Các chỉ số thống kê cho thấy doanh thu từ tiêu dùng đăng tăng mạnh. Sức mua của người dân đang hồi phục nhanh chóng. Các hoạt động có sức tăng mạnh nhất bao gồm doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 311,1 nghìn tỉ đồng, tăng 17,3%. Doanh thu lĩnh vực ăn uống đạt 32,5 nghìn tỉ đồng, tăng 95,8% so với tháng Tư. Ngành du lịch lữ hành cũng bắt đầu sôi động khi doanh thu đạt 0,4 nghìn tỉ đồng, tăng 780,1% so với tháng 4.2020 và giảm 87,8% so với cùng kì năm 2019. Ngoài ra, theo Tổng cục Thống kê doanh thu dịch vụ khác đạt 40,8 nghìn tỉ đồng, tăng 91,3% so với tháng Tư và giảm 9,8% so với cùng kì.
Mặc dù không có những chương trình hoành tráng chuẩn bị công phu như những năm trước, tối ngày Quốc tế Thiếu nhi 1.6, trung tâm thương mại SC VivoCity vẫn đón lượng đông khách hàng đến thăm quan mua sắm. Tầng gửi xe được lấp đầy. Những cửa hàng cũng nhanh chóng mở lại bên cạnh một số quầy đóng cửa trả mặt bằng.
Ngành bán lẻ chịu ảnh hưởng khi mất đi một lượng khách quốc tế nhưng nhu cầu nội địa đang làm tăng sức nóng cho thị trường. Tháng Năm là tháng đầu tiên cuộc sống trở lại bình thường sau giãn cách xã hội, cùng với kỳ nghỉ Lễ 30.4-1.5 nên hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng của người dân có dấu hiệu tăng trở lại.Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố hồi cuối tháng Năm vừa qua cho thấy, Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Năm ước tính đạt 384,8 nghìn tỉ đồng, tăng 26,9% so với tháng trước và giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước.
Dịch bệnh COVID-19 là một cú đánh nặng vào nền kinh tế, mà ngành bán lẻ là ngành chiu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nền nhất. Các nhà bán lẻ một mặt mất doanh thu, mặt khác vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng, khoản chi chiếm phần đáng kể trong hoạt động. Tiền thuê hàng tháng gần như là khoản chi lớn nhất của các nhà bán lẻ hiện tại. Một chủ chuỗi cửa hàng thời trang cho biết, chi phí thuê mặt bằng trung bình chiếm khoảng 20% doanh thu.
Sức hút của ngành bán lẻ cũng khiến chi phí thuê mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam tăng cao trong những năm gần đây. Khi dịch bệnh kéo tới, chi phí này phần nào trở thành gánh nặng sống còn của nhiều nhà bán lẻ. Theo các chủ cửa hàng đi thuê, việc thương lượng với các chủ nhà cũng khó khăn, đặc biệt với những chủ nhà là cá nhân. Nếu được thỏa thuận, mức giảm cũng chỉ xoay quanh 10%. Giá cho thuê tại trung tâm thương mại thường cao hơn so với mặt bằng mặt phố. Đổi lại, các trung tâm thương mại làm việc chặt chẽ hơn với nhà bán lẻ trong việc chia sẻ tiền thuê trên doanh thu, thực hiện các chương trình nhằm đảm bảo lưu lượng khách đến trung tâm
Sẽ không có nhiều thay đổi sau dịch bệnh, ngoại trừ quá trình hồi phục của doanh nghiệp sẽ còn kéo dài để tiêu thụ hết tất cả những thương tổn gánh chịu trong khoảng thời gian vừa qua.
Mặc dù có những dự báo về việc khách hàng chuyển đổi hành vi mua sắm lên nền tảng online, nhưng cho tới giờ chưa có một bằng chứng rõ rêt về việc này. Xu hướng mua online có vẻ tăng lên với một vài mặt hàng nhưng chỉ trong một thời điểm nhất định khi dịch bùng phát mạnh. Sau giai đoạn đó, sức mua lại có xu hướng giảm sút, theo chia sẻ của một đại diện sàn thương mại điện tử. Nguyên nhân do người dùng phải cân đối chi tiêu và tập trung nhiều hơn vào những mặt hàng thiết yếu.
Việt Nam đang nằm trong các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới với mức tăng trưởng trung bình lên tới 10%/năm. Nhưng dù con số tăng trưởng hấp dẫn, đây vẫn là một thị trường cạnh tranh khốc liệt, với biên lợi nhuận ngày càng mỏng do chủ yếu do sức mua trung bình vẫn chưa cao. Nhiều nhà bán lẻ đã phải ra quyết định rút khỏi thị trường. Điển hình là việc các sàn thương mại điện tử cũng ngày càng co hẹp lại với những cái tên tốp đầu như Shopee, Tiki, Lazada. Năm 2019 nhiều sàn thương mại điện tử đã phải đóng cửa như Adayroi của Vingroup, Robins của tập đoàn Thái Lan Central Group hay sàn Lotte.vn. Sau gần hai năm ra mắt, Sendo của tập đoàn FPT cũng có thể sáp nhâp với Tiki.
Hệ thống hơn 1.000 cửa hàng của hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+, mới được Masan mua lại cuối năm 2019, cũng vừa báo khoản lỗ gần 900 tỉ đồng, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I.2020 của Masan.
Thời trang, một trong những lĩnh vực hấp dẫn nhất của bán lẻ, cũng đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ nước ngoài và sức ép về chi phí khi giá mặt bằng tại các khu trung tâm đang bị đẩy lên quá cao. Một số chuỗi bán lẻ thời trang như Hoàng Phúc, Canifa cũng đóng cửa hàng loạt cửa hàng tại địa điểm trung tâm ngay cả khi trước dịch COVID-19 xảy ra.
Cùng với nỗ lực hồi phục, ngành bán lẻ đang phải quay lại đối mặt với những bài toán kinh doanh vốn đã tồn tại trước đó. Và dĩ nhiên là thách thức hơn nhiều.
Dâng Phạm