Gầy dựng sự nghiệp từ gánh ve chai
Chú Hỏa sinh năm 1845, xuất thân từ tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Tên thật là Huỳnh Văn Hoa, chứ không phải Hứa Bổn Hỏa như một số tài liệu trước đây. Chú Hỏa có tên Bui Hon Hoa do ông thuộc tín đồ đạo Công giáo nên khi nhập tịch Pháp đã lấy tên Jean Baptiste Bui Hon Hoa. Ông thuộc nhóm người Hoa nhập cư vào miền Nam nước ta khi triều đình Mãn Thanh đánh bại nhà Minh. Người đàn ông này được nhắc đến như là một trong “Tứ đại phú hộ” ở miền Nam: Nhất Sỹ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Hỏa. Đến năm 1901, Chú Hỏa đã đột ngột qua đời khi đang về thăm quê nhà tại Trung Quốc.
Chân dung chú Hỏa
Hiện nay có rất nhiều giai thoại khác nhau được truyền tai về quá trình lập nghiệp của Chú Hỏa. Ông cùng gia đình đến với Việt Nam từ hai bàn tay trắng và kiếm sống bằng gánh ve chai. Có người nói chú Hỏa trong một lần thu mua phế liệu, may mắn nhặt được một túi vàng trong chiếc ghế nệm cũ.
Người khác thì nói do ông không chỉ mua ve chai, mà còn mua đồ cổ với giá rẻ bèo từ những người không hiểu biết về phân loại bán với giá gấp 4 lần. Có một lần mua chuông đồng từ gia đình nọ, họ muốn bán đi để trống chỗ và bất ngờ khi đem về chú Hỏa phát hiện đây là chuông được đúc từ vàng khối và phủ lớp đồng bên ngoài.
Hoặc có một giai thoại thể hiện được đầu óc kinh doanh của chú Hỏa khi chính quyền Pháp thanh lý 20.000 máy truyền tin cũ phế thải. Chú Hỏa vận dụng kinh nghiệm phân loại từ công việc ve chai của mình, đã mua các máy vô giá trị và tách vàng từ chúng. Ông đã thu gom được một lượng vàng lớn và phất lên từ đó.
Hình ảnh gánh ve chai từng được trưng bày tại căn nhà của chú Hỏa
Sau khi có được số vốn ban đầu, Chú Hỏa liền chuyển sang lĩnh vực bất động sản. Sự nghiệp bất động sản của ông lẫy lừng bắt nguồn từ lòng tốt của mình. Chú Hỏa từng làm ăn chung với một người Pháp, nhưng ông này do làm ăn thất bại nên đã sạt nghiệp và được Chú Hỏa giúp đỡ trở về lại quê hương.
Để cảm tạ lòng tốt của bạn, ông người Pháp đã tiết lộ cho Chú Hỏa về kế hoạch xây dựng chợ Bến Thành của chính quyền thực dân Pháp. Thế là ông Bui Hon Hoa mua cả khu đất sình lầy, hoang phế đối diện quảng trường Quách Thị Trang ngày nay.
Khi thực dân Pháp xây dựng chợ Bến Thành, Chú Hỏa đã được đền bù số tiền rất lớn và sở hữu nền đất xung quanh chợ giá trị nhất thời ấy. Kể từ vụ làm ăn quá hời này, ông Bui Hon Hoa đã phát triển sự nghiệp của mình như vũ bão và đóng góp rất lớn cho sự thịnh vượng của vùng đất Sài Gòn lúc bấy giờ.
Đây từng là khu đất thuộc quyền sở hữu của Chú Hỏa
Ông trùm sở hữu hơn 30.000 nghìn căn nhà ở Sài Gòn
Sau khi thành công từ khu đất chợ Bến Thành, Chú Hỏa đã thành lập công ty bất động sản ”Công ty Bui Hon Hoa và các con”. Ông đã cho xây dựng 30.000 căn nhà phố để cho thuê lại, chiếm rất lớn diện tích vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn khi ấy.
Số tiền thu được từ việc cho thuê nhà vô cùng lớn, tạo điều kiện cho Chú Hỏa bước chân vào lĩnh vực xây dựng. Công ty của ông đã xây dựng nên rất nhiều dự án bất động sản lộng lẫy nhất thời bấy giờ và hiện nay vẫn còn rất nhiều công trình được gia độc Bui Hon Hoa đóng góp cho cộng đồng.
Một khu nhà thuộc sở hữu của Chú Hỏa nằm tại góc đường Võ Văn Kiệt - Phó Đức Chính (hiện đã bị giải tỏa)
Một số công trình nổi bật được Chú Hỏa xây dựng còn tồn tại đến ngày nay phải kể đến như: Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện đa khoa Sài Gòn, Khách sạn Majestic,...
