Tham vọng với hãng hàng không riêng
Tại lễ trao giải Thương hiệu mạnh Việt Nam 2022, bà Lê Hồng Thủy TIên - CEO của IPP Group đã có những chia sẻ những kế hoạch và tham vọng đối với việc thực hiện hãng hàng không IPP Air Cargo.
Theo bà Tiên, ở Việt Nam hiện có 5 hãng không. Các hãng hàng không này khai thác vận chuyển hàng hoá kết hợp trên chuyến bay chở hành khách. Hiện nay chưa có hãng bay chở hàng hoá chuyên dụng.
Cũng theo CEO IPP Group, thị trường vận chuyển hàng hóa quốc tế của Việt Nam đang có 29 hãng hàng không nước ngoài đến từ 16 quốc gia tham gia khai thác. Trong khi đó, thị phần hàng hóa quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam giai đoạn 2020 - 2021 chỉ vào khoảng 11%. Một thực tế, Việt Nam kêu gọi nhiều nhà đầu tư FDI vào. Nhưng hiện nay lại không có một đội bay chuyên nghiệp vận chuyển hàng hoá.
“Ví như một doanh nghiệp FDI lớn ở Hải Phòng, khi kéo hàng lên Hà Nội thì chi phí rất cao. Nếu có hãng hàng không bay thẳng từ Hải Phòng đi các nước, tính sơ bộ 1 năm có thể tiết kiệm được cho họ 500.000 USD. Đó là một tính toán rất nhỏ. Chúng tôi đang chờ chập thuận cấp phép cuối cùng từ Chính phủ. Nếu được cấp phép, chúng tôi hy vọng hãng hàng không IPP Air Cargo sẽ giải được rất nhiều bài toán cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam…”, bà Tiên cho hay.
Cũng theo bà Tiên, mơ ước được đưa trái cây, nông sản sạch của Việt Nam đến người tiêu dùng thế giới, đến tay người tiêu dùng Nhật Bản, Úc... một cách nhanh chóng và tiết kiệm chi phí nhất. Hiện 4 máy bay đã chuyển đổi và nằm chờ sẵn, đội ngũ nhân viên chủ chốt…điều đã sẵn sàng và đáp ứng theo Nghị định 89 về việc kinh doanh có điều kiện hãng hàng không hàng hoá, chỉ còn chờ giấy phép. Khi đi vào hoạt động, IPP Group cam kết sẽ phục vụ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và FDI thật tốt, từ đó tạo nên một nền tảng bền vững.
“Họ nói nếu mình có một đội bay Freighter, họ sẽ di dời nhà máy OEM từ các nước khác về Việt Nam, vì họ cảm thấy đây là một trong những yếu tố rất bền vững để tiết kiệm chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không. Chúng tôi sẽ đầu tư tàu bay thân rộng… để bay thẳng đi Châu Âu và Mỹ”, CEO IPP Group chia sẻ.
Nữ Tổng giám đốc IPP Group quyết tâm, khi cho rằng IPP Air Cargo sẽ góp phần hàn gắn chuỗi cung ứng hàng hóa hàng không đang rối loạn của Việt Nam - Thế giới và ngược lại…Đồng thời xác định, đây là một cuộc chơi tốn kém, chấp nhận lỗ trong 3 năm, nhưng vẫn làm vì muốn đưa tinh hoa Việt Nam ra thế giới bằng con đường nhanh nhất.
Bước ngoặc cuộc đời sau khi kết hôn
Ngày nay, nhiều người biết đến nữ CEO của IPP Group là một người hoạt động kinh doanh mạnh mẽ, sôi nổi và có tầm ảnh hưởng. Nhưng ít ai biết được, bà Tiên đã có một tuổi thơ khó khăn. Bà sinh ra trong một gia đình có 5 anh chị em. Tuy nhiên biến cố bất ngờ ập đến, khi bà được 5 tuổi thì cha mất và được một tay người mẹ giáo viên nuôi dưỡng, dạy dỗ “phải làm việc cật lực mới có thể tồn tại được”. Chính những điều này đã giúp bà tôi luyện ý chí và nỗ lực không ngừng.
Là người phụ nữ có nhan sắc nên bà cũng bén duyên với nghề diễn xuất. Mặc dù còn đang là sinh viên và cũng không hề được đào tạo về diễn xuất nhưng bà đã được mời đóng phim và được giao vai chính trong phim “Vị đắng tình yêu” đóng cùng với diễn viên Lê Công Tuấn Anh. Bộ phim này đã đạt được doanh thu và thành công vang dội vào thập niên 1990. Nhờ sự thành công đó, bà được mời tham gia đóng vai chính của nhiều bộ phim và đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. Tuy nhiên, khi đang trên đỉnh cao của sự nghiệp diễn xuất, bà bất ngờ từ bỏ màn ảnh, trở thành một tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines.
Cũng chính môi trường làm việc mới đã giúp bà gặp người đàn ông sẽ thay đổi cuộc đời mình. Bà gặp doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn trên một chuyến bay mà bà là tiếp viên, còn ông là khách hàng.
