Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh, vai trò chiến lược của vùng Thủ đô không chỉ là trung tâm chính trị, văn hóa mà còn là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng của cả nước.
Cụ thể, Luật Thủ đô 2024 đã nhấn mạnh mục tiêu liên kết, phát triển vùng Thủ đô không chỉ trong phạm vi 10 tỉnh, thành phố hiện nay mà còn mở rộng hợp tác với các địa phương khác thuộc Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc, qua đó phát huy tối đa lợi thế vùng trung tâm và lan tỏa động lực ra nhiều vùng miền.
Tầm quan trọng của vùng Thủ đô đối với quốc gia là rất rõ nét. Mặc dù chỉ chiếm khoảng 7,4% diện tích cả nước, vùng Thủ đô tập trung tới 21,1% dân số và đóng góp khoảng 25% GDP của Việt Nam. Khu vực này đang dần hình thành một trục động lực phát triển kinh tế – đô thị – công nghệ cao không chỉ cho miền Bắc mà cho cả nước. Điều này cho thấy khát vọng vươn lên tầm khu vực và quốc tế của vùng Thủ đô là hoàn toàn có cơ sở.
Theo TS. Nguyễn Văn Khôi, cả nước đang hướng tới tinh gọn từ 63 tỉnh, thành xuống còn 34, trong đó Hà Nội được giữ nguyên do tính chất đặc thù. Riêng tại vùng Thủ đô, chủ trương này được xem là bước đi chiến lược nhằm mở rộng không gian phát triển, tạo hành lang và động lực tăng trưởng mới cho các địa phương. Đây không đơn thuần là cải cách hành chính, mà là cơ hội mang tầm nhìn trăm năm để tái cấu trúc không gian kinh tế - xã hội, giúp các tỉnh, thành trong vùng cất cánh mạnh mẽ hơn trong kỷ nguyên mới.
“Việc sáp nhập sẽ mang lại dư địa phát triển đô thị to lớn và tác động tích cực đến thị trường bất động sản. Quá trình sáp nhập tỉnh sẽ đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và thị trường bất động sản vùng Thủ đô được dự báo sẽ có sự chuyển mình mạnh mẽ. Minh chứng rõ nét là đợt mở rộng địa giới hành chính Hà Nội năm 2008. Nhờ sáp nhập Hà Tây và các vùng lân cận, Hà Nội có thêm quỹ đất lớn để phát triển hàng loạt khu đô thị mới.
Kết quả, sau 17 năm, quy mô kinh tế Thủ đô đã tăng trưởng vượt bậc: Thu ngân sách Hà Nội năm 2024 đạt gần 512.000 tỷ đồng, gấp hơn 8 lần năm 2007; thu nhập bình quân đầu người đạt xấp xỉ 6.500 USD, gấp gần 5 lần so với trước sáp nhập. Rõ ràng, nếu không mở rộng, Hà Nội khó có dư địa để đạt những thành tựu ấn tượng như vậy về phát triển đô thị. Việc sáp nhập các tỉnh vùng Thủ đô ngày nay cũng được kỳ vọng tạo nên những “siêu địa phương” mới, đủ nguồn lực và không gian để triển khai các dự án hạ tầng, khu đô thị quy mô lớn, tạo sức bật cho cả vùng trong dài hạn” - TS. Nguyễn Văn Khôi nhận định.