Không chỉ làm về bất động sản, ông còn kinh doanh thêm lĩnh vực cầm đồ, tiệm đầu tiên tọa lạc tại góc đường Nguyễn Thái Bình và Phó Đức Chính bây giờ. Thuở ấy trước cửa tiệm có một khu đất trống, Chú Hỏa liền mua ngay để xây dựng ba căn nhà sát nhau dành cho cả ba người con trai của mình.
Sau khi ông qua đời, ba người con đã xây dựng lại ngôi nhà của ba để lại với kiến trúc độc đáo 99 cửa nguy nga, lộng lẫy giữa trung tâm Sài Gòn. Ngôi nhà đặc biệt ấy chính là Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay nằm tại 97 Phó Đức Chính, quận 1.
Ngôi nhà 99 cửa nay là Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (số 97 Phó Đức Chính, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh)
Sự nghiệp làm bất động sản của Chú Hỏa phát triển rất mạnh, công thức thành công của ông cũng không khác gì thời hiện nay. Đó là mua trước những khu đất hoang phế, sình lầy sắp được chính quyền quy hoạch với giá rẻ bèo, sau đó thu lại tiền đền bù với lợi nhuận siêu khủng.
Ông từng được Vương Hồng Sển - nhà văn hóa, học giả, nhà sưu tập đồ cổ người Việt Nam - nhận xét rằng: “Tuy làm giàu cho mình đã đành, nhưng cũng giúp ích rất nhiều cho sự mở mang thịnh vượng kinh tế miền Nam”.
Tư duy kinh doanh đó của ông được truyền đạt cho cả ba người con trai và họ đã cùng chung tay phát triển sự nghiệp của gia tộc Bui Hon Hoa lên một tầm cao mới.
Những người con của chú Hỏa
Giai thoại có người kể rằng chú Hỏa có ba người con trai và một người con gái. Nhưng có chuyện không may xảy ra với cô con gái của ông, cô ấy đã mất rất sớm vì bị bệnh phong cùi. Và cô gái này mất chính xác tại ngôi nhà 97 Phó Đức Chính là Bảo tàng Mỹ thuật hiện nay. Từ đó xuất hiện câu chuyện tâm linh và được chuyển thể thành phim kinh dị đầu tiên của Việt Nam “Con ma nhà họ Hứa”.
Có người lại kể ông Bui Hon Hoa chỉ có ba người con trai Huỳnh Trọng Huấn (1876 - 1934), Huỳnh Trọng Tán (1877 - 1934), Huỳnh Trọng Bình (1892 - 1951). Hai người con đầu được sinh tại Trung Quốc và theo Chú Hỏa sang Việt Nam lập nghiệp, duy chỉ có Huỳnh Trọng Tán là được sinh tại Sài Gòn.
Ba người con của chú Hỏa (Từ trái sang phải: Huỳnh Trọng Tán, Huỳnh Trọng Huấn, Huỳnh Trọng Bình)
Khi nhắc đến những người giàu thời xưa, thường xuất hiện câu chuyện các người con tranh giành tài sản, ăn chơi trác táng và phá hủy cơ nghiệp. Tuy nhiên, gia tộc Bui Hon Hoa hoàn toàn ngược lại. Cả ba người con của chú Hỏa cùng nhau chung tay phát triển sự nghiệp của cha mình để lại. Họ luôn nằm lòng triết lý kinh doanh của gia đình là tiền kiếm được từ cộng đồng thì phải dùng để phục vụ cộng đồng.
Các con cháu của Chú Hỏa luôn luôn hòa thuận, không chia gia tài, chỉ chia nhau lợi tức. Mỗi khi cần chi số tiền lớn, cần phải thông qua người anh cả thì ngân hàng mới có thể giải ngân. Chính vì thế mà ngoài công trình ngôi nhà số 97 Phó Đức Chính cả ba ông Huấn, Tán. Bình cùng nhau xây dựng thì còn nhiều tòa nhà khác rất lộng lẫy được công ty Bui Hon Hoa thực hiện.
Nổi bật nhất phải kể đến khách sạn Majestic nằm tại quận 1 được xây dựng từ năm 1925. Đây là khách sạn đẳng cấp đầu tiên tại Sài Gòn có thiết kế 3 tầng lầu 44 phòng ngủ, có trang bị máy điều hòa không khí đầu tiên ở Đông Dương. Ngoài ra còn các công trình công cộng như: Phước Thiện Y ( bệnh viện Nguyễn Trãi) năm 1909, Chẩn Y Viện ( bệnh viện đa khoa Sài Gòn) năm 1937, Bệnh viện Maternité Indochinoise (Bệnh viện Từ Dũ) năm 1937,... Tất cả công trình đều được sử dụng đến hiện nay.
Con cháu gia tộc Bui Hon Hoa lần lượt rời khỏi Việt Nam sang Pháp định cư vào năm 1975. Tất cả đều thành công tại đất Pháp và từng trở về Việt Nam vào năm 2006 để thăm lại những địa điểm từng thuộc về Chú Hỏa - một trong bốn người giàu nhất lúc bấy giờ.