Vừa qua một số thông tin dư luận hiểu lầm rằng ngân sách nhà nước cạn kiệt, xin Bộ trưởng cung cấp thông tin lý giải rõ thêm về việc chuyển nguồn từ tiết kiệm chi thường xuyên sang dự phòng ngân sách nhà nước?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Ngân sách nhà nước không bao giờ cạn kiệt. Thu ngân sách năm 2021 được Quốc hội phê chuẩn là 1.343 nghìn tỷ đồng, đến nay đã thu đạt 77% dự toán và ngành tài chính phấn đấu đạt 100%, đồng thời vẫn hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch. Tôi khẳng định ngân sách nhà nước bảo đảm đầy đủ cho các nhiệm vụ chi đã được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao.
Tuy nhiên, khoản dự phòng ngân sách đã được sử dụng hết. Theo Luật Ngân sách, khoản dự phòng chiếm từ 2-4% tổng dự toán ngân sách. Năm 2021 được giao 17.500 tỷ đồng dự phòng ngân sách. Do sử dụng cho công tác phòng chống dịch COVID-19 cho nên khoản dự phòng này đã hết. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan đã thực hiện tiết kiệm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các nhiệm vụ cần thiết khác. Đến nay, đã tiết kiệm từ nguồn chi thường xuyên được khoảng 14.620 tỷ đồng. Do đó, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép chuyển khoản tiết kiệm này để bổ sung nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021, cấp cho các bộ, cơ quan, địa phương phục vụ công tác phòng chống dịch hiệu quả nhất.
Năm 2022, sẽ có khoản ngân sách riêng cho phòng chống dịch
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ các giải pháp về phòng chống dịch và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như thế nào?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ các giải pháp về chuẩn bị nguồn kinh phí chống dịch. Đến nay, ngân sách đã chi 21,4 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch. Đồng thời, Quỹ Vaccine phòng, chống COVID-19 được thành lập, đến nay đã vận động được gần 8.700 tỷ đồng.
Cùng với đó, Bộ đã tham mưu một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Tổng số tiền dự kiến được hoãn, giãn nộp thuế ước tính khoảng 115 nghìn tỷ đồng và đến nay đã thực hiện 85 nghìn tỷ đồng. Bộ cũng tham mưu áp dụng việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021 hỗ trợ ngành hàng không; cùng với các cơ quan khác đã tham mưu Chính phủ ban hành gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng với người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch. Gần đây nhất, Bộ cũng tham mưu về dự thảo nghị quyết giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn tiền phạt chậm nộp... với tổng kinh phí dự kiến khoảng 21.300 tỷ đồng. Tổng giá trị của các khoản trên là khoảng 203,5 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan khác như Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương có các chính sách hỗ trợ về cước viễn thông, tiền điện, lãi suất… với số tiền khoảng 40 nghìn tỷ đồng. Như vậy, có khoảng 250.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh khó khăn do đại dịch.
Nguồn kinh phí cho phòng chống dịch năm 2022 sẽ được chuẩn bị như thế nào, thưa ông?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội các giải pháp tăng cường tiết kiệm chi ngân sách, bảo đảm nhiệm vụ chi cho phòng chống dịch và bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho người dân, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế nhanh chóng. Bộ Tài chính sẽ tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền bố trí một khoản ngân sách riêng cho công tác phòng chống dịch năm 2022.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Theo Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 về các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh COVID-19, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương ưu tiên sắp xếp, bố trí ngân sách nhà nước và các nguồn lực hợp pháp khác để bảo đảm kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và cơ sở điều trị người bệnh COVID-19. Thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% chi phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương (trừ kinh phí hoạt động quan trọng, cấp bách và phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, kinh phí hoạt động ngoại giao của Bộ Ngoại giao) và tiết kiệm thêm 10% kinh phí chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 không tính tiền lương và các khoản thu nhập khác; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, tập trung kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Căn cứ yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, sau khi đã rà soát, huy động, sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn lực hợp pháp khác mà vẫn còn khó khăn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện. Bộ Tài chính chủ trì rà soát thẩm định, đề xuất cấp thẩm quyền quyết định mức hỗ trợ, tạm cấp từ ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương. Đối với những vấn đề luật quy định thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Úy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến kinh phí phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thì Bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương đề xuất Bộ Tài chính tổng hợp, trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi thực hiện theo quy định tại điểm 3.2 Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội. |