Xây dựng nông thôn mới - hệ sinh thái phát triển bền vững tại Quảng Bình

Thảo Nguyên

08/08/2024 16:49

Đối với một địa phương như Quảng Bình, lâu nay du lịch vẫn chú trọng vào khai thác lợi thế di sản của thiên nhiên, nhưng nếu phát triển thêm các loại hình như du lịch lịch sử, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp… thì sẽ mang lại thêm giá trị bền vững. Bên cạnh đó, đưa sản phẩm OCOP địa phương vào du lịch nông nghiệp giúp người dân làm giàu trên quê hương mình.

Theo các chuyên gia về du lịch, muốn làm nông nghiệp du lịch thì cần phải tạo mối liên kết giữa nông dân với nông dân, với tập thể như hợp tác xã. Các cá nhân, doanh nghiệp có điều kiện phát triển nông nghiệp du lịch cũng cần có các biện pháp liên kết người nông dân, hướng dẫn họ cách làm nông nghiệp du lịch, làm sao cho họ hiểu được câu chuyện liên kết mới mang lại nguồn lợi. Câu chuyện du lịch nông nghiệp cũng mang sắc thái câu chuyện du lịch cộng đồng, để những người sinh sống trên nông sản từ nông nghiệp hiểu, liên kết và cùng nhau làm du lịch.

Hiện nay, người dân đô thị ngày càng mong muốn và yêu thích tìm về với nguyên gốc của cuộc sống tự nhiên, cuộc sống của nông thôn, làng quê và gắn với bản sắc dân tộc. Đây chính là điều kiện để du lịch nông nghiệp phát triển và cũng chính là lợi thế lớn hiện nay của nông dân. Các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững kết hợp du lịch sinh thái đã tạo ra những đổi mới mang tính đột phá vừa giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân, đồng thời góp phần phát triển nông nghiệp ở các vùng đô thị, cận đô thị theo hướng sinh thái, bền vững. Để phát triển nông nghiệp du lịch, người nông dân cần phát triển sâu, làm tốt những sản phẩm nông nghiệp mà mình có, giữ gìn bản sắc địa phương, văn hóa, có những sản phẩm mang đặc trưng vùng miền, đến tập tục truyền thống.

hoat-dong-len-chua-1723196658.png
Nhiều khu du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Quảng Bình đang được hình thành.

Ngoài ra, các khâu liên kết sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ cần có chiến lược cụ thể. Làm sao để người nông dân thấy được lợi ích của mình về nông sản và làm giàu về du lịch ngay trên cánh đồng của mình. Với đặc thù là đất nước có nền sản xuất nông nghiệp, nên câu chuyện đưa nông nghệp vào du lịch là câu chuyện cần được mỗi địa phương phát huy những thế mạnh vốn có của mình. Mỗi địa phương nên nhìn nhận và có quy hoạch thấu đáo và đưa ra phương pháp giúp người nông định hướng cách làm. Có thể mở những lớp tập huấn để người nông dân không bỏ ruộng, bỏ vườn và làm giàu trên quê hương của mình.

Xác định việc phát triển du lịch nông nghiệp là một nội dung quan trọng trong phát triển sản phẩm du lịch trong thực hiện các nội dung của ngành Du lịch tại Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch Quảng bình cho biết: “Chúng tôi sẽ tăng cường quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các sự kiện, hội chợ du lịch trong nước và quốc tế; đẩy mạnh quảng bá tại các văn phòng lữ hành, đại lý du lịch trong và ngoài nước. Tập trung hỗ trợ, tăng cường liên kết trong hoạt động kinh doanh du lịch giữa các xã, huyện nông thôn mới có tiềm năng phát triển du lịch với các công ty lữ hành để chào bán các sản phẩm du lịch nông thôn cho khách du lịch nội địa và quốc tế…”.

