kiên” và ngồi vào ghế nóng
"Đế chế" ACB được gây dựng bởi nhóm cổ đông, trong đó bố đẻ của ông Trần Hùng Huy là ông Trần Mộng Hùng cũng từng là Chủ tịch hội đồng sáng lập ACB, giữ vị trí Tổng giám đốc ngân hàng trong 2 năm từ 1993-1994, Chủ tịch HĐQT trong suốt 15 năm từ 1994-2008.
Năm 2008, ông Hùng rút về hậu trường với vai trò cố vấn quản trị. Năm 2012 sau "sự kiện" bầu Kiên, ông Trần Hùng Huy bất ngờ đảm nhiệm vị trí ghế nóng Chủ tịch ACB khi mới chỉ 34 tuổi. Đến tháng 4/2013 ông chính thức được bầu làm chủ tịch ngân hàng này.
Kể từ khi ông Trần Hùng Huy tiếp nhận vị trí Chủ tịch HĐQT ACB năm 2012 và vực dậy ngân hàng này sau biến cố.
Cuối tháng 6/2014, ngân hàng này được Tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch nâng triển vọng tín nhiệm từ “tiêu cực” lên “ổn định” sau khi đánh giá những sức ép từ rủi ro phát sinh tại ACB sau sự kiện ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) lên hệ thống tài chính của ABC đã giảm thiểu.
Những bước “nhảy vọt” của ACB bắt đầu vào những năm 2017, 2018. Năm 2017, doanh thu của ACB tăng 50% so với năm trước, đạt hơn 11.000 tỷ đồng; lợi nhuận năm tăng gấp hơn 2 lần, đạt 2656 tỷ.
Đến năm 2022, ACB ghi nhận tổng cộng 28.790 tỷ đồng doanh thu và lãi trước thuế 17.114 tỷ, tăng lần lượt 22% và 43%. Đáng chú ý, kết quả lợi nhuận này không chỉ vượt 14% kế hoạch cổ đông ngân hàng đã đề ra mà còn là mức lãi trước thuế cao nhất trong lịch sử hoạt động của ACB. Sau khi trừ thuế thu nhập, nhà băng này thu về khoản lãi ròng 13.688 tỷ đồng, cũng tăng tới 43%.
Kết thúc quý 1/2023 vừa qua, ngân hàng này đạt gần 5.157 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất, tăng 25% so với cùng kỳ, hoàn thành 26% kế hoạch kinh doanh năm 2023.
Tại ACB, ông Huy hiện đang nắm giữ 115,7 triệu cổ phiếu, tương đương 3,43% vốn điều lệ ngân hàng và là người có tỷ lệ sở hữu lớn nhất trong số các cổ đông nội bộ của ngân hàng.
Theo báo cáo quản trị ngân hàng năm 2022 của ACB, gia đình ông Trần Hùng Huy hiện đang nắm tổng cộng hơn 200 triệu cổ phiếu ACB, tương đương 6,05% vốn điều lệ ngân hàng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ACB chốt phiên 5/6 ở mức 21.750 đồng. Theo đó, giá trị tài sản của Chủ tịch ACB thông qua sở hữu cổ phiếu ước tính khoảng 2.516 tỷ đồng.
Ngoài ACB, ông Trần Hùng Huy cũng giữ vai trò chủ chốt tại một số doanh nghiệp khác như Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản ACB (ACBA), Công ty Cho thuê tài chính ACB (ACBL)…
Không chỉ thắng lớn trong kinh doanh, Chủ tịch Trần Hùng Huy được cho là đã “thổi một làn gió” mới cho ACB với hình ảnh một ngân hàng trẻ trung, năng động, nhiệt huyết và có trách nhiệm với cộng đồng. Đặc biệt, ông Huy cũng thể hiện sự khác biệt với tư duy đi trước trong vấn đề bảo vệ môi trường.
Cụ thể, năm 2022, ACB đã giảm phát thải 181 tấn CO2 nhờ sử dụng thảm tái chế, giảm phát thải 112 tấn CO2 nhờ tiết kiệm giấy. Mới đây, trong dịp kỷ niệm 30 năm thành lập, ACB cũng chính thức công bố định hướng là một ngân hàng ESG, viết tắt của Environmental - Social - Governance (Môi trường – Xã hội – Quản trị), trở thành ngân hàng dầu tiên tại Việt Nam thực hiện bộ tiêu chuẩn này. Về ESG, đây là bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng.
Về quản trị nội bộ, ACB được ghi nhận là một trong những tổ chức đặt yếu tố con người lên hàng đầu, với giá trị nhân văn trong văn hóa doanh nghiệp. Tính tới năm 2022, ngân hàng này đã có 4 lần liên tiếp đạt giải thưởng “Nơi làm việc tốt nhất Châu Á 2022 - Best companies to work for in Asia” do tạp chí HR Asia bình chọn.