Bị Bộ Giao thông Vận tải từ chối, ông Johnathan Hạnh Nguyễn xin cấp cao hơn là Thủ tướng để lập hãng hàng không

Tuệ Nghi

21/07/2021 16:18

Với mong muốn lập một hãng hàng không chở hàng chuyên biệt nhưng ý định của ông Johnathan Hạnh Nguyễn vấp phải khó khăn khi Bộ Giao thông Vận tải từ chối. Tuy nhiên, với một người đầy tham vọng và quyết tâm làm cho bằng được nên Chủ tịch IPP Air Cargo xin lên cấp cao hơn là Thủ tướng.

Thực tế, thời gian qua đã có nhiều hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp khi gặp khó khăn ở những bộ ngành đều có những đề xuất, kiến nghị lên người đứng đầu Chính phủ nhằm giải quyết được vấn đề của mình.

Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, do ảnh hưởng của đại dịch nên các hãng hàng không bị ảnh hưởng ít nhiều nhưng trong khi chờ đợi thị trường phục hồi ông muốn xin Thủ tướng để chuẩn bị các thủ tục cần thiết để lập hãng bay chuyên vận chuyển hàng hoá. Vì lúc này, hãng có thời gian để tiến hành các công việc chuẩn bị như đàm phán, ký hợp đồng mua máy bay, xúc tiến các cuộc gặp cấp cao với phía Mỹ để đàm phán.

h-1626858010.jpeg
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn.

Theo kế hoạch của mình và mọi chuyện thuận lợi thì hãng máy bay của ông Johnathan Hạnh Nguyễn sẽ có chuyến bay đầu tiên vào năm 2022.

Tuần trước, Bộ Giao thông Vận tải đã chủ trì cuộc họp với Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Vietravel Airlines và công ty cổ phần IPP Air Cargo để bàn về vấn đề có nên hay không nên cho mở thêm hãng hàng không vận chuyển.

Sau cuộc họp, đại diện các hãng hàng không trong nước cùng cơ quan quản lý đều cho rằng việc lập hãng hàng không mới bao gồm cả hãng hàng không chuyển chở hàng hoá là chưa phù hợp vì tình hình dịch bệnh.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, công ty cổ phần IPP Air Cargo của ông Johnathan Hạnh Nguyễn hoàn toàn có thể đề nghị thành lập hãng hàng không vận chuyển hàng hoá vào thời điểm sau khi thị trường hàng không phục hồi.

Cũng có một số ý kiến cho rằng, việc IPP Air Cargo của ông Johnathan Hạnh Nguyễn gặp khó khăn trong việc lập hãng hàng không vận chuyển hàng hoá là một phần do Vietnam Airlines cũng có ý định thành lập một hãng hàng không chở hàng chuyên biệt.

Về phần mình, theo phía IPP Air Cargo, việc lập hãng hàng không vận chuyển hàng hoá là muốn giành lại thị phần từ các hãng vận chuyển nước ngoài, vốn đang nắm giữ 83% thị phần lĩnh vực này.

Lý do để Vietnam Airlines, vốn đang gặp khó khăn về kinh doanh mảng vận tải hành khách vì Covid 19 muốn ra một hãng hàng không nữa là do doanh thu chở hàng của Vietnam Airlines trong tháng 6 đã vượt doanh thu chở khách của hãng này. Đây chính là cơ sở để Vietnam Airlines xâm nhập vào thị trường vận tải hàng hoá này.

Miếng bánh vận tải hàng hóa hàng không ''béo bở'' như thế nào để ông  Johnathan Hạnh Nguyễn quyết tâm lập cho được hãng hàng không vận chuyển?

Thống kê của Cục Hàng không cho thấy, hiện Việt Nam có gần 70 hãng hàng không quốc tế và 4 hãng hàng không Việt Nam khai thác hơn 130 đường bay quốc tế, kết hợp vận chuyển hành khách và hàng hóa.

Trong số này có gần 20 hãng hàng không nước ngoài chuyên chở hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng như: UPS, Fedex (Hoa Kỳ), China Airlines, Eva Air (Đài Loan), Korean Air, Asiana Airlines (Hàn Quốc), Japan Airlines, All Nippon Airways (Nhật Bản), Cathay Pacific, HongKong Airlines, Air HongKong (Hồng Kông), China Southern (Trung Quốc), Singapore Airlines, Malaysia Airlines, Cargolux (Luxemburg), Airbrigde Cargo (Nga), Aerologic (Đức) Etihad Airways, Qatar Airways... Các hãng hàng không nước ngoài khác cũng đều có khai thác vận chuyển hành khách kết hợp hàng hóa (belly cargo) đi/đến Việt Nam.

Tốc độ tăng trưởng thị trường hàng hóa giai đoạn 2015-2019 đạt trung bình hơn 10%/năm, trong đó tốc độ tăng trưởng hàng hóa quốc tế đạt 12%/năm. Chỉ tính riêng năm 2019, sản lượng hàng hóa đạt hơn 1,2 triệu tấn, tăng 3,3% so với năm 2018. Trong đó hàng hóa quốc tế đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 5,1% so với năm 2018.

Đáng chú ý, khi sản lượng hàng hóa đường hàng không tăng đều mỗi năm thì thị phần vận chuyển hàng hóa quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam sau rất nhiều năm vẫn chỉ đạt gần 20%. Hơn 80% thị phần còn lại vẫn nằm trong tay các hãng hàng không nước ngoài.

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có hãng hàng không vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng. Hàng hóa được vận chuyển chủ yếu bằng tàu bay chở khách kết hợp với chở hàng nên khối lượng hàng hóa vận chuyển trên mỗi chuyến bay chỉ đạt khoảng 2-10 tấn tùy theo chủng loại tàu bay.

Trong bối cảnh gần như toàn bộ chuyến bay chở khách phải tạm dừng khai thác khi dịch Covid 19 diễn biến phức tạp, các hãng hàng không đã chủ động đẩy mạnh hoạt động vận chuyển hàng hóa nhằm duy trì nguồn thu.

Cuối năm 2020, Vietnam Airlines đẫ đưa 12 máy bay thân rộng Boeing 787 và Airbus A350 vào chuyên chở hàng hóa thuần túy trên khoang khách (cabin) và khoang bụng (belly); đồng thời tháo ghế 2 máy bay thân hẹp Airbus 321 để chở hàng. 

Kết quả đạt được rất khả quan khi trong giai đoạn cách ly xã hội, doanh thu vận chuyển hàng hóa của Vietnam Airlines trong năm 2020 đạt gần 5.382 tỷ đồng, đóng góp gần 24% tổng nguồn thu của công ty mẹ so với mức 11,7% của năm 2019. Hết quý I/2021, vận chuyển hàng hóa mang về cho hãng bay này gần 1.140 tỷ đồng chiếm 23% tổng nguồn thu và chỉ giảm 15% so với cùng kỳ trong khi doanh thu vận chuyển hành khách giảm tới 69%.

Tuệ Nghi