Theo nhóm nghiên cứu năng lượng sạch BloombergNEF, Việt Nam hiện đứng thứ 7 thế giới về công suất điện mặt trời. Năm 2020, Việt Nam là quốc gia duy nhất lắp đặt nhiều tấm pin năng lượng mặt trời hơn Mỹ và Trung Quốc.
Sự phát triển bùng nổ năng lượng mặt trời ở Việt Nam không hẳn đến từ nỗ lực giảm ô nhiễm carbon. Bởi Việt Nam không nằm trong số hơn 100 quốc gia có mục tiêu giảm thải carbon trong thập kỷ tới. Theo Bloomberg, các ngân hàng nước ngoài đang hạn chế tài trợ cho các dự án dùng nhiên liệu hóa thạch, có nghĩa là rất khó vay vốn để xây nhà máy điện than. Ngoài ra, giá pin năng lượng mặt trời lao dốc, nhiều sản phẩm được lắp ráp trong nước, tạo ra giải pháp thay thế rẻ và tiện lợi cho nguồn điện từ nhiêu liệu hoá thạch.
Bloomberg dẫn chứng về trường hợp của anh Nguyễn Tuấn, người lắp đặt 46 tấm pin năng lượng mặt trời tại trang trại dưa vàng rộng 4 ha của anh ở miền Nam. Người đàn ông 46 tuổi giảm hóa đơn tiền điện và kiếm được khoảng hai triệu đồng một tháng khi bán lượng điện dư thừa cho lưới điện quốc gia. “Trang trại của Tuấn chỉ là một phần nhỏ trong sự gia tăng gấp 100 lần điện mặt trời diễn ra ở Việt Nam trong hai năm qua”, Bloomberg bình luận.
Công suất điện mặt trời của Việt Nam lên mức hơn 13 GW năm 2020
“Tôi chưa thấy quốc gia nào bùng nổ về phát triển năng lượng mặt trời như vậy. Không thể tin được”, Logan Knox, Giám đốc điều hành UPC Renewables tại Việt Nam nói. UPC Renewables là công ty xây dựng và vận hành các trang trại năng lượng mặt trời ở châu Á.
Việt Nam là tấm gương đáng khích lệ cho thấy những nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn cản việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Caroline Chua, chuyên gia phân tích của BNEF cho biết: “Sự bùng nổ năng lượng mặt trời ở Việt Nam cho thấy các quốc gia có thể tạo ra công suất điện năng thay thế trong thời gian ngắn”.
Chính phủ Việt Nam chú trọng vào công nghiệp năng lượng mặt trời một vài năm trước khi tình trạng thiếu điện ngày càng gia tăng có thể làm suy giảm động lực kinh tế. Những năm tăng trưởng nhanh đồng nghĩa với việc nhu cầu điện tăng vọt từ các nhà máy được xây dựng bởi các công ty đa quốc gia như Samsung Electronics và các đối tác cho Apple. Kế hoạch đáp ứng nhu cầu đó bằng các nhà máy điện than bị chậm tiến độ, do lo ngại về chất lượng không khí và khó khăn về tài chính khi các ngân hàng toàn cầu ngừng cho vay đối với nguồn năng lượng này.
Đây là xu hướng toàn cầu cũng như ở châu Á. Bangladesh đang từ bỏ tất cả nhà máy điện than. Philippines năm ngoái tuyên bố ngừng phát triển các nhà máy nhiệt điện mới. Việt Nam đang được coi là hình mẫu cho các quốc gia khác tìm cách tăng công suất phát điện mà không dùng than đá.
Gần đây, các chính sách khuyến khích năng lượng mặt trời đang bị tạm dừng để hạn chế xây dựng những dự án mới. Nhu cầu tấm pin mặt trời toàn cầu đi lên làm tăng gấp ba lần giá nguyên liệu chính polysilicon cũng khiến việc phát triển nguồn năng lượng này gặp trở ngại.
Quy hoạch phát triển điện mới của Việt Nam cố gắng giải quyết các vấn đề về mạng lưới. Một bản dự thảo được công bố vào tháng 3 cho thấy ngân sách 32,9 tỷ USD để mở rộng lưới điện đến năm 2030, cùng với 94,5 tỷ USD để sản xuất thêm điện.
Theo Bảo Nhi/Bizlive