Cảnh giác đối tượng giả làm nhân viên y tế để lừa đảo khi giãn cách xã hội

Công Lý

09/07/2021 15:11

Công an TP.HCM vừa phát đi khuyến cáo, đề nghị người dân tăng cường cảnh giác với các thủ đoạn lợi dụng dịch Covid-19 để thực hiện các hành vi phạm tội.

canh-bao-1625817059.jpg

Ảnh minh họa.

Từ 0 giờ ngày 9.7 để phòng dịch Covid-19, TP.HCM đã phong tỏa toàn TP theo  Chỉ thị 16 của  Thủ tướng Chính phủ, trong 15 ngày.  Chỉ thị 16 quy định địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc: Gia đình cách ly với gia đình; Thôn bản cách ly với thôn bản; Xã cách ly với xã; Huyện cách ly với huyện; Tỉnh cách ly với tỉnh; Phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn; Đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

Chỉ thị 16 cũng yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động...

Lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp và giãn cách xã hội, một số đối tượng sẽ tiến hành các hành vi lừa đảo tinh vi và do tin tưởng đó là nhân viên y tế nên người dân thường mất cảnh giác.

Để cảnh báo cho người dân được an toàn về tài sản, Công an TP.HCM đưa ra một số thủ đoạn mà bọn tội phạm có thể sử dụng để lừa đảo trong tình hình giãn cách xã hội như sau:

Thủ đọan thứ nhất: Đối tượng giả làm nhân viên y tế có trang bị đồ bảo hộ tìm đến tận nhà dân để mời gọi hoặc thông báo bắt buộc phải phun thuốc phòng dịch hay phát thuốc diệt khuẩn. Từ đó, đối tượng yêu cầu người dân phải đóng tiền rồi hô biến.

Thủ đoạn thứ hai: Đối tượng giả làm nhân viên y tế, đại diện thương mại cho các nhà sản xuất vắc xin Covid-19 thông báo sở hữu, cung cấp dịch vụ hoặc được quyền tiếp cận vắc xin Covid-19 và đề nghị người dân đưa tiền đặt cọc để tiêm chủng. Khi lấy được tiền, chúng sẽ biến mất hoặc cung cấp vắc xin Covid-19 giả.

Thủ đoạn thứ ba: Đối tượng giả nhân viên y tế để tiếp cận người dân. Lợi dụng người dân sơ hở, chúng liền ra tay trộm cắp tài sản hoặc gây mê cướp tài sản.

Thủ đoạn thứ tư: Đối tượng lợi dụng mạng xã hội đăng thông tin giả mạo về hoàn cảnh khó khăn của bệnh nhân Covid-19 để vận động quyên góp từ thiện.

Thủ đoạn thứ năm: Đối tượng giả làm nhân viên y tế, cơ quan chức trách gọi điện thoại đến người dân để thông báo là họ nằm trong danh sách bị cách ly, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, truy cập vào đường link website có chứa mã độc nhằm đánh cắp thông tin cá nhân.

Thủ đoạn thứ sáu: Đối tượng gửi tin nhắn chứa đường link giả mạo website của cơ quan nhà nước, ngân hàng để lừa người dân khai báo thông tin, từ đó dễ dàng truy cập, chiếm đoạt tiền trong ngân hàng.

Vì vậy đề nghị người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, khi gặp các trường hợp trên cần báo ngay cho công an để được can thiệp, hỗ trợ.

 

Ứng dụng Help 114 của Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Công an TP.HCM gần đây nhận được nhiều phản ảnh của người dân về việc hàng xóm nhậu nhẹt, người buôn bán tụ tập đông người... trong thời giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Để sử dụng, người dân có thể dễ dàng vào kho ứng dụng App Store và CH Play trên điện thoại để tìm ứng dụng bằng tên "Help 114", tải và cài đặt. Sau khi cài đặt, khi người dùng bấm nút "114" có thể vừa gọi để báo tin cho lực lượng 114, đồng thời lực lượng 114 cũng biết ngay vị trí người dân trên bản đồ số theo tọa độ GPS mà không cần phải hỏi họ đang ở đâu.

Công Lý