Trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2020 vừa qua, ông Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai nhiều lần nhấn mạnh đến chủ trương xuất khẩu trái cây sang thị trường Trung Quốc - là một trong những quốc gia tiêu thụ trái cây nhiều nhất thế giới, với dân số 1,4 tỉ người cùng thu nhập đang tăng dần.
Báo cáo cho biết đến nay HAGL đã trồng trên 18.300 héc-ta cây ăn trái, trong đó có hơn 5.700 héc-ta đã đi vào khai thác với các sản phẩm chủ lực là chuối, xoài, mít, bưởi và thanh long.
Chuối là loại trái cây dự kiến đóng góp tới 86% doanh thu năm 2020 của HAGL Agrico, công ty thành viên chuyên mảng nông nghiệp của HAGL. Sản lượng chuối dự kiến năm 2020 của doanh nghiệp này ở vào khoảng 316 nghìn tấn, mang lại hơn 3.700 tỉ đồng doanh thu. “Phần lớn chuối và các loại trái cây khác đều được xuất khẩu đi Trung Quốc” - bà Võ Thị Mỹ Hạnh, Tổng giám đốc HAGL Agrico cho biết. Chuối của HAGL chủ yếu được trồng tại Lào và Campuchia.
Khác với các loại trái cây khác, toàn bộ chuối xuất khẩu của HAGL Agrco đều đi theo đường biển có lợi về chi phí so với đường bộ (qua biên giới phía Bắc) và đặc biệt ổn định hơn trong mùa dịch vừa qua, khi biên giới đất liền bị đóng cửa.
Từ biên giới Lạng Sơn, các xe container phải đi hàng nghìn km mới đến được các thành phố tiêu thụ chính như Bắc Kinh, Thượng Hải. Chi phí cho một xe container chở chuối của HAGL từ Lào/Campuchia lên biên giới Lạng Sơn ở vào khoảng 53 triệu đồng. Phải thêm từ 40 đến 50 triệu đồng để xe container từ biên giới vào sâu các thành phố Trung Quốc. Trong khi đó, chuối từ Lào/Campuchia đi qua cảng Cát Lái và đi theo đường biển sang thẳng Đại Liên, Bắc Kinh chỉ mất hơn 40 triệu đồng, bà Hạnh cho biết.
Trung Quốc là một trong năm quốc gia nhập khẩu chuối lớn nhất thế giới với kim ngạch nhập khẩu mỗi năm trên 1 triệu tấn. Đây cũng là một trong những quốc gia tiêu thụ nhiều chuối nhất trên thế giới, khoảng 18 triệu tấn mỗi năm - ông Đức dẫn dữ liệu thu thập được. Có nghĩa là người Trung Quốc tiêu thụ khoảng gần 17 triệu tấn chuối nội địa.
Muốn thâm nhập thị trường nước này, chuối của HAGL phải cạnh tranh trực tiếp với chuối nội địa Trung Quốc, ông Đức khẳng định. Trong thời gian tới, HAGL chủ trương chuyển đổi các khu trồng cọ dầu sang cây ăn trái, trong đó có chuối, với mục tiêu nâng diện tích loại trái cây này lên 15.000 héc-ta, tương đương sản lượng gần 1 triệu tấn - xấp xỉ tổng kim ngạch nhập khẩu chuối hàng năm của Trung Quốc.
Logistics đường biển với chuối, loại trái cây có thể bảo quản tới 45 ngày sau thu hoạch, đang tạo ưu thế rõ rệt cho chuối từ ba nước Đông Dương sang Trung Quốc. Chuối trồng tại Trung Quốc chủ yếu ở các tỉnh phía Nam, phải mất chi phí đường bộ để vận chuyển dọc Trung Quốc, thường cao hơn đường biển. Trong khi các thành phố lớn tại Trung Quốc lại gần các cảng biển, khiến việc giao hàng trở nên thuận tiện và tiết kiệm chi phí.
Ngoài ra, do đặc trưng khí hậu miền Nam Trung Quốc có mùa lạnh (tương tự miền Bắc Việt Nam), chuối nội địa Trung Quốc chỉ có thể thu hoạch một mùa trong năm. Trong khi đó chuối tại khu vực tam giác Đông Dương thu hoạch hai mùa do khí hậu nắng nóng quanh năm. Nửa cuối năm là mùa chuối được giá nhất do chuối nội địa Trung Quốc gặp khó khăn, bà Hạnh cho biết.
Từ tháng 9.2019, Trung Quốc chính thức cấp phép xuất khẩu chính ngạch cho chuối có nguồn gốc từ Campuchia. Quốc gia này đã nhanh chóng đưa chuối trở thành loại trái cây chủ lực, sau những thành công quan sát được từ HAGL. Những trái chuối đầu tiên xuất khẩu từ Campuchia là của HAGL trồng tại đây. Hiện nay do quỹ đất còn tương đối rộng lớn, liền mạch, Campuchia đang được các doanh nghiệp Trung Quốc đưa vào tầm ngắm để tổ chức trồng chuối với quy mô lớn.
HAGL trong thời gian tới sẽ phải cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc trồng chuối tại Campuchia với tất cả lợi thế so sánh mà doanh nghiệp này đang có.
Minh Thư