TS. Nguyễn Văn Khôi cũng dự báo, trong bức tranh phát triển vùng Thủ đô, các vùng đô thị vệ tinh xung quanh Hà Nội đang nổi lên là những điểm đến đầu tư sôi động nhất. Cụ thể, loạt đô thị vệ tinh nổi bật phải kể đến như: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Giang… có thể cung cấp mặt bằng lớn để phát triển những khu đô thị hiện đại, tiện nghi mà trung tâm Hà Nội khó lòng đáp ứng do hạn chế quỹ đất. Thứ hai, hạ tầng giao thông liên vùng đồng bộ đã rút ngắn khoảng cách giữa Hà Nội và các tỉnh lân cận. Tổng hòa những yếu tố trên cho chúng ta niềm tin rằng bất động sản đô thị vùng Thủ đô sẽ bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, PGS.TS. Trần Đình Thiên - Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ đã phác họa một tầm nhìn rộng lớn về vùng Thủ đô. Theo đó chuyên gia cho rằng, trong tư duy phát triển hiện đại, vùng Thủ đô không còn đơn thuần là không gian địa lý gắn liền với Hà Nội, mà đã vươn lên trở thành một “trung tâm của các trung tâm”, giữ vai trò điểm hội tụ và lan tỏa các nguồn lực phát triển mạnh mẽ. Trong đó, việc nỗ lực thu hút các “đại bàng công nghệ”, kết nối các chuỗi giá trị kinh tế mới, cùng với việc thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, đang tạo ra một bầu không khí sôi động, đầy hứng khởi, mở ra một kỷ nguyên phát triển đầy triển vọng.
PGS. TS. Trần Đình Thiên cho hay: “Đây là thời điểm cần nhận thức rõ, cơ hội không còn nằm ở điểm tựa cũ, mà nằm ở khả năng kiến tạo và khai phá những không gian phát triển mới, bao gồm không gian địa lý, không gian công nghệ, không gian thể chế và cả không gian tư duy. Vùng Thủ đô, với những lợi thế và vị thế đặc biệt của mình, đang trải qua quá trình tái cấu trúc mạnh mẽ, hứa hẹn sẽ chứng kiến những thành tựu phát triển vượt xa sức tưởng tượng, đặc biệt nếu chúng ta biết cách tận dụng hiệu quả đà tăng trưởng hiện tại”.
Theo KTS. Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, tầm nhìn quy hoạch và khơi dậy sức mạnh của kinh tế tư nhân. Chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính đang được triển khai mạnh mẽ được kỳ vọng sẽ tạo ra những không gian phát triển mới, nâng cao hiệu quả quản lý và thúc đẩy quá trình đô thị hóa. Đây chính là “chìa khóa” để thị trường bất động sản khu vực này có những bước chuyển mình mạnh mẽ, mở ra nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn.
Cụ thể, vùng Thủ đô mở rộng đang định hình mạnh mẽ như một trung tâm kinh tế và chiến lược mới của Việt Nam, đặc biệt khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển dựa trên đổi mới cơ cấu và liên kết vùng. Việc sáp nhập các địa phương được xem là động lực quan trọng, mở ra những cơ hội phát triển to lớn hơn nữa cho vùng Thủ đô. Đồng thời, sự kết nối hạ tầng, đặc biệt là các tuyến đường sắt cao tốc xuyên biên giới, đang tạo ra xung lực mạnh mẽ cho thị trường bất động sản toàn vùng.
KTS. Trần Ngọc Chính cho rằng, không có vùng nào trong cả nước sở hữu hệ thống giao thông hiện đại, mật độ cao và kết nối linh hoạt như vùng Thủ đô, đường bộ, đường sắt, đường thủy và sắp tới là hệ thống đường sắt cao tốc xuyên biên giới và xuyên Việt. Đây chính là điều mà nhiều vùng trên thế giới vẫn đang mơ ước và cũng là lợi thế cạnh tranh mà nhà đầu tư không thể bỏ qua khi nhắm đến các phân khúc bất động sản.
“Với “khung sườn” phát triển ngày càng rõ nét, dư địa tăng trưởng còn rất lớn và tiềm năng tiếp tục được khai phá, vùng Thủ đô mở rộng chắc chắn sẽ là điểm đến chiến lược tiếp theo cho các nhà đầu tư bất động sản dài hạn. Đặc biệt các phân khúc bất động sản công nghiệp, nghỉ dưỡng và đô thị vệ tinh sẽ thu hút sự quan tâm lớn” - KTS. Trần Ngọc Chính khẳng định.