Bốn ứng dụng làm việc linh hoạt

dang.pham

06/04/2020 10:50

Các ứng dụng công nghệ đang phát huy tối đa trước sự phức tạp của dịch bệnh Covid - 19 buộc các công ty và tổ chức phải cho nhân viên, học sinh làm việc và học tập từ xa.

Slack

Ứng dụng Slack do Stewart Butterfield cho ra mắt lần đầu vào tháng 4.2013. Stewart Butterfield là đồng sáng lập của ứng dụng lưu trữ ảnh trực tuyến Flickr.

Ý tưởng về Slack ra đời khi Stewart Butterfield muốn tạo nên một công cụ để trao đổi thông tin nội bộ nhanh và có thể thay thế cho các ứng dụng gửi thư truyền thống, cho dự án game online. Sau đó, ứng dụng game thất bại nhưng công cụ giao tiếp nội bộ Slack lại đem đến may mắn cho nhà sáng lập.

Ảnh: Shutter Stock
Ảnh: Shutter Stock

Slack kết hợp giữa nhóm chat, lưu trữ, chia sẻ tài liệu, thông báo và có thể đồng bộ trên nhiều nền tảng. Điều này đồng nghĩa với việc người dùng có thể dùng trên nhiều hệ điều hành từ iOS, Android, desktop hoặc trình duyệt web.

Tin nhắn mới sẽ được in đậm trên thanh ngăn cách nội dung để người dùng không bị lạc trong luồng hội thoại. Khi người dùng không bật thiết bị, thông báo sẽ gửi vào email. Slack cũng tích hợp với các công cụ và hệ thống khác nhau như Google Drive, Dropbox, Zoom hay Twitter. Slack cũng chú trọng tích hợp các biểu tượng cảm xúc.

Tính đến tháng 5.2018, Slack có hơn 8 triệu người dùng hàng ngày, trong đó có 3 triệu tài khoản trả phí. Tại sự kiện IPO hồi tháng 4.2019, Slack công bố có 10 triệu tài khoản từ 600 nghìn tổ chức tại 150 quốc gia.

Slack từng gọi vốn thành công tới tổng cộng 7,1 tỉ USD từ nhiều quỹ đầu tư, trong đó có SoftBank, GGV.

Khách hàng lớn nhất của Slack hiện là IBM, BBC, Lyft, RMIT. Slack hiện có bảy thứ tiếng chính bao gồm Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Hà Lan, Tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.

Zoom

Zoom là ứng dụng họp video trực tuyến thành lập từ năm 2011 bởi kĩ sư công nghệ, tỉ phú người Mỹ gốc Trung Quốc, Eric Yuan. Ứng dụng này cung cấp cuộc họp video trực tuyến, với bản miễn phí cho quy mô dưới 100 người trong giới hạn 40 phút.

Zoom thực sự nổi lên từ đầu năm 2020 khi đại dịch Covid - 19 bùng phát tại nhiều quốc gia trên thế giới. Lượng người dùng tăng đáng kể, chỉ riêng trên nền tảng điện thoại tháng 3 vừa rồi đã tăng tới 151% so với năm 2019, theo Apptopia. Từ khi các chính phủ ban bố tình trạng cách ly xã hội, các tổ chức công ty, trường học thông báo chuyển đổi sang hình thức học trực tuyến thông qua Zoom.

Ảnh: Zoom
Ảnh: Zoom

Năm 2015, Zoom có 40 triệu người dùng. Năm 2017, Zoom chính thức gia nhập câu lạc bộ kì lân khi gọi vốn thành công Series C bởi các nhà đầu tư từ Horizons, Qualcomm. Tháng 3.2019, cổ phiếu của Zoom chính thức giao dịch trên sàn chứng khoán NASDAQ.

Lượng người tham gia Zoom tăng mạnh cũng khiến ứng dụng này vướng phải các cáo buộc liên quan đến vấn đề bảo mật. Các tổ chức lớn trên thế giới đã đưa ra cảnh báo mối đe dọa về bảo mật thông tin người dùng khi sử dụng Zoom, thậm chí nhiều tổ chức đã cấm nội bộ sử dụng như Bộ Quốc phòng Anh, SpaceX của tỉ phú Elon Musk, NASA.

Workplace

Workplace là nền tảng cung cấp bởi mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook. Nền tảng này ra mắt từ đầu năm 2015 với khách hàng lớn trong đó có Royal Bank của Scotland.

Từ năm 2011, các kỹ sư của Facebook đã nhìn thấy nhu cầu tạo nhóm làm việc chỉ phục vụ cho các thành viên trong nội bộ công ty giúp làm việc hiệu quả hơn mà không bị ảnh hưởng bởi các thông tin gây nhiễu trên Facebook.

Ảnh: Shutter Stock
Ảnh: Shutter Stock

Tương tự như Facebook, Workplace cũng có các chức năng như News Feed nhằm thông báo chia sẻ thông tin. Workplace cũng cho phép các công ty trao đổi thông tin với các nhóm từ bên ngoài công ty và sử dụng các chức năng chat, video.

Người dùng Workplace cũng có thể tạo các buổi livestream - phát và chia sẻ video trực tuyến và cuộc gọi nhóm video giới hạn 50 tài khoản tham gia cùng một lúc. Ứng dụng này hiện có 46 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt, đồng thời kết nối với các công cụ khác như Office 365, Dropbox, Google Drive.

Workplace hiện có hơn 30 nghìn tổ chức sử dụng, trong đó có các đối tác như Walmart, Air Asia, Spotify, Starbucks.

Google Drive

Bản chất của Google Drive là nơi cung cấp nền tảng lưu trữ, chia sẻ tài liệu, đồng bộ dữ liệu do Google (Alphabet) phát triển từ tháng 4.2012. Nền tảng này cho phép người dùng lưu trữ các tệp tài liệu, video, ảnh, ghi âm, và đồng bộ với các thiết bị từ Android đến Window, iOS, macOS.

Google Drive cung cấp miễn phí 15 gigabytes đầu tiên cho tài khoản cá nhân và 30 gigabytes cho tài khoản nhóm, tổ chức. Lợi thế của Google Drive đến từ chức năng đồng bộ nhanh với các thiết bị giúp người dùng lưu trữ và chia sẻ nhanh chóng dữ liệu. Google Drive đồng thời cho phép nhiều người dùng có thể truy cập cùng một lúc. Các thành viên có thể chỉnh sửa, góp ý trên cùng một tệp tài liệu.

Ảnh: Shutter Stock
Ảnh: Shutter Stock

Nhiều người dùng biết đến Google Drive như một nền tảng chia sẻ dữ liệu và tạo lập tài liệu như Google Docs, Google Sheets, Google Slides nên dường như Google Drive không nổi bật các tính năng chat mà thường được tích hợp chung với các ứng dụng khác như Slack, hay Workplace. Tuy nhiên, Google Drive chỉ là một trong những tính năng trong hệ sinh thái G Suite, phát triển bởi Google Cloud. Các tính năng còn lại cũng bổ trợ hoạt động làm việc nhóm từ xa như Gmail, Lịch, Hangouts Chat, Hangouts Meet.

G Suite có 5 triệu người dùng thuộc tổ chức doanh nghiệp và 70 triệu người dùng là học sinh, sinh viên tính đến cuối năm 2018, theo TechCrunch.

Dâng Phạm



dang.pham
Bạn đang đọc bài viết "Bốn ứng dụng làm việc linh hoạt" tại chuyên mục Công nghệ.