Xây dựng khu đô thị sáng tạo phía Đông TP.HCM

minhtam

Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân kỳ vọng năm 2021 có thể bắt tay xây dựng thành phố sáng tạo, tương tác cao phía Đông từ ba quận Thủ Đức, Quận 2 và Quận 9.

Để chuẩn bị tốt hơn cho tương lai TP.HCM trong 20 năm tới, chính quyền thành phố đang tìm kiếm một chiến lược phát triển để chuyển đổi khu phía Đông với các quận Thủ Đức, Quận 2, Quận 9 thành khu vực đổi mới sáng tạo và tương tác cao.

Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cho biết thành phố kỳ vọng có thể đưa ra một bức tranh chung về đô thị thông minh và đô thị sáng tạo, tại Hội thảo "Định hướng quy hoạch khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP.HCM” đồng thời trao giải thưởng cho cuộc thi quốc tế về ý tưởng quy hoạch, được tổ chức ngày 23/11.
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM.
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM.

Vị trưởng ban tổ chức cuộc thi tiết lộ từ những ý tưởng đoạt giải trong cuộc thi, thành phố sẽ tiếp thu và hoàn thiện đồ án cụ thể như phân khu, chi tiết… từ đó kêu gọi đầu tư và công tác quản lý khác.

Đạt giải nhất là đề án của liên danh hai công ty Sasaki - enCity đến từ Mỹ và Singapore. Ý tưởng của đơn vị này phân chia thành phố phía Đông thành từng khu vực với các chức năng đặc thù như trung tâm công nghệ tài chính Thủ Thiêm, trung tâm thể thao Rạch Chiếc, trung tâm công nghệ sinh thái Tam Đa, trung tâm sản xuất ở khu công nghệ cao, trung tâm giáo dục Đại học Quốc gia, khu đô thị tương lai Trường Thọ.

Sasaki - Encity gợi ý TP.HCM có thể tiếp cận theo hướng tạo một "phòng thí nghiệm đô thị", nơi công nghệ và nguyên mẫu mới có thể được triển khai trước công chúng và thử nghiệm sớm trong quá trình phát triển. Thành phố mới phía Đông tập trung sáng tạo và tiến bộ công nghệ giáo dục và đầu tư, tăng cường sự hợp tác của giới trí thức, doanh nghiệp và Chính phủ. Đây sẽ là nơi hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng.

Theo tham vọng trở thành trung tâm tài chính của khu vực và thế giới của TP.HCM, đề án cho rằng nên xây dựng Thủ Thiêm thành trung tâm công nghệ tài chính quốc tế. Thủ Thiêm có vị trí thuận lợi khi nằm gần và dễ dàng kết nối với Quận 1 - trung tâm tài chính của thành phố cũ. Đại diện đơn vị đạt giải nêu ý tưởng xây dựng hạ tầng và các yếu tổ về chính sách phù hợp để thu hút các nhà đầu tư tài chính.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đồng tình với 6 điểm nhấn phân khu gắn với chức năng phát triển kinh tế, văn hóa trong ý tưởng của liên danh này. Ông Nhân cũng đánh giá cao tính kết nối, tương tác trong ý tưởng được giải nhất như kết nối giao thông, không gian mạng, trong khởi nghiệp sáng tạo… Đặc biệt, lãnh đạo thành phố quan tâm đến kết nối giữa khu phía Đông và phần còn lại của thành phố, khu Đông Nam Bộ và thế giới.

Dù vậy, lãnh đạo thành phố gợi ý nên bổ sung các phân khu phục vụ chức năng sống. "Các phân khu phân tán nhưng phải trả lời câu hỏi một triệu người, hai triệu người ở đâu hôm nay và 20 năm nữa ở đâu. Năm 2022 có nhà đầu tư đến khu đô thị phía Đông ở đâu", ông Nhân đặt vấn đề. Ông chia sẻ đây có thể là khu đô thị đột phá về chức năng ở.

Ông Nhân gợi ý về mô hình nhà ở theo chu kỳ đời người. Lấy ví dụ khi đi làm, hai vợ chồng trẻ chưa có con có thể không cần căn hộ lớn nhưng nhu cầu nhà ở sẽ khác khi có con nhỏ.  Nhu cầu nhà ở cũng thay đổi khi con lớn, ra ở riêng. Vì vậy, ông cho rằng mua một căn nhà để ở cả đời không phù hợp. Bí thư Nhân nêu ý tưởng thay vì mua một căn nhà ở cả đời, người dân ở đây có thể đóng tiền vào một công ty để mua quyền có nhà ở. Ngôi nhà không cô định, 10 năm sau có thể đổi sang một căn khác phù hợp với nhu cầu thực tế. "Những người có nhà trong thành phố, họ góp nhà thành quỹ nhà", ông Nhân nêu ý tưởng trong việc cung cấp nhà ở phù hợp cho cả nhà đầu tư nước ngoài cần nơi ở cơ động.

Về ý tưởng xây dựng chính quyền tập trung cho khu đô thị phía Đông gồm cả ba quận, Bí thư Nhân đồng tình. Ông tiết lộ, năm 2020 sẽ trình đề án chính quyền đô thị TP.HCM, trong đó đề xuất hình thành đơn vị hành chính riêng cho khu vực này. "Nếu được Quốc hội thông qua, từ năm 2021 trở đi sẽ có một bộ máy chính quyền phù hợp cho khu đô thị phía Đông", ông Nhân nói và lý giải để thống nhất không chỉ về kinh tế mà cả mặt hành chính. Trước mắt khi chưa có chính quyền chung cho đô thị sáng tạo, thành phố sẽ có một ban chỉ đạo riêng cho khu vực này.

Bên cạnh đó, ông Nhân cũng đánh giá cao những ý tưởng của 5 dự án còn lại trong cơ cấu giải của cuộc thi và cho rằng đây là những gợi ý quan trọng cho sự phát triển mà thành phố cần tận dụng.

"Nền là dự án của Sasaki - Encity nhưng ở trên còn 5 lớp, mỗi dự án là một lớp. Những yếu tố tinh túy nhất sẽ chồng lên lớp nền để bổ sung thích hợp cho nhau, không mâu thuẫn", Lãnh đạo thành phố cho biết sẽ đưa ra phương án cuối cùng dựa trên các ý tưởng, chuyển dần thành ngôn ngữ quy hoạch.

Ngay từ 2019, mọi quy hoạch đầu tư của 3 quận Thủ Đức, Quận 2, Quận 9 đều phải được giám sát đồng bộ để khi hình thành khu sáng tạo, tương tác cao không gặp vướng mắc. Đặc biệt, ông Nhân cho rằng cần phải giữ tự nhiên. Vị Bí thư kỳ vọng năm 2021 có thể bắt tay vào triển khai cụ thể xây dựng khu đô thị phía Đông.

minhtam
Bạn đang đọc bài viết "Xây dựng khu đô thị sáng tạo phía Đông TP.HCM" tại chuyên mục Khoa học quản lý.