Bà Đặng Thị Hoàng Yến kiện doanh nghiệp Việt Nam ra Toà án Mỹ, yêu cầu bồi thường 8.000 tỷ đồng

Gia Bình

07/10/2022 15:24

Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo - Itaco (MCK: ITA) vừa công bố thông tin, Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến khởi kiện Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xây dựng Quốc Linh ra tòa án Liên bang Mỹ.

Ngoài ra, bà Yến cũng khởi kiện hai cá nhân là ông Trần Quang Quốc, bà Huỳnh Thị Cẩm Linh (chủ của Công ty Quốc Linh) ra toà.

Theo đó, bà Yến cho rằng, ITA và Công ty Quốc Linh không có mối quan hệ kinh tế. Thế nhưng, Công ty Quốc Kinh đã tạo ra bằng chứng giả mạo, qua đó buộc ITA mở thủ tục phá sản. Từ đó, giá cổ phiếu ITA bị sụt giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh.

Qua vụ kiện này, bà Yến yêu cầu Công ty Quốc Linh bồi thường cho cá nhân bà 28 triệu USD (tương đương 672 tỷ đồng) và 300 triệu USD (tương đương 7.200 tỷ đồng) đối với những thiệt hại của Tân Tạo.

Trước đó, vào tháng 6/2022, bà Yến đã có đơn kêu cứu về thông tin buộc phá sản đối với Tân Tạo do có thông tin bị TAND TP.HCM ra quyết định mở thủ tục phá sản từ năm 2018.

Trong đơn, bà Yến cho biết, vào tháng 5-6/2022, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) gửi nhiều công văn yêu cầu Itaco công bố thông tin toà án mở thủ tục phá sản.

Quyết định mở thủ tục phá sản số 56 ngày 25/1/2018 của TAND TP.HCM căn cứ đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xây dựng Quốc Linh.

Tuy nhiên, TAND TP.HCM cho rằng, việc Tân Tạo có mối quan hệ với chủ nợ Công ty Quốc Linh không phải là căn cứ để tiến hành thủ tục phá sản.

Công ty Quốc Linh không đề nghị thi hành án theo Luật Thi hành án dân sự. Thay vào đó, doanh nghiệp này yêu cầu mở thủ tục phá sản nhằm buộc Itaco phải thanh toán cho Công ty Quốc Linh theo Bản án của Toà án xét xử năm 2017 là hơn 21,4 tỷ đồng (trong đó nợ gốc là hơn 14,3 tỷ đồng và lãi hơn 7,1 tỷ đồng).

310141925-641452220885399-1063075224339757272-n-1665116486.jpeg

Bà Yến khởi kiện Công ty Quốc Linh tại Toà án Mỹ.

Liên quan đến vụ việc, nữ Chủ tịch của Tân Tạo đang đề nghị xem xét lại Bản án phúc thẩm số 01 ngày 5/1/2021 của TAND tỉnh Long An và Bản án sơ thẩm số 07 ngày 18/9/2020 của TAND huyện Đức Hoà, Long An theo thủ tục giám đốc thẩm tại TAND cấp cao TP.HCM.

Vào thời điểm bùng nổ thông tin phá sản, cổ phiếu ITA đã bị bán tháo dữ dội với dư bán sàn hơn 18,5 triệu đơn vị. Trong 4 năm qua, Tân Tạo vẫn công bố thông tin về báo cáo tài chính kiểm toán, tổ chức họp ĐHĐCĐ. 

Năm 2021, Tân Tạo ghi nhận doanh thu cải thiện đáng kể từ 649 tỷ đồng lên 932 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 48% lên 265 tỷ đồng. Trong quý I/2022, doanh thu giảm 64% xuống 63,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm 71% xuống 16 tỷ đồng.

Theo bà Yến, Tân Tạo có tổng tài sản gần 13,3 nghìn tỷ đồng và là công ty niêm yết, công ty đầu đàn trong việc phát triển hạ tầng khu công nghiệp của Việt Nam. Khoản tiền bị Công ty Quốc Linh ký buộc trả nợ chiếm chưa tới 0,2% tổng giá trị tài sản. Do đó, việc buộc Itaco phải công bố phá sản là vô lý.

Về tình hình kinh doanh, quý II vừa qua, Tân Tạo ghi nhận doanh thu đạt 309,65 tỷ đồng, tăng 114,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 117,58 tỷ đồng, tăng 5,46 lần so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 49,9% về còn 47,4%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 103,5% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 74,56 tỷ đồng lên 146,62 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng thêm 9,4 tỷ đồng so với cùng kỳ lên 10,16 tỷ đồng (cùng kỳ 0,76 tỷ đồng); chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 61,8%, tương ứng giảm 21,4 tỷ đồng về 13,25 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Bán niên, Tân Tạo ghi nhận doanh thu đạt 373,19 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 133,98 tỷ đồng, tăng 77,3% so với cùng kỳ năm trước.

Được biết, năm 2022, Tân Tạo đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 777,69 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 186,85 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả đạt được, công ty đã hoàn thành 71,7% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tuy nhiên, xét về dòng tiền, trong 6 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh chính lại ghi nhận âm 1.114,3 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 126,7 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 1.014,1 tỷ đồng (chủ yếu do thu hồi đầu tư, góp vốn vào đơn vị khác với giá trị 1.021,7 tỷ đồng); và dòng tiền tài chính âm 111,28 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, Tân Tạo chưa bao giờ ghi nhận dòng tiền âm kỷ lục như trong 6 tháng đầu năm 2022. Trong đó, dòng tiền âm lớn nhất là năm 2009 với giá trị âm 1.056,98 tỷ đồng và năm 2015 với giá trị âm 1.057,04 tỷ đồng.

Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của Tân Tạo giảm nhẹ 0,2% so với đầu năm về 13.246,3 tỷ đồng.

Gia Bình