Được biết, mô hình du lịch nông nghiệp không chỉ riêng gì ở Quảng Bình mà các địa phương trên toàn quốc cần có một hướng đầu tư bài bản, và phải có sự liên kết của với các tour đoàn, bên cạnh đó không đầu tư trùng lặp, sao chép ý tưởng một cách máy móc thì sẽ thu hút một lượng du khách tìm đến và người nông dân sẻ làm giàu trên mảnh đất của mình. Mô hình du lịch nông nghiệp ở Quảng Bình hay bất cứ một địa phương khác cần phải có quy hoạch phù hợp, lâu dài. Bên cạnh đó, cần tổ chức quản lý xuất theo chuỗi giá trị và liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Mỗi địa phương có điều kiện, tiềm năng, lợi thế riêng, do vậy trong quá trình thực hiện cần phải hết sức linh hoạt, uyển chuyển thì mới có thể thành công được...

Tỉnh Quảng Bình thực hiện Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 với quan điểm, phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị, phù hợp với nhu cầu thị trường trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng vùng miền, gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo; Phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng; thúc đẩy sự tham gia tích cực và chủ động của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế khác vào phát triển kinh tế du lịch nông thôn thông qua các hình thức liên kết chuỗi giá trị du lịch hiệu quả; thông qua đó góp phần thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đóng vai trò hỗ trợ tích cực cho phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh trong việc nâng cấp, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, bảo đảm vệ sinh môi trường, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống… Ngược lại, du lịch nông thôn góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới bền vững thông qua việc nâng cao thu nhập, tạo sinh kế cho người dân ở nông thôn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc sản... Quảng Bình, vai trò của du lịch nông thôn còn thể hiện trên các khía cạnh, đó là: Góp phần đưa giá trị của nông nghiệp và nông thôn lên cao; góp phần phát triển ngành nghề nông thôn bằng các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm); phát huy giá trị văn hóa bằng các đặc sản địa phương.

anh-chup-man-hinh-2024-06-05-luc-130034-1723196734.png
Nhiều sản phẩm OCOP Quảng Bình đang gắn liền với các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, Sở NN-PTNT đã bám sát các nhiệm vụ được giao, tích cực phối hợp với các đơn vị, địa phương để đẩy mạnh triển khai thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay toàn tỉnh đã có 03 Làng Văn hóa Du lịch, Làng du lịch nông thôn đã được hình thành và bước đầu có sự đầu tư, hoàn thiện hạ tầng (Làng Văn hóa Du lịch Cảnh Dương, Làng Văn hóa Du lịch Cự Nẫm và Làng Du lịch thích ứng thời tiết Tân Hóa), trong đó Làng Du lịch Tân Hóa đã được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) công nhận là Làng Du lịch tốt nhất tại kỳ bầu chọn năm 2023; triển khai xây dựng 09 tuyến đường hoa, tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu sáng - xanh - sạch đẹp (trong đó năm 2023 đã hoàn thành 03 tuyến, năm 2024 đang triển khai xây dựng 06 tuyến). Đang xây dựng 05 điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP cấp tỉnh tại các huyện Bố Trạch, Lệ Thuỷ, Ba Đồn, Đồng Hới nhằm thu hút khách du lịch đến với tỉnh Quảng Bình; hỗ trợ đầu tư xây dựng 08 căn hộ bugalow tại khu du lịch Lèn Chùa Ecostay, xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch (mô hình phát triển du lịch sinh thái ở nông thôn gắn liền với nâng cao vai trò của cộng đồng ở vùng đệm Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng); Phong trào khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu ở nhiều địa phương đã thúc đẩy nông thôn mới đi vào thực chất, đã có 66 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, 102 vườn mẫu đạt chuẩn. Những kết quả đạt được đó đã góp phần đẩy mạnh chương trình phát triển du lịch nông thôn, bộ mặt nông thôn ngày càng thay đổi rõ rệt, xây dựng nông thôn thành những miền quê đáng sống.

Để mô hình du lịch nông nghiệp phát triển bền vững, cần có sự liên kết chặt chẽ và chia sẻ lợi ích, lợi nhuận hợp giữa người nông dân và doanh nghiệp có hiệu quả. Nhà nước cần có các giải pháp hữu hiệu, đẩy nhanh việc triển khai thực hiện các chính sách, hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.

Thảo Nguyên