Ba trụ cột giảm bớt rủi ro cho nông sản xuất khẩu

thunguyen

11/02/2020 23:16

Các tỉnh miền Tây Nam Bộ, trong đó có tỉnh Tây Ninh đang bước vào vụ thu hoach thanh long, trong giai đoạn thị trường chính Trung Quốc gặp bế tắc vì virus Corona.

Thanh long đang được chế biến tại nhà máy Lavifood (Ảnh: Bảo Zoãn)
Thanh long đang được chế biến tại nhà máy Lavifood (Ảnh: Bảo Zoãn)

Giải quyết bài toán trước mắt và lâu dài cho nông sản cần sự chung tay đồng bộ từ các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và cơ quan nhà nước.

Lavifood, với năm dòng sản phẩm chính cho trái thanh long ruột đỏ, đã thu mua thanh long nguyên liệu từ người dân với mức giá từ 12.000 - 15.000 đồng/kg tuỳ loại, để đưa vào chế biến. Phần lớn thanh long được chế biến sâu thành các sản phẩm ăn liền, một phần nhỏ được xuất tươi sang thị trường Trung Quốc, qua các cảng biển - ông Đặng Ngọc Cẩn, Tổng Giám đốc Lavifood cho biết.

Mỗi container thanh long, nặng 20 tấn, nếu được doanh nghiệp mua vào, người nông dân chỉ còn lỗ khoảng 15 triệu đồng (~750 đồng/kg), anh Lê Minh Thảo, nông dân tại huyện Châu Thành (Long An) cho biết. Với mức giá bán hiện tại cho Lavifood, doanh nghiệp đang chia sẻ một phần lớn rủi ro cho nông dân.

Không phải ai cũng may mắn được thu mua thanh long như anh Lê Minh Thảo, hiện đang sở hữu hơn 6.000 m2 trồng thanh long tại Long An. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, cách Long An hơn một giờ đi xe, thanh long ruột đỏ vẫn đang được bày bán với mức giá chỉ 10.000 đồng/kg. Mức giá thu mua tại vườn chắc chắn thấp hơn nhiều. Thậm chí nhiều hộ nông dân phải chấp nhận bỏ khi không có người mua, không đủ bù đắp công thu hái.

Tại buổi làm việc chiều 11.2.2020, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết ông nhiệt liệt ủng hộ các doanh nghiệp đầu ngành như Lavifood phát triển nhà máy, kho bãi, hệ thống logistics nhằm phát triển ngành nông nghiệp một cách bền vững, thoát cảnh “được mùa mất giá”, thích ứng tốt hơn với biến động của thị trường và tình hình kinh tế xã hội.

Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) cho biết ngân hàng không giới hạn ngân sách hỗ trợ cho các dự án nông nghiệp, đặc biệt là các dự án chế biến, xây dựng bến bãi, phát triển hệ thống logistics nông nghiệp. Đó là phương châm thống nhất từ nhiều năm nay của SCB. Trong thời gian tới, logistics nông nghiệp được SCB đặc biệt chú trọng, nhằm tăng thời gian bảo quản, tăng giá trị trái cây xuất khẩu, ông Văn cho biết.

Theo số liệu từ báo cáo của tỉnh, Long An có khoảng gần 12 nghìn héc-ta trồng thanh long, với hơn 9.500 nghìn héc-ta cho trái. Với năng suất hơn 30 tấn trên mỗi héc-ta, sản lượng thanh long của tỉnh đạt trên 300 nghìn tấn, tập trung chủ yếu tại huyện Châu Thành, Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa, thành phố Tân An...

Hiện tại thanh long đang vào vụ thu hái nhưng tình hình tiêu thụ đang gặp nhiều khó khăn. Sản lượng thanh long tồn chưa tiêu thụ được từ cuối tháng 01/2020 đến nay khoảng 30 nghìn tấn. Chưa kể gần 60 nghìn tấn được thu hoạch trong tháng 2/2020 và gần 32 nghìn tấn được thu hoạch trong tháng 3/2020.

Ông Đặng Ngọc Cẩn cho biết hiện tại nếu hoạt động hết công suất, nhà máy Lavifood có thể chế biến khoảng 500 tấn thanh long mỗi ngày.

Minh Thư

thunguyen