Các doanh nghiệp, chuyên gia đã có những đề xuất gì với Thủ tướng về thị trường chứng khoán năm 2024

Hồng Vũ

28/02/2024 13:23

Ngày 28/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị “Triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024”. Tại đây, nhiều doanh nghiệp và các chuyên gia đã có những đề xuất để phát triển thị trường chứng khoán trong thời gian tới.

Theo đó, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT MBBank đã đưa ra một số khuyến nghị gồm:

Thứ nhất, tăng khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp tốt trên thị trường bằng cách phân loại và xếp hạng độc lập các doanh nghiệp niêm yết theo các tiêu chí ngành, hiệu quả hoạt động, để tăng sức mạnh thương hiệu, thị phần trong ngành, minh bạch thông tin, thúc đẩy các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp tiềm năng tham gia TTCK. Áp dụng các chuẩn mực quốc tế và thông lệ quốc tế như các nguyên tắc quản trị công ty tốt nhất của OECD cho các doanh nghiệp niêm yết để giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn thông qua thị trường tốt hơn. Như báo cáo của UBCK Nhà nước, năm qua số lượng giá trị tăng mới của giá trị niêm yết khoảng 56 nghìn tỷ. Số lượng này còn khá khiêm tốn so với tiềm năng, nhu cầu của doanh nghiệp.

Thứ hai, tiến tới nâng hạng thị trường. Cụ thể: “Nội lực của chúng ta quan trọng, do đó chất lượng hàng hóa trong thị trường là quan trọng. Khi chất lượng thị trường tốt, giá trị cao thì nhà đầu tư nước ngoài đến đây để tìm kiếm lợi nhuận, tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam. Do đó, chất lượng thị trường và quan trọng hơn là kiện toàn Trung tâm thanh toán bù trừ (CCP) - điểm mấu chốt khi cả FTSE và MSCI đều coi đây là nút thắt trong việc nâng hạng thị trường. Hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến sở hữu nước ngoài”, ông Thái cho hay.

Thứ ba là tăng cường ứng dụng về công nghệ và chuyển đổi số trong quản lý và giám sát. Nghiên cứu các hệ thống triển khai giám sát tự động, kết nối với hệ thống dữ liệu và các cơ quan như thuế, cơ quan giám sát của ngân hàng và giám sát tài chính quốc gia, tăng khả năng giám sát và chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp trên thị trường. Cuối cùng là cung cấp hệ thống công nghệ và dữ liệu để tăng khả năng số hóa, tiếp cận để nhà đầu tư và công chúng xử lý thời gian phát hành, thời gian đầu tư được tiết kiệm thời gian hơn.

429629118-377824954881349-4724986488097772418-n-1709101139.jpeg
Các chuyên gia và doanh nghiệp đã có nhiều kiến nghị đến Thủ tướng về việc phát triển TTCK trong thời gian tới. Ảnh: NQL

Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Vingroup cho biết, hiện đang có 3 doanh nghiệp là Tập đoàn Vingroup (mã: VIC), Công ty CP Vinhomes (mã: VHM), Công ty CP Vincom Retail (mã: VRE) có cổ phiếu niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), với tổng giá trị vốn hóa thị trường lên đến 419 nghìn tỷ, tương đương hơn 17 tỷ USD, đã huy động thành công hàng tỷ USD thông qua thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam và quốc tế.

Đặc biệt, ngày 15/8/2023, Công ty VinFast Singapore, một công ty thành viên của Vingroup, đã trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên, chính thức niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán NASDAQ (Hoa Kỳ).

Vingroup đã có nhiều kinh nghiệm huy động vốn từ phát hành và niêm yết trái phiếu quốc tế (cụ thể là tại thị trường chứng khoán Singapore), nhưng việc niêm yết tại NASDAQ đã mở ra những kênh huy động vốn mới với các nhà đầu tư lớn và uy tín trên toàn cầu. Đồng thời Vingroup cũng phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về quản trị và công bố thông tin tại đất nước có nền tài chính phát triển nhất thế giới. Tuy nhiên, chúng tôi không quá bỡ ngỡ vì có sự chuẩn bị kỹ càng và đã có nền tảng tuân thủ các quy định tương tự tại Việt Nam.

Qua đó, lãnh đạo của Vingroup có một số kiến nghị đề xuất tới Chính phủ và các cơ quan quản lý, đó là tiếp tục nghiên cứu và có các giải pháp để thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát và hoàn thiện các văn bản pháp luật hiện tại, nghiên cứu và ban hành những quy định về các sản phẩm tài chính mới để thu hút nhà đầu tư, phát triển thị trường.

Tại hội nghị, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng, về phía cung: Đa dạng hóa cổ phiếu niêm yết trên HoSE bằng cách chuyển sàn các cổ phiếu UPCOM, 50% vốn hóa ở đó thuộc ngành hàng hóa và dịch vụ công nghiệp - thực phẩm & đồ uống. Hiện tại, ngành ngân hàng và bất động sản đang chiếm phần lớn vốn hóa của sàn HoSE.

Nới lỏng giới hạn sở hữu nước ngoài để tăng nguồn cung cổ phiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài, bằng các chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (Non-voting depository receipt, viết tắt là NVDR) để phù hợp với mục tiêu quản lý nhà nước đặt ra đối với từng nhóm ngành, nghề.

Tạo điều kiện thuận lợi cho việc niêm yết các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp FDI để cải thiện sự đa dạng của thị trường.

Về phía cầu: Khuyến khích các ngân hàng và công ty bảo hiểm đầu tư vào cổ phiếu, thúc đẩy chiến lược quản lý tài sản đa dạng và lợi suất cao. Giới thiệu hệ thống cổ phiếu nhân dân để phân phối cổ phiếu của các doanh nghiệp nhà nước uy tín và có nền tảng vững chắc với giá thấp hơn phát hành ra công chúng, thúc đẩy sự tăng trưởng tài sản của công dân.

Triển khai quỹ hưu trí nhằm khuyến khích người dân chuẩn bị nghỉ hưu thông qua kế hoạch đầu tư dài hạn.

Theo đại diện Tham tán Công sứ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, để thu hút vốn đầu tư nước ngoài cần nới lỏng giới hạn sở hữu nước ngoài, cung cấp quyền bình đẳng cho nhà đầu tư nước ngoài, tự do hóa thị trường ngoại hối và các quy định thị trường bằng tiếng Anh .

Tổ chức thường xuyên các Hội nghị xúc tiến nhà đầu tư (IR) để liên tục giới thiệu các công ty uy tín của Việt Nam tới các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, không ngừng nâng cao hệ thống giao dịch để xử lý an toàn các lệnh khác nhau, bao gồm cổ phiếu, hợp đồng tương lai và quyền chọn, mặc dù với khối lượng lớn.

Hồng Vũ