Năm 1995, bà Tiên kết hôn cùng ông Johnathan Hạnh Nguyễn và sau đó chính thức dấn thân vào công việc kinh doanh cùng chồng. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn bắt tay xây dựng IPP Group tại Philippines từ năm 1986.
Trong năm 1995, bà Tiên bắt đầu với Siêu thị Miền Đông. Dưới sự chỉ huy của bà Tiên, IPP Group đã nhập khẩu, phân phối nhiều nhãn hàng có thương hiệu đến từ Mỹ và Châu Âu. Kim ngạch nhập khẩu mỗi năm trên hàng trăm triệu USD.
Ông Jonathan thẳng thắn chia sẻ với báo giới rằng: "Trong gần 30 năm thành lập công ty, tính từ năm 1986, thì 20 năm đầu, tôi chèo lái. Hơn 10 năm trở lại đây, công việc điều hành tôi đã giao lại cho Tổng giám đốc Lê Hồng Thủy Tiên".
Chính thức vào vị trí CEO, nhiệm vụ đầu tiên của bà là tiếp cận và làm thị trường cho ba thương hiệu: Burberry, Bally và Ferragamo.
“Tôi đã phải lập nhiều phương án kinh doanh và trình bày với họ một cách ấn tượng và thuyết phục nhất để ‘gút’ được hợp đồng phân phối với tinh thần đôi bên đều có lợi”, bà nói.
Không chỉ vậy, bà Thủy Tiên còn tạo ra nhiều cơ hội cho sự phát triển, sáng tạo và cống hiến của nhân viên, giúp những ý tưởng của bà không những thành công ở Việt Nam mà còn tại châu Á. Một vài dự án nổi bật của IPP có thể kể đến là Trung tâm mua sắm Rex Arcade và Tràng Tiền Plaza đánh dấu vị thế của tập đoàn trong ngành kinh doanh thời trang và xuất nhập khẩu.
Hiện nay, bà Tiên đang tập trung quản lý 25 công ty gắn liền với việc độc quyền phân phối các thương hiệu thời trang cao cấp, doanh thu hàng năm lên tới 500 triệu USD. “Tham vọng của tôi là đạt tới mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD. Tôi đã đi gần tới đích”, bà chia sẻ.
Bằng tài năng và sự nhanh nhạy, bà đã thoát ra khỏi cái bóng của chồng mình và từng bước khẳng định bản thân ở thị trường Việt Nam cũng như trên thế giới.
Ngoài công việc kinh doanh, CEO IPP Group còn được biết đến là một nhà hoạt động xã hội cho quyền bình đẳng của phụ nữ Việt Nam. Bà luôn nhiệt tình hỗ trợ, nâng cao năng lực cho phụ nữ và phát triển nghề nghiệp tại nơi làm việc. Trong đó 60% số lao động của tập đoàn là phụ nữ, số nữ cán bộ lãnh đạo đã đạt 70%, với 25.000 nhân viên, 35 công ty con và 542 triệu USD doanh thu trong năm 2016
Bà và Tập đoàn IPPG thường xuyên tài trợ những dự án cho mang tính cộng đồng, xây dựng nhà tình thương và trường học cho trẻ em và giáo viên ở các vùng nông thôn nghèo, hải đảo, hỗ trợ các quỹ từ thiện, quỹ học bổng với tổng giá trị lên đến 2 triệu USD trong vòng 3 năm từ 2014 - 2017.
Năm 2017, trong khuôn khổ APEC là chương trình "Đối thoại công - tư về nữ giới và kinh tế" và "Hội nghị của Hội đồng Cố vấn Kinh doanh APEC (ABAC)”, bà Tiên cho rằng: “Bình đẳng giới không có nghĩa là ngồi yên đó chờ đợi nam giới và xã hội trao quyền, mà chính bản thân từng người phụ nữ nên nhận thức được giá trị của chính mình, tự nỗ lực phát huy những giá trị đó, nắm bắt cơ hội vươn lên để khẳng định mình".
Trước những đóng góp của mình, năm 2013, doanh nhân Thuỷ Tiên vinh dự nhận cúp Bông hồng vàng về những thành tích kinh doanh đáng ghi nhận. Tháng 3/2016, nữ doanh nhân này được vinh danh là “Doanh nhân nữ ASEAN tiêu biểu”. Tháng 10/2016, bà Thủy Tiên nhận cúp “Thánh Gióng” vinh danh các doanh nghiệp và doanh nhân có đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước.
Năm 2019, trong khuôn khổ của Hội nghị Thượng đỉnh về Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (ASEAN BIS), bà Lê Hồng Thủy Tiên, đã được vinh danh ở hạng mục “Nữ Doanh nhân ASEAN 2019”, của Giải thưởng Doanh nghiệp ASEAN 2019 (ABA 2019).
Năm 2022, nữ CEO của IPP Group tiếp tục nhận giải thưởng "Bông Hồng Vàng" lần thứ 3. Trước đó, năm 2021, bà đã đoạt giải thưởng "Thực hiện nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ" tại Việt Nam, với hạng mục "Lãnh đạo cam kết và hành động thúc đẩy bình đẳng giới".