Vốn xã hội ở Việt Nam: một nguồn lực cho quản lý nhà nước về kinh tế – xã hội

TS. Phan Duy Quang - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và TS. Phan Minh Đức - Học viện Báo chí và Tuyên truyền

20/01/2022 19:36

Vốn xã hội là một khái niệm tương đối mới mẻ trong hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, ở Việt Nam vai trò của vốn xã hội đến với tăng trưởng kinh tế đang được quan tâm, chú trọng hơn. Bài viết xem xét vốn xã hội với tư cách là nguồn lực quan trọng, đồng thời còn nhiều tiềm năng đối với phát triển kinh tế – xã hội đất nước trong giai đoạn hiện nay, trong đó đặc biệt nhấn mạnh lĩnh vực quản lý nhà nước đối với nguồn lực này.

Khái niệm về vốn xã hội

Vốn xã hội (VXH) là khái niệm mới nổi trong đời sống quốc tế và đang được quan tâm tìm hiểu, vận dụng nhiều hơn trước. Ở Việt Nam, vai trò của VXH đối với tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế – xã hội cũng đang được lưu tâm, chú trọng hơn. Trong quá trình nước ta đang đổi mới về thể chế kinh tế – chính trị, mô hình phát triển kinh tế – xã hội, hệ thống thị trường và hệ thống luật pháp chưa kