Bước tiến của Trung Quốc trong việc làm chủ nguồn cung linh kiện bán dẫn

caodung

29/06/2020 15:16

Trước các lệnh cấm gây khó liên tục từ Mỹ, Yangtze Memory Technologies, nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc, gánh vác trọng trách tự chủ nguồn linh kiện bán dẫn quan trọng.

Yangtze Memory Technologies (YMTC), nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu của Trung Quốc, sẽ tung ra dòng sản phẩm chip nhớ lưu trữ đầu tiên trong nửa cuối năm nay. Công ty cho biết thêm rằng các sản phẩm này sử dụng được trong một loạt các thiết bị điện tử từ điện thoại thông minh đến các dịch vụ điện toán đám mây.

"Chúng tôi sẽ xây dựng một loạt các sản phẩm chip nhớ hệ thống với thương hiệu riêng của mình, không chỉ cho máy tính cá nhân, lưu trữ doanh nghiệp, giải pháp điện toán đám mây, mà còn cho cả điện thoại thông minh cao cấp, đầu thu giải mã tín hiệu, máy tính bảng và các thiết bị điện tử tiêu dùng khác," Cheng Weihua, đồng giám đốc công nghệ của YMTC cho biết trong bài phát biểu quan trọng của mình tại SEMICON Trung Quốc, hội chợ ngành bán dẫn lớn nhất của nước này (tổ chức tại Thượng Hải từ 27-29.6.2020).

YMTC hy vọng dòng sản phẩm mới sẽ hỗ trợ cạnh tranh với các nhà sản xuất chip bán dẫn hàng đầu thị trường như Samsung (Hàn Quốc), Kioxia (trước đây là Toshiba Memory - Nhật Bản), SK Hynix (Hàn Quốc) và Micron (Mỹ), ngay trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đang đối trong cuộc chiến thương mại và công nghệ.

"Chúng tôi sẽ bắt đầu giới thiệu những sản phẩm đó vào nửa cuối năm nay", Cheng cho biết và thêm rằng mục tiêu của YMTC "là trở thành nhà sản xuất thiết bị tích hợp hàng đầu thế giới."

Được thành lập vào năm 2016, YMTC, một nhánh của tập đoàn công nghệ Tsinghua Unigroup do Bắc Kinh hậu thuẫn, là nhà sản xuất chip nhớ đầu tiên của Trung Quốc. Công ty chỉ mới bắt đầu sản xuất được loại chip nhớ flash 3D NAND 64 lớp lần đầu tiên vào cuối năm ngoái.

Tuy nhiên, tháng Tư năm nay, với trọng trách gánh vác tham vọng của Trung Quốc là tự lực sản xuất được các linh kiện chip nhớ quan trọng, YMTC cho biết đã phát triển thành công chip 3D NAND 128 lớp và sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt vào cuối năm 2020, đánh dấu một bước tiến đáng kể về công nghệ, rút ngắn khoảng cách với các đối thủ quốc tế.

Một con chip càng có nhiều lớp thì càng khó thiết kế và sản xuất, nhưng cũng tiết kiệm chi phí hơn, vì có thể bố trí trên cùng một “tấm” bán dẫn (wafer). Những chip flash NAND thiết yếu này sau đó sẽ được sử dụng trong nhiều sản phẩm khác nhau, từ máy tính, máy chủ, điện thoại thông minh, cho đến thiết bị gia dụng và thậm chí cả xe thông minh.

Bước đột phá đáng chú ý của YMTC đến ngay lúc cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung trở nên gay gắt. Chính quyền Trump đưa nhiều công ty công nghệ Trung Quốc bao gồm Huawei (nhà sản xuất thiết bị viễn thông) và Hikvision (công ty sản xuất và cung cấp thiết bị camera an ninh) vào danh sách đen hạn chế tiếp cận với công nghệ Mỹ.

 

Chính phủ Mỹ cũng cấm tất cả các công ty Mỹ có quan hệ với nhà sản xuất chip nhớ nhỏ Fujian Jinhua vào năm 2018, viện dẫn lý do ăn cắp công nghệ.

YMTC - vốn phụ thuộc rất nhiều vào các công ty cung cấp thiết bị sản xuất chip của Mỹ (Applied Materials, Lam Research và KLA) - từ lâu luôn cẩn thận để tránh làn tên mũi đạn giữa Washington và Bắc Kinh.

Ông Cheng nhấn mạnh rằng YMTC coi trọng sở hữu trí tuệ và đã tích lũy được hơn 2.000 bằng sáng chế và nắm được hơn 1.600 giấy phép công nghệ từ các đối tác toàn cầu, trong nỗ lực giảm thiểu mọi rủi ro địa chính trị.

"Chúng tôi có lịch sử tốt về phát triển công nghệ vì coi sở hữu trí tuệ là ưu tiên hàng đầu," Cheng nói. "Tôi không nghĩ rằng xu hướng hợp tác trong chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ có thể bị đảo ngược. Không một quốc gia nào và không có công ty nào trên thế giới có thể tự làm mọi thứ mà không cần đến hợp tác toàn cầu."

Cheng cho biết YMTC coi các nhà sản xuất chip điều khiển (controller) cho chip nhớ flash hàng đầu như Silicon Motion, Phison Electronics và Marvell là đối tác của mình.

Mặc dù trụ sở ngay tại Vũ Hán, Trung Quốc, tâm điểm bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên, YMTC với khoảng 6.000 nhân viên vẫn duy trì thành công hoạt động trong thời gian phong tỏa (với sự cho phép của chính quyền Trung Quốc).

YMTC vừa mới đây đã khởi công giai đoạn hai của dự án nhà máy với tổng trị giá 24 tỉ USD tại Vũ Hán. Dự án khi hoàn thành sẽ đạt được sản lượng 300.000 tấm bán dẫn/tháng, tương đương hơn 23% sản lượng chip nhớ flash NAND toàn cầu hiện nay. Hiện tại, thị trường bộ nhớ flash NAND bị chi phối bởi sáu người chơi: Samsung, Kioxia, SK Hynix, Micron, Intel và Western Digital.

Theo Nikkei Asian Review

caodung