Các đại gia Việt tìm kiếm điều gì ở lĩnh vực giáo dục?
21/11/2018 09:19
Hiện đang có rất nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam nhúng tay đầu tư vào giáo dục, một lĩnh vực đầu tư với lợi nhuận hấp dẫn.
Hiện đang có rất nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam nhúng tay đầu tư vào giáo dục với những tuyên ngôn và sứ mệnh rất cao cả. Nhưng cần nhớ rằng, giáo dục cũng là một lĩnh vực đầu tư với lợi nhuận hấp dẫn.
Thông tin gần nhất cho biết, trường Đại học Thành Tây, một trường đại học dân lập lâu đời ở Hà Nội đã thay đổi chủ sở hữu, Chủ tịch HĐQT và cả Hiệu trưởng. Theo đó, Tổ chức giáo dục Hoa Kỳ (IAE) đã mua 75% cổ phần của Thành Tây, ông Hồ Xuân Năng – Chủ tịch HĐQT Vicostone lên làm Chủ tịch HĐQT, còn ông Đàm Quang Minh – cựu hiệu tưởng trường Đại học FPT, lên làm hiệu trưởng.
Trong năm 2017 này, Vicostone là tập đoàn lớn thứ hai muốn đa dạng hóa lĩnh vực hoạt động bằng cách đầu tư vào giáo dục. Đầu năm 2017, tập đoàn TH tuyên bố thành lập TH School, tuyển sinh từ Mầm non đến Trung học phổ thông bắt đầu từ năm học 2017-2018. Ngôi trường đầu tiên của TH School tọa lạc tại quận Đống Đa, Hà Nội có quy mô khá lớn: 17 lớp Mầm non, 25 lớp Tiểu học, 45 lớp THCS và PTTH. Nếu TH School hoạt động hết công suất, mỗi năm TH sẽ thu về tầm 900 tỷ đồng.
Hiện tại, ở Việt Nam, có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục; tuy nhiên, trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến những tập đoàn hàng đầu: FPT, Vingroup, Thành Thành Công, Tân Tạo…
Trong tất cả, FPT chính là người đi đầu ở phong trào này. Năm 1999, nhà tiên phong ở lĩnh vực công nghệ thông tin đã ngấp nghé vào mảng giáo dục, chính thức thành lập trường đại học đầu tiên năm 2006. Hiện tại, FPT có 10 trường đại học – cao đẳng – học viện – trường nghề, 1 trường Tiểu học và 1 trường THPT.
Nối gót theo FPT là Thành Thành Công (TTC). TTC thành lập TTC Edu vào năm 2008. Sau 20 năm hoạt động, hệ thống giáo dục của TTC đã khá đồ sộ: 7 trường Mầm non mang thương hiệu Abi, 7 trường TH và 2 trường đại học.
Năm 2010, đến lượt tập đoàn Tân Tạo nhảy vào “chia miếng bánh” khi thành lập trường Đại học Tân Tạo. Hiện tại, sau 7 năm hoạt động, mảng giáo dục của Tân Tạo vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc, khi mới mở thêm được 1 trường THPT, còn trường Đại học Tân Tạo cũng chỉ có 5 khoa.
Vingroup là ông lớn tham gia cuộc chơi tương đối muộn – 2013, nhưng bằng tiềm lực tài chính vững mạnh, lại trở thành kẻ phát triển nhanh nhất. Hiện tại Vinschool có 3 trường Mầm non, 1 trường Tiểu học và 1 trường TH. Trong tương lai, Vinschool sẽ đầu tư xây thêm 2 trường đại học là Đại học y Vinmec và Đại học quốc tế Vin University.
Không như các chủ thể kinh tế khác, khi tư nhân nhảy vào làm giáo dục, mục tiêu tối thượng nhất của họ vẫn là kiếm tiền. Nhìn con số các trường Đại học, cao đẳng tăng nhanh đủ để thấy mức độ hấp dẫn của lĩnh vực đầu tư này. Giáo dục, trong cơ chế thị trường không còn đơn thuần là lĩnh vực “trồng người” nữa, mà đã trở thành một lĩnh vực thu hút đầu tư với lợi nhuận hấp dẫn.
Trong tất cả, thành công nhất phải kể đến Vinschool. Khác với nhận định của Tiến sỹ Nguyễn Thị Quỳnh Lâm – thuộc Tổ chức Tú tài quốc tế tại Việt Nam, cách đây chưa lâu, rằng: “Đầu tư vào giáo dục đúng nghĩa, thực tế phải 10 năm mới có lãi“, ngay từ năm đầu tiên, Vinschool đã có lợi nhuận.
Theo báo cáo tài chính từ Vingroup, họ thu 230 tỷ đồng trong năm 2014, tăng gấp đôi năm 2015 và tăng 40% năm 2016. Với doanh thu 717 tỷ đồng năm 2016, Vinschool mang về lợi nhuận 111 tỷ đồng. Có thể, việc Vinschool thu lợi lớn chỉ sau vài năm hoạt động đã tạo cảm hứng cho TH và Vicostone nhòm ngó đến mảng giáo dục.
FPT cũng là một trong những đơn vị kinh doanh hiệu quả ở mảng giáo dục, có lẽ chỉ thua Vingroup. Sau 4 năm hoạt động, năm 2010, FPT Edu đã thu về 279 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 102 tỷ đồng. Trong khoảng từ năm 2010 đến nay, doanh thu mảng giáo dục của FPT biến động lên xuống liên tục, song lợi nhuận trước thuế luôn dao động trong khoản từ 100 đến 150 tỷ đồng. Năm 2017, doanh thu của FPT Edu đạt tới con số 700 tỷ đồng.
Tuy nhiên, một khi là kinh doanh thì không phải tất cả đều thuận lợi. Có người làm ăn tốt thì cũng sẽ có những người làm ăn khó khăn.
Trong tất cả, te tua nhất phải kể đến Tân Tạo. Trong giai đoạn 4 năm đầu hoạt động, trường Đại học Tân Tạo liên tiếp báo lỗ do các khoản chi phí vật tư, lương giảng viên, ăn uống và giải trí… vượt gần chục lần doanh thu. Đỉnh điểm là năm 2013, doanh thu phi lợi nhuận từ dịch vụ, học phí và các khoản đóng góp đạt tầm 22 tỷ đồng, trong khi chi phí hoạt động và quản lý lên đến 223 tỷ đồng.
Trong một chia sẻ gần đây của bà Đặng Thị Hoàng Yến, chủ tịch HDQT Trường Tân Tạo trên website của trường, tổng số tiền mà bà đã rót vào cho đại học Tân Tạo đã lên con số hàng nghìn tỷ đồng.
Thực tế trước đó cho thấy, đầu tư vào giáo dục chưa bao giờ là việc dễ dàng. trong khoảng vài năm trở lại đây, nhiều trường địa học, cao đảng do các doanh nghiệp, nhà đầu tư tư nhân đã phải chuyển nhượng vì hoạt động không hiệu quả.
Có thể kể đến như Trường ĐH Văn Hiến đã phải bán lại cho nhà đầu tư mới là Công ty cổ phần phát triển Hùng Hậu, Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng được chuyển giao lại cho nhà đầu tư mới là Tập đoàn công nghệ và giáo dục Nguyễn Hoàng…
Khánh Triều.
Bạn đang đọc bài viết "Các đại gia Việt tìm kiếm điều gì ở lĩnh vực giáo dục?" tại chuyên mục Khoa học quản lý.