Áp lực đáo hạn trái phiếu năm 2024 lớn cỡ nào?

Hồng Vũ

24/11/2023 10:19

Trong thời gian qua, các doanh nghiệp đã không ngừng thực hiện việc mua lại trái phiếu. Bên cạnh đó, có không ít doanh nghiệp, tổ chức thực hiện đàm phán với trái chủ giúp tránh được nhiều trường hợp phát sinh chậm trả gốc/lãi. Tuy nhiên các chuyên gia dự báo, áp lực đáo hạn trái phiếu sẽ hạ nhiệt trong quý 1/2024 và sau đó sẽ tăng mạnh trở lại trong quý 2/2024.

Theo Hiêp hội BĐS TP.HCM (HoREA), bước vào năm 2024, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ lên đến 329.500 tỷ đồng. Trong khi đó, con số này ở năm ngoái là 144.500 tỷ đồng, năm nay là 271.400 tỷ đồng.

Theo HoREA, trong giai đoạn cuối năm 2023, áp lực trả nợ trái phiếu của các doanh nghiệp cũng rất lớn. Quý 4 là giai đoạn cao điểm đáo hạn trái phiếu của cả năm nay với tổng giá trị lên đến 65.500 tỷ đồng (không tính các lô trái phiếu đã giãn và hoãn). Gần 80% là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản.

Còn theo Công ty CP Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) dự báo năm 2024, thanh khoản thị trường sẽ duy trì tốt và rủi ro tái cấp vốn sẽ được giảm bớt.

VIS Rating kỳ vọng điều kiện tín dụng sẽ ổn định trở lại trong năm 2024 dựa trên thanh khoản dồi dào của hệ thống ngân hàng và các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp phát huy hiệu quả.

372740919-609423208053787-3241153680825888694-n-1700796232.jpeg
Dự báo áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp sẽ tăng mạnh từ quý 2/2024. Ảnh: NQL

VIS Rating cũng đánh giá, trong năm 2024, hầu hết các ngành vẫn sẽ đối mặt với thách thức do nền kinh tế tăng trưởng yếu, tỷ lệ đòn bẩy vay nợ cao và nhu cầu tái cấp vốn lớn.

Tuy nhiên, vẫn kỳ vọng các chính sách giảm lãi suất gần đây và các biện pháp hỗ trợ cấp vốn cho doanh nghiệp sẽ phát huy hiệu quả, giúp giảm bớt áp lực thanh khoản mà các tổ chức phát hành trái phiếu đang phải đối mặt. Đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong ngành bất động sản, xây dựng và năng lượng tái tạo.

Bước sang năm 2024, đơn vị xếp hạng này kỳ vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới theo hướng chặt chẽ hơn khi bắt đầu áp dụng nhiều yêu cầu nghiêm ngặt đối với tất cả các bên liên quan, qua đó góp phần giúp hoạt động phát hành trái phiếu hồi phục.

Với kỳ vọng các điều kiện tín dụng dần ổn định, VIS Rating cho rằng thanh khoản thị trường sẽ duy trì tốt và rủi ro tái cấp vốn sẽ được giảm bớt.

Hoạt động phát hành trái phiếu của các ngân hàng sẽ là động lực chính cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới, với khối lượng phát hành lớn từ các ngân hàng để tăng nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh và đáp ứng các chỉ tiêu an toàn vốn.

Theo VNDIRECT, trong quý 3, hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn có sự chững lại. Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn trong quý 3/2023 chỉ đạt gần 57.259 tỷ đồng, giảm 31,9% so với quý 2/2023 và giảm 5,4% so với cùng kỳ.

Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong 2 tháng cuối năm 2023, ước tính sẽ có khoảng 41.009 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Trong đó, có 16 mã trái phiếu chậm trả lãi, gốc với tổng giá trị khoảng 1.006 tỷ đồng và 47 mã trái phiếu được gia hạn/thay đổi lãi suất. 40% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn trong 2 tháng cuối năm thuộc nhóm Bất động sản với hơn 15.631 tỷ đồng, theo sau là nhóm Ngân hàng với 7.530 tỷ đồng (chiếm 19%).

Riêng trong tháng 11, theo ước tính của VNDIRECT, sẽ có khoảng hơn 8.800 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, thấp hơn đáng kể so với giá trị đáo hạn trong các tháng vừa qua.

Các chuyên gia của VNDIRECT đánh giá, áp lực đáo hạn trái phiếu sẽ hạ nhiệt trong quý 1/2024 và sau đó sẽ tăng mạnh trở lại trong quý 2/2024.

Theo số liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sàn Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tháng 10, các doanh nghiệp đã mua lại 13.645 tỷ đồng trái phiếu, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 195.701 tỷ đồng, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2022 và tương đương 91% giá trị phát hành. Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị mua lại, chiếm 47,8% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng 93.490 tỷ đồng).

Tốc độ mua lại trước hạn có xu hướng giảm kể từ tháng 8 do áp lực trả nợ trái phiếu lớn trong khi nhiều doanh nghiệp đang rơi vào hoàn cảnh thiếu vốn và hoạt động kinh doanh gặp khó khăn.

Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó về dòng tiền và hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn, danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ trái phiếu vẫn tiếp tục tăng lên.

 

Hồng Vũ
Bạn đang đọc bài viết "Áp lực đáo hạn trái phiếu năm 2024 lớn cỡ nào?" tại chuyên mục Doanh nghiệp.