Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Phạm Đức Sơn – Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư cho biết, nền kinh tế toàn cầu đang trải qua những biến động lớn, tiêu điểm là cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới: Mỹ - Trung Quốc, cùng với đó là nguy cơ bảo hộ thương mại trở thành xu hướng lan nhanh.

Ngày 9/4, Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế đối ứng với hàng hóa nhập khẩu từ 86 quốc gia với mức từ 10 - 50%, trong đó, hàng hóa từ Việt Nam chịu mức thuế trong nhóm cao nhất, lên tới 46%.
Dù chính sách thuế đối ứng sau đó đã được tạm hoãn 90 ngày nhưng những diễn biến này đe doạ đến sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam và đặt ra vấn đề cấp bách làm sao để củng cố một cách căn bản thị trường trong nước, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu và tăng cường sức chống chịu trước những biến động toàn cầu.
Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước đã có những phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, hiệu quả. Nghị quyết 77/NQ-CP ngày 10/4/2025 của Chính phủ kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên. Trong đó, đề ra loạt nhiệm vụ kích cầu tiêu dùng, khai thác tối đa thị trường trong nước; tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội; giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay với chi phí hợp lý, giá vốn rẻ, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế…
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8%, với ba phần chính đóng góp là tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và đầu tư công. Trong đó, tiêu dùng nội địa sẽ chiếm 60 - 65% tùy từng năm.

Như vậy, để đạt tăng trưởng GDP như vậy, thì tổng mức tăng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phải đạt tốc độ 12%. Đây là con số rất thách thức. Qua theo dõi trong 10 năm trở lại đây, chưa năm nào vượt mức 9%, chưa kể giai đoạn tăng rất thấp là dịch COVID-19.
Ngoài ra, với tổng mức tăng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 tăng 9%, thì để đạt mục tiêu 12%, mỗi người dân và doanh nghiệp phải chi tiêu gấp rưỡi so với năm ngoái. Bên cạnh đó, trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động khi Chính quyền Mỹ đưa ra mức áp thuế quan với các quốc gia và đang trong giai đoạn 90 ngày tạm hoãn, xuất khẩu do đó cần có giải pháp để tránh phụ thuộc vào một vài thị trường lớn, hay các thị trường truyền thống có rủi ro về thuế.
Với tình hình trong nước và quốc tế, dựa trên dự thảo Kế hoạch tổng thể và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 10/4/2025, Bộ Công Thương đã đưa ra một số đề xuất giải pháp:
Thứ nhất, kích cầu tiêu dùng nội địa. Với chiến dịch truyền thông quốc gia, tăng cường các hoạt động truyền thông để khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm và dịch vụ Việt Nam, nhấn mạnh chất lượng và giá trị của hàng hóa nội địa.
Thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước. Bộ Công Thương đề xuất phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng để triển khai các gói tín dụng ưu đãi, tập trung vào doanh nghiệp sản xuất hàng hóa thiết yếu và có tỷ lệ nội địa hóa cao. Đồng thời, đề xuất các chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt những đơn vị áp dụng công nghệ xanh và tiêu chuẩn bền vững. Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất và đào tạo nhân lực chất lượng cao để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ ba, đảm bảo nguồn cung và ổn định thị trường. Bộ Công Thương dự kiến xây dựng nền tảng dữ liệu để theo dõi cung - cầu và giá cả, ứng dụng công nghệ hiện đại để dự báo và ngăn chặn rủi ro thiếu hụt hoặc tăng giá bất hợp lý. Hướng dẫn các địa phương triển khai các kế hoạch dự trữ và phân phối hàng hóa thiết yếu, phối hợp với doanh nghiệp để đảm bảo nguồn cung ổn định trong các giai đoạn cao điểm.
Thứ tư, phát triển hạ tầng thương mại hiện đại giúp doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả hơn, đồng thời nâng cao vị thế của ngành bán lẻ Việt Nam trong khu vực.
Thứ năm, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển bền vững giúp doanh nghiệp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện đại, đồng thời góp phần xây dựng một thị trường trong nước hội nhập và cạnh tranh.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề xuất Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ tài khóa, như gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng, và chỉ đạo đồng bộ các chương trình phát triển thị trường trong nước.