Nhiều ngân hàng báo lãi trên 10.000 tỷ đồng
Trong nhóm Big 4, dẫn đầu lợi nhuận trước thuế năm 2023 là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với khoảng 41.200 tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2022. Dư nợ tín dụng cuối năm 2023 đạt 1,27 triệu tỷ đồng, tăng 10,6% so với thời điểm cuối năm 2022. Chất lượng nợ của Vietcombank được kiểm soát theo mục tiêu với tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,97%. Dư quỹ dự phòng rủi ro theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN là 34.338 tỷ đồng, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đạt 185%.
Tiếp theo là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) khi năm 2023 lợi nhuận trước thuế đạt ở mức 27.400 tỷ đồng (tăng 19,2% so với năm 2022); Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đạt lợi nhuận trước thuế năm 2023 là 20.946 tỷ đồng (tăng 16% so với cùng kỳ). Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng này theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN ở mức dưới 2%. Tỷ lệ nợ xấu của BIDV và VietinBank lần lượt ở mức 1,1% và 1,15%.
Theo thông tin của Ngân hàng Agribank công bố, lợi nhuận trước thuế cả năm 2023 của nhà băng này ước đạt khoảng 25.300 - 25.400 tỷ đồng, tăng từ 14,5 - 15% so với cùng kỳ năm trước. Agribank cho biết, hết năm 2023, Ngân hàng hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh như huy động 1,89 triệu tỷ đồng; cho vay 1,55 triệu tỷ đồng, trong đó dành hơn 60% cho vay “tam nông”; tỷ lệ nợ xấu thấp hơn mức Ngân hàng Nhà nước giao; lợi nhuận nộp ngân sách thực hiện đúng cam kết, đảm bảo để Agribank được tăng vốn điều lệ 17.100 tỷ đồng theo đề án Chính phủ trình Quốc hội.
Không chỉ 4 ngân hàng nhà nước báo lãi lớn, các ngân hàng thương mại cũng báo lãi trên 10.000 tỷ đồng. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 4/2023 với lợi nhuận trước thuế đạt 5.800 tỉ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế cả năm 2023, Techcombank đạt lợi nhuận trước thuế 22.900 tỉ đồng, vượt kế hoạch đề ra ở mức 22.000 tỉ đồng đã được cổ đông thông qua.
Trong năm 2023, tổng tài sản của Techcombank tăng 21,5% lên 849.500 tỷ đồng; tín dụng tăng trưởng 19,2% so với đầu năm. Ngân hàng này cũng vừa công bố dự kiến đề xuất mức chi trả cổ tức hàng năm bằng tiền mặt ít nhất 20%/tổng lợi nhuận, tương đương 4 - 5% vốn chủ sở hữu tại thời điểm đầu năm, ước tính khoảng 1.500 đồng/cổ phiếu cho năm 2024.
Cũng đạt mức lợi nhuận tỷ USD trong năm 2023 là Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank). Tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2023 (sáng 12/1/2024), MBBank cho biết, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 26.200 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022 và hoàn thành 100% kế hoạch.
Chủ tịch Hội đồng quản trị MBBank Lưu Trung Thái chia sẻ, năm 2023, con số tăng trưởng tín dụng ở mức 28,8%, trong đó dư nợ cho nhóm ngành ưu tiên theo định hướng của Chính phủ chiếm 65%. MBBank đã thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất 7 lần trong năm 2023, với mức giảm từ 2 - 4%/năm để hỗ trợ khách hàng tiếp cận vốn vay; đóng góp ngân sách nhà nước trên 7.700 tỷ đồng. Ngân hàng đã kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu.
Theo dự kiến sẽ có thêm 4 ngân hàng nữa có lợi nhuận năm 2023 vượt mốc 10.000 tỷ đồng là là ACB, VPBank, SHB và HDBank. Trước đó, lãi trước thuế 9 tháng đầu năm 2023 của các ngân hàng này đã đạt lần lượt là ACB (15.024 tỷ đồng), HDBank (8.631 tỷ đồng), SHB (8.509 tỷ đồng) và VPBank (8.279 tỷ đồng).
Lạc quan về triển vọng của ngành ngân hàng trong năm 2024
Chia sẻ với báo giới, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định, có 4 điểm sáng có thể là nền tảng tạo bệ phóng cho kinh tế năm 2024, như: tăng trưởng kinh tế năm nay vẫn giữ được trên 5%; tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay rất ổn định; kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cũng chuyển biến rất tích cực; thể chế của Việt Nam đang có nhiều thay đổi tích cực, rất nhiều luật quan trọng đã được Quốc hội thông qua mới đây và chuẩn bị thông qua ví như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Giao dịch điện tử. "Năm 2024 kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng từ 6 đến 6,5%, lạm phát hoàn toàn trong tầm kiểm soát khoảng 3,5% đến 4%", ông Lực dự báo.
Chuyên gia này kỳ vọng kinh tế khởi sắc sẽ thúc đẩy tín dụng tăng trưởng tích cực hơn trong bối cảnh các giải pháp của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đều xoay quanh việc tháo gỡ khó khăn dòng tiền cho doanh nghiệp giúp nền kinh tế tiếp cận được vốn vay tín dụng, mặt bằng lãi suất thấp là yếu tố bắt buộc phải được duy trì trong ít nhất 6-9 tháng tới. Đây sẽ là cơ hội cho các ngân hàng có thể gia tăng chỉ số đo lường khả năng sinh lời.
Còn ông Trần Ngọc Báu - Tổng giám đốc Công ty CP Dữ liệu và Công nghệ tài chính WiGroup nhận định, năm 2024 triển vọng lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tích cực hơn năm 2023 nhờ các yếu tố sau. Đầu tiền, thu nhập lãi thuần sẽ có sự phục hồi tốt so với năm 2023 khi lãi suất huy động đang giảm nhanh hơn lãi suất cho vay. Thứ hai, giai đoạn khó khăn nhất về đảm bảo tính ổn định của hệ thống ngân hàng đã qua, ngân hàng có nhiều không gian hơn để phát triển lợi nhuận. Cuối cùng, tăng trưởng tín dụng năm 2024 kỳ vọng khả quan khi triển vọng kinh tế có thể sẽ bớt tiêu cực hơn.
Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Báu cho rằng ngành ngân hàng cần lưu ý một số vấn đề trong năm 2024. Đó là câu chuyện nợ xấu ở mức cao và chi phí dự phòng chịu áp lực gia tăng do lo ngại rủi ro nợ xấu nhích lên khi Thông tư số 02/2023/TT-NHNN hết hiệu lực vào tháng 6/2024, các khoản nợ tái cơ cấu trước đây sẽ về đúng nhóm phân loại nợ. Bên cạnh đó, lĩnh vực bất động sản đang chiếm trọng số quá lớn trong số dư cho vay và tài sản thế chấp của ngành ngân hàng, sự phục hồi thị trường nhà ở trong nước năm 2024 sẽ là biến số cần chú ý với triển vọng ngành. Mặt khác, trong hai năm 2023 - 2024 cơ quan chức năng đã và đang tiếp tục ban hành nhiều khung pháp lý với thị trường bất động sản, điều này ảnh hưởng lớn đến triển vọng ngành bất động sản trong dài hạn và từ đó tác động đến hệ thống ngân hàng.
Mới đây, nhóm phân tích của Công ty chứng khoán MBS đã đưa ra dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2024 sẽ đạt 13%-14% nhờ tăng trưởng GDP đang thể hiện xu hướng tích cực, lãi suất cho vay giảm mạnh. Khi tín dụng tăng sẽ giúp lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2024 cải thiện hơn so với năm 2023.