Bộ Giao thông Vận tải bỏ quy định gắn phù hiệu cho taxi công nghệ

thunguyen

13/08/2019 18:26

Tuy nhiên cơ quan này đề xuất taxi công nghệ phải dán chữ phản quang ở kính xe để nhận diện.

Thông tin từ Báo Chính phủ cho biết, Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ Dự thảo lần thứ chín, Nghị định 86 về kinh doanh vận tải bằng ô tô. Trong các lần dự thảo trước đó, cơ quan này đề xuất gắn phù hiệu cho taxi công nghệ, là một hộp cố định trên nóc xe, giống như các hãng taxi truyền thống vẫn làm hiện nay.

Quy định này vấp phải nhiều tranh cãi, vì taxi công nghệ quản lý khách và quãng đường đi, cước phí bằng các ứng dụng công nghệ, thông qua điện thoại thông minh của khách lẫn tài xế.


Các hãng taxi công nghệ như Grab, GoViet,...tự nhận mình là các hãng công nghệ, kết nối tài xế và hành khách thông qua ứng dụng trên điện thoại di động (Ảnh: Bảo Zoãn)
Taxi truyền thống vẫn phải gắn phù hiệu để quản lý, tuy nhiên taxi công nghệ thì chưa có quy định này (Ảnh: Bảo Zoãn)

Nửa cuối tháng Bảy vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu huỷ bỏ đề xuất gắn phù hiệu này. Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu loại bỏ ngay các điều kiện không cần thiết, đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quản lý vận tải thay cho phương thức quản lý truyền thống.

Gắn phù hiệu hay dán chữ phản quang cho xe đều là cách mà Bộ GTVT đưa ra để quản lý loại hình dịch vụ vận tải ô tô dưới 9 chỗ ngồi, trong đó có taxi truyền thống và taxi công nghệ.

Nếu như taxi truyền thống thuộc doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã được đăng ký ngành nghề hoạt động, thì các hãng taxi công nghệ luôn tự nhận mình là một doanh nghiệp công nghệ, kết nối xe và hành khách thông qua ứng dụng công nghệ. Với đặc điểm này, toàn bộ xe taxi công nghệ phải đăng ký qua các hợp tác xã vận tải, để được phép kinh doanh taxi. Các hãng công nghệ như Grab, be, GoViet,… về nguyên tắc không làm việc trực tiếp với các tài xế, mà qua các hợp tác xã vận tải.

Về quy định gắn phù hiệu cho taxi công nghệ, trong khi các hãng công nghệ phản đối, thì một số tài xế lái xe công nghệ lại hoàn toàn thoải mái. Họ cho rằng nếu gắn phù hiệu, taxi công nghệ có thể đón khách dọc đường thay vì chỉ được nhận khách qua ứng dụng với chiết khấu khá cao dành cho các hãng. Chiết khấu là số tiền mà tài xế phải trả cho hãng sau khi thu tiền từ khách hàng. Với ưu điểm là xe cá nhân của các tài xế, được bảo dưỡng, giữ gìn tốt hơn xe chung của các hãng taxi truyền thống, tài xế xe công nghệ cho rằng họ sẽ nhanh chóng áp đảo taxi truyền thống.

Tuy nhiên, cũng có một số tài xế taxi công nghệ cho rằng họ không muốn gắn phù hiệu cố định trên đỉnh xe của mình. Ngoài việc chở khách, đó là tài sản cá nhân, sử dụng cho gia đình. Nếu bắt buộc gắn phù hiệu, họ sẽ từ bỏ ứng dụng.

Bắt đầu từ Uber, rồi đến Grab, các kỳ lân công nghệ của thế giới đến Việt Nam từ năm 2014, bộ mặt vận tải của Việt Nam đã thay đổi rõ rệt.

Thông tin từ Grab cho biết hãng đã tạo việc làm cho hơn 175 nghìn đối tác tài xế, tính đến hết quý I.2019. Hiện tại, trên thị trường đã xuất hiện thêm các ứng dụng gọi xe như GoViet, be, Vato… với các hình thức khuyến mại cạnh tranh giành khách hàng và đối tác tài xế. Các hãng taxi truyền thống cũng bắt đầu ra mắt các ứng dụng gọi xe như Vinasun, Mai Linh,… Ngoài ra, một số hãng taxi truyền thống cũng kết hợp lại để ra mắt ứng dụng gọi xe G7, EMMDI.

Đan Nguyên

thunguyen