Chân dung CEO Đặng Phạm Minh Loan – Người vực dậy con tàu sắp đắm Công ty Sữa Quốc Tế

Mai Ngọc

20/10/2022 12:35

Vào năm 2018, Công ty CP Sữa Quốc Tế (MCK: IDP) đang rơi vào khủng khoảng với những khó khăn tài chính. Lúc này, bà Đặng Phạm Minh Loan ngồi vào vị trí CEO và từ đó vực dậy con tàu đắm Công ty Sữa Quốc Tế, đồng thời giúp doanh nghiệp này trở lại đầy sự ấn tượng.

Bước vào những khó khăn

Công ty Sữa Quốc Tế được thành lập vào năm 2004. Khi bước vào thị trường, IDP đã nhanh chóng để lại những ấn tượng cho người tiêu dùng với những sản phẩm như: Sữa Ba Vì, Love’in Farm. Doanh nghiệp này cũng nhanh chóng có chỗ đứng trên thị trường sữa ở Việt Nam.

Đến tháng 11/2014, Công ty Sữa Quốc Tế đã nhận được 75 triệu USD từ hai nhà đầu tư lớn là VinaCapital và Tập đoàn đầu tư Daiwa. Cú rót vốn của hai ông lớn này với tham vọng biến IDP trở thành một thế lực của ngành sữa trong nước.

311924070-528879532397241-2118664791524152322-n-1666243077.jpeg

CEO Đặng Phạm Minh Loan của IDP.

Thế nhưng, những kỳ vọng trước đó lại cho ra kết quả trái đắng, khi IDP kết quả kinh doanh ngày càng đi xuống. Cụ thể, năm 2015, IDP ghi nhận mức lãi 6 tỷ đồng. Đến năm 2016, IDP ghi nhận mức lỗ 260 tỷ đồng. Năm 2017, doanh nghiệp này lỗ tới 298 tỷ đồng. Với việc liên tục thua lỗ, IDP phải đứng trước viễn cảnh phá sản nếu không có sự thay đổi, cải thiện.

Năm 2018, bà Đặng Phạm Minh Loan (Phó Giám đốc Điều hành VinaCapital, phụ trách mảng đầu tư doanh nghiệp tư nhân) là đại diện của VinaCapital tại IDP và giữ vị trí Chủ tịch HĐQT. Lúc này, bà Minh Loan đã có một quyết định rất dũng cảm khi chuyển qua vai trò CEO và trực tiếp điều hành “con tàu” khủng hoảng IDP.

Chia sẻ với báo chí, bà Minh Loan cho hay: “Tôi đã mất ăn mất ngủ bởi nếu IDP phá sản, hơn 1.300 nhân viên của công ty sẽ mất việc và kèm theo là nỗi cơ cực của các gia đình. Đồng thời uy tín của VinaCapital, uy tín cá nhân sẽ bị tổn hại nghiêm trọng. Nên tôi đã quyết định lao mình vào “lửa” với quyết tâm không để 1.300 gia đình mất đi “nồi cơm”. Đây là một quyết định do “trái tim” mách bảo…”.

Đặc biệt, vào thời điểm đó, khi một nửa lãnh đạo chủ chốt nghỉ việc, lỗ lớn 2 năm liên tiếp đến âm vốn chủ sở hữu, chiến lược dường như bế tắc…, đã khiến cho bà Minh Loan gặp không ít khó khăn ngồi vào ghế CEO của IDP.

Trở lại và ghi dấu ấn 

Thời gian đầu, CEO Minh Loan đã thực hiện nhiều chiến lược, như: Tái cơ cấu danh mục, hoạt động phân phối và cắt giảm chi phí marketing… Những chính sách của bà Minh Loan đã đem lại những hiệu quả nhất định, giúp IDP từ lỗ nặng đến giảm lỗ và tiến dần đến hòa vốn.

Ở thời điểm cuối năm 2018, doanh số của IDP khoảng 120-130 tỷ đồng/tháng, đây là con số không cao hơn thời điểm 4 năm trước khi VinaCapital đầu tư, nhưng nền tảng của IDP đã rất khác.

Đến tháng 5/2019, những chiến lược của CEO Minh Loan mới giúp IDP thực sự lột xác. Cụ thể,  doanh số mỗi tháng lại tăng thêm 10% so với tháng trước. Tổng kết năm 2019, IDP có tổng doanh thu 1.861 tỷ đồng và lãi 113 tỷ đồng trước thuế, cao hơn 544 tỷ đồng so với năm 2018 (lỗ 44 tỷ đồng).

Trên đà trở lại, năm 2020, IDP ghi nhận doanh thu tăng hơn 2000 tỷ đồnghơn gấp đôi năm 2019 (3836 tỉ), lợi nhuận trước thuế tăng gần 5 lần (546 tỉ). Kết quả kinh doanh của IDP đã gây ra nhiều ngạc nhiên cho giới đầu tư.

Năm 2021, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, IDP lại càng lớn mạnh. Doanh thu 4.827 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.042 tỷ của IDP đã đưa IDP trở thành một thế lực của ngành sữa, với tổng vốn hoá thị trường đạt gần 9.200 tỷ đồng, tương đương 400 triệu USD và được các chuyên gia đánh giá có thể đạt tới cả tỷ USD trong ít năm tới.

300153504-825360432040293-7436671340320314748-n-1666243173.jpeg

Dưới sự lèo lái của bà Loan, IDP đã trở lại ngoạn mục.

Năm 2022, kết quả kinh doanh, doanh thu 6 tháng đầu năm của IDP đạt 2.784 tỷ đồng, tăng 17% so với nửa đầu năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế tăng 11,5% lên mức 452 tỷ đồng.

Năm 2022, công ty đặt mục tiêu doanh thu là 5.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 452 tỷ đồng. Như vậy, IDP đạt 51% chỉ tiêu doanh thu và hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận năm trong 6 tháng. Cuối quý II, tổng tài sản của IDP đạt 3.373 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm. Tiền, khoản tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn ở ngân hàng là 1.641 tỷ đồng.

Vào ngày 21/10/2022, IDP sẽ chốt danh sách cổ đông chi tạm ứng cổ tức đợt I/2022 bằng tiền. Tỷ lệ thanh toán 15% (1 cổ phiếu được nhận về 1.500 đồng). Thời gian thanh toán 31/10/2022.

Với gần 58,95 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Sữa Quốc tế sẽ chi khoảng 88,4 tỷ đồng tạm ứng cổ tức đợt này cho cổ đông.

Bên cạnh đó, HĐQT IDP cũng đã thông qua phương án phát hành 1,17 triệu cp ESOP cho các lãnh đạo cấp cao với giá phát hành 10.000 đồng/cp, trong khi thị giá IDP đóng phiên 10/10 là 155.000 đồng/cp.

Với số tiền thu được, công ty sẽ bổ sung vào nguồn vốn lưu động phục vụ cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.Vốn điều lệ sau phát hành sẽ tăng lên hơn 601 tỷ đồng.

Thời gian dự kiến thực hiện trong năm 2022, thời điểm cụ thể do HĐQT quyết định ngay sau khi được sự chấp thuận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Mai Ngọc