Đầu tư phát triển nông nghiệp là một trong những lĩnh vực gần đây nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của doanh nhân Trương Sỹ Bá cũng không phải là ngoại lệ. Hiện tại, hệ sinh thái doanh nghiệp liên quan đến doanh nhân này phải kể đến Tập đoàn Tân Long, CTCP Siba Holdings và CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam.
Đại gia Trương Sỹ Bá là ai?
Ông Trương Sỹ Bá sinh năm 1967, hiện đang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long. Đồng thời, ông cũng là Chủ tịch HĐQT của Siba Holdings (nắm 98% Siba Holdings) và BaF. Ông từng có nhiều năm công tác tại CTCP Kim loại màu Nghệ Tĩnh. Đến năm 1994, ông chuyển sang kinh doanh tự do.
Năm 2000, ông Bá mở một công ty kinh doanh hóa chất. Năm 2007, trong một lần đi giao hóa chất tẩy rửa cho một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, ông chợt nhận ra chiếc xe của mình lọt thỏm giữa những dãy dài xe tải chở ngô giao cho nhà máy.
“Tôi vốn nghĩ loại hóa chất mình đang kinh doanh lúc đó là một loại hàng hóa có nhu cầu cao, nhưng nhìn cảnh nhà máy thu mua nông sản hôm ấy, tôi nhận ra nông sản mới là mặt hàng mà thị trường có nhu cầu lớn”, ông Bá kể.
Ngay sau đó, ông quyết định chuyển hướng kinh doanh, rồi dần trở thành nhà cung cấp nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, gạo, điều, thịt lợn... Tân Long ra đời từ đó.
“Ngành lương thực thực phẩm như gạo là mặt hàng thiết yếu, triển vọng phát triển rất lớn. Nhưng ngành này không dễ làm bởi nếu đi đường trường và hướng đến phát triển bền vững với tầm nhìn lâu dài thì phải đầu tư cho toàn chuỗi, phải hình thành nên mối liên kết sản xuất - tiêu thụ, từ bao tiêu vùng nguyên liệu đến cả xây dựng kênh bán hàng. Ngoài các nguồn lực còn phải có tâm huyết rất lớn, rất bền bỉ để tạo nên sản phẩm thực sự chất lượng cho người tiêu dùng và đảm bảo lợi ích cho nông dân”, ông Bá cho hay.
Hệ sinh thái nông nghiệp liên quan đến đại gia Trương Sỹ Bá "khủng" cỡ nào?
Lĩnh vực hoạt động của Tân Long Group bao gồm cung ứng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, sản xuất - kinh doanh gạo, Feed - Farm - Food... Tại ngày 22/5/2018, số vốn điều lệ của công ty này ở mức 1.200 tỷ đồng. 5 tháng sau, doanh nghiệp tăng vốn lên mức 2.200 tỷ đồng và giữ nguyên cho đến hiện tại. Trong đó ông Bá nắm giữ cổ phần chi phối với tỷ lệ sở hữu 88% vốn.
Nhập khẩu phân phối hóa chất vẫn là mảng hoạt động chính của Tân Long Group. Từ năm 2007 Tân Long Group bắt đầu tăng dần mức độ thâm nhập vào ngành chế biến thức ăn gia súc thông qua nhập khẩu nguyên liệu thay vì chỉ cung cấp hóa chất tẩy rửa cho nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Tân Long đã thành lập Công ty cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam năm 2017 với vốn điều lệ 30 tỷ đồng, tuy nhiên Công ty liên tục thực hiện tăng vốn, vốn điều lệ thời điểm hiện tại đã 780 tỷ đồng, bằng 26 lần so với thời điểm thành lập và chính thức niêm yết trên sàn HOSE ngày 3/12/2021. BaF phát triển mô hình chăn nuôi lợn khép kín 3F (Feed - Farm - Food).
CTCP Siba Holdings hiện là cổ đông lớn của BaF khi nắm giữ gần 16 triệu cổ phiếu tương đương 20,5% cổ phần của công ty nuôi heo này. Tháng 9/2022, Siba Holdings vừa mua đăng ký mua gần 25 triệu cổ phiếu BaF của CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam. Giao dịch dự kiến thực hiện thông qua hình thức khớp lệnh/thoả thuận, mục đích nâng tỷ lệ sở hữu. Thời gian thực hiện từ ngày 30/9 - 28/10/2022. Nếu thành công, Siba Holdings dự tăng sở hữu tại BaF lên 37,65% vốn, tương đương hơn 54 triệu cổ phần.
Hiện tại, sản phẩm thịt lợn BaF Meat của Công ty đang được phân phối qua chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Siba Food và điểm bán BaF Meat Shop.
Liên quan đến hoạt động kinh doanh, công ty do ông Bá làm chủ có doanh thu qua các năm khá tốt. Cụ thể, năm 2016, doanh thu Tân Long Group đạt 21.524 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp này chỉ lãi vỏn vẹn 39 tỷ đồng. Sang đến năm 2017, doanh công ty đạt ngưỡng 1 tỷ USD (23.288 tỷ đồng). Năm này, Tân Long lại báo lỗ 277 tỷ đồng.
Tháng 7/2017, Tân Long Group là 1 trong 4 công ty Việt Nam đã trúng thầu cung cấp 175 nghìn tấn gạo (25% tấm) cho Philippines, trong đó Tân Long Group cung cấp 50.000 tấn. Trong năm này, Tân Long Group đạt Top 3 nhà cung cấp gạo Japonica xuất khẩu tại Việt Nam.
Năm 2018, Tân Long Group vượt qua quy trình kiểm nghiệm không chứa hơn 300 loại hóa chất để thắng thầu quốc tế, xuất sang Hàn Quốc gần 130.000 tấn gạo Japonica và gạo thơm, chiếm hơn 60% gạo nhập khẩu tại quốc gia này. Tân Long trở thành nhà cung ứng hơn 75% gạo Japonica cho thị trường Hàn Quốc, đồng thời xuất khẩu gạo Japonica sang một số thị trường Đông Nam Á. Trong năm nay, doanh thu của công ty tăng lên trên 38.000 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ ở mức 30 tỷ đồng.
Đến 2019, Tân Long tiếp tục gây chú ý với hợp đồng thương mại mua 176.000 tấn điều thô từ Tanzania, chiếm tới 18% lượng điều thô nhập khẩu của Việt Nam trong năm theo thống kê của tổng cục Hải Quan. Công ty ghi nhận lỗ lên đến 493 tỷ đồng. Sang đến năm 2020, doanh thu đã vượt ngưỡng 50.000 tỷ đồng và lãi về tay là 51 tỷ đồng
Tân Long hiện có một hệ thống 5 nhà máy gạo, đều đặt ở các vùng nguyên liệu Cần Thơ, Đồng Tháp và An Giang. Riêng với nhà máy Hạnh Phúc, khi đi vào hoạt động có quy mô sấy trữ lên đến 240.000 tấn với 80 silo công nghệ cao. Tập đoàn hiện mở rộng hoạt động kinh doanh sang nhiều nước như Campuchia, Singapore, Myanmar, Ai Cập, Philippines, Guinea Bissau, Cote D’ivoire (Bờ Biển Ngà) và Tazania.
Tân Long đặt ra kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu doanh thu thuần dự kiến đạt 5.950 tỷ đồng, tương đương chỉ bằng 57% kết quả năm ngoái nhưng lợi nhuận sau thuế được kỳ vọng tăng 25% lên mức 402 tỷ đồng.
Còn về Siba Holdings, Siba Food của doanh nghiệp này đang có gần 60 cửa hàng và dự kiến mở rộng lên 100 cửa hàng trong năm 2023. Siba Food hướng tới trở thành chuỗi cửa hàng thực phẩm quy mô lớn nhất Việt Nam với 1.500 cửa hàng Siba Food và 15.000 Meat Shop.
Trong khi đó, BaF mới đây đồng loạt khởi công xây dựng 4 cụm trang trại heo công nghệ cạo tại xã Suối Ngô, huyện Tân Châu tỉnh Tây Ninh. Công ty dự kiến xây dựng khoảng 100 trang trại và đạt 200.000 nái vào năm 2030. Hiện tại, BaF đã phát triển hệ thống trang trại heo tại Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Daklak, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu, Tây Ninh, Phú Yên...
Theo kế hoạch đến năm 2024, tổng đàn nái của công ty sẽ nâng lên ở mức khoảng 45.300 con, đáp ứng nhu cầu con giống để nuôi lợn thịt với quy mô trên 1,1 triệu con.
Trong 6 tháng đầu năm, Nông nghiệp BaF Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 3.164,23 tỷ đồng, giảm 39,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 128,14 tỷ đồng, giảm 36,3% so với cùng kỳ. Trong năm 2022, Công ty đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu giảm 43% về 5.950 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 24,8% lên 402 tỷ đồng.
Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của Nông nghiệp BaF Việt Nam giảm 11% so với đầu năm, tương ứng giảm 601,1 tỷ đồng về 4.856,1 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn đạt 1.582,3 tỷ đồng, chiếm 32,6% tổng tài sản; tồn kho đạt 1.448,9 tỷ đồng, chiếm 29,8% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 732,6 tỷ đồng, chiếm 15,1% tổng tài sản và các tài sản khác.
Tập đoàn này còn "nổi danh" khi là nhà tài trợ cho đội tuyển bóng đá Sông Lam Nghệ An (SLNA). Theo đó, kể từ ngày 1/6/2021, Tập đoàn Tân Long đã chính thức tiếp nhận CLB bóng đá SLNA.
Tập đoàn Tân Long sẽ giữ lại tên Câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An, đồng thời chính thức giới thiệu bộ máy ban lãnh đạo và điều hành mới với Chủ tịch Câu lạc bộ là ông Trương Sỹ Bá. Còn con trai ông, ông Trương Mạnh Linh giữ vị trí Giám đốc Điều hành.
Ông Trương Sỹ Bá cho biết “Chúng tôi mong muốn được đóng góp vào sự phát triển chung của bóng đá xứ Nghệ nói chung và SLNA nói riêng với môi trường bóng đá Việt Nam. Với tư cách của nhà đồng hành, tài trợ và quản lý mới, chúng tôi cam kết đảm bảo và tạo mọi điều kiện để CLB SLNA có sự chuẩn bị tốt nhất về mọi mặt, vững tâm thi đấu và đạt kết quả tốt nhất trong những trận đấu sẽ gian nan nhưng cũng rất nhiều hy vọng phía trước”.