Bán lẻ Hồng Kông gặp khủng hoảng

dang.pham

29/05/2020 06:35

Ngành bán lẻ Hồng Kông đối mặt cuộc khủng hoảng lớn nhất lịch sử trước áp lực của các cuộc biểu tình và đại dịch COVID-19.

Hồng Kông là một trong những thị trường bất động sản bán lẻ đắt đỏ nhất thế giới nhưng cũng là thiên đường mua sắm của khách du lịch. Hoạt động du lịch vốn đem lại thu nhập đáng kể cho các nhà bán lẻ bị ảnh hưởng nặng nề từ các cuộc biểu tình và sau đó là đại dịch COVID-19, nhưng các nhà bán lẻ vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng.

Phí thuê hàng tháng là khoản chi lớn nhất của các nhà bán lẻ Hồng Kông. Hiệp hội quản lý bán lẻ Hồng Kông cho biết đã liên tục kêu gọi người cho thuê giảm tiền thuê mặt bằng và chia sẻ giai đoạn khó khăn với người thuê. Dù các nhà phát triển bất động sản và chủ cho thuê mặt bằng đơn lẻ có nhiều hình thức và mức độ hỗ trợ khác nhau trong giai đoạn đầu đại dịch, nhưng hầu hết đều không đủ hỗ trợ để nhà bán lẻ tiếp tục hoạt động. Hiệp hội này cho rằng phản ứng và thái độ của chủ cho thuê mặt bằng trở nên thờ ơ và khó khăn hơn trước.

Từ khi các cuộc biểu tình nổ ra hồi tháng 6.2019 và dịch COVID-19 bùng phát, ngành bán lẻ Hồng Kông bị ảnh hưởng nghiêm trọng và môi trường hoạt động ngày càng khó khăn.

Lượng khách du lịch quốc tế và đại lục đến Hồng Kông giảm lần lượt 98,5% và 99,3% trong tháng Hai và Ba so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ 361 du khách người đại lục đến Hồng Kông trong kỳ nghỉ "tuần lễ vàng" miễn thuế hàng hóa bắt đầu vào ngày 1.5, dù cùng kỳ đặc khu đón 839.000 khách.

Doanh số bán lẻ Hồng Kông đã ghi nhận mức tăng trưởng âm trong 14 tháng liên tiếp với mức giảm hơn 40% trong tháng Hai và Ba.

Doanh số các mặt hàng xa xỉ thường được du khách mua như trang sức, đồng hồ và dược phẩm, mỹ phẩm, vốn thu hút người mua là du khách đại lục, giảm 75,2% và 63,8% trong giai đoạn này. Có khoảng 5.200 cửa hàng bán lẻ đã đóng cửa trong năm nay. Một số thương hiệu đã rời khỏi thị trường bao gồm hãng thời trang nhanh Esprit, nhà hàng Gordan Ramsay và chuỗi thời trang Hàn Quốc A-Land.

Ước tính có 15.000 cửa hàng bán lẻ tại Hồng Kông sẽ phải đóng cửa vào cuối năm nay nếu điều kiện hoạt động của họ không được cải thiện, theo cuộc khảo sát của Hiệp hội bán lẻ.

Hồi tháng Tư, một nhà phát triển bất động sản đã rao bán tòa nhà thương mại trên phố Causeway Bay, đánh dấu lần đầu tiên trong mười năm qua, một tài sản như vậy xuất hiện trên thị trường bất động sản bán lẻ Hồng Kông.

Theo nghiên cứu xuất bản tháng Chín năm ngoái của hãng tư vấn bất động sản Cushman & Wakefield, giá thuê mặt bằng trên phố thương mại Causeway Bay của Hồng Kông lên tới 2.745 USD/ft2 một năm (1 m2 = 10,8 ft2), thuộc hàng đắt đỏ nhất thế giới. Mức giá này cao hơn 18% so với các thị trường xếp sau như đại lộ Upper Fifth ở quận Manhattan, New York, Mỹ.

Ngành bán lẻ Hồng Kông đối mặt cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử và đang ở trong "thời khắc quan trọng giữa sự sống và cái chết", Chủ tịch Hiệp hội Quản lý Bán lẻ Hồng Kông, Annie Yau Tse, nói trong thư gửi Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam hôm 26.5. Bà kêu gọi sự hỗ trợ từ chính quyền.

Mặc dù chính quyền đặc khu đã nhiều lần đưa ra các biện pháp cứu trợ, tình trạng khẩn cấp có thể được giải quyết, nhưng tình hình của các doanh nghiệp vẫn gặp khó. Hiệp hội này đề xuất chính quyền đặc khu tham khảo các thị trường khác như Anh, Australia hay Singapore để có biện pháp trì hoãn thanh toán tiền thuê mặt bằng ít nhất chín tháng.

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, những nước nói trên đã ban hành các quy định đảm bảo các chủ cho thuê sẽ tiến hành biện pháp tạm thời để giúp chủ cửa hàng bán lẻ phục hồi. Bà Tse cho rằng việc hạn chế chủ cho thuê thực hiện các biện pháp pháp lý hoặc lấy lại mặt bằng trong ít nhất chín tháng sẽ hỗ trợ nhà bán lẻ tiếp tục hoạt động và phục hồi.

Dù vậy, vẫn có những dấu hiệu cho thấy niềm tin vào thị trường. Một số nhà bán lẻ đã mở rộng tại Hồng Kông trong thời gian gần đây. Nhãn hiệu xa xỉ Lora Piana thuộc tập đoàn LVMH mở cửa hàng giày dép đầu tiên của hãng trên thế giới, trong khi thương hiệu đồng hồ Panerai mở cửa hàng tại Canton, một trong những phố thương mại đắt đỏ nhất đặc khu. Thương hiệu giày dép và phụ kiện của Singpore Charles & Keith, thương hiệu đồ chơi Lego mở cửa hàng thứ bảy và thứ năm của họ tại Hồng Kông. Trong khi đó, cửa hàng đồ uống Blue Bottle của Nestle mở cửa trong không gian hai tầng rộng gần 280 m2, thu hút hàng dài khách xếp hàng chờ trước giờ khai trương.

Trường Bùi

dang.pham
Bạn đang đọc bài viết "Bán lẻ Hồng Kông gặp khủng hoảng" tại chuyên mục Khoa học quản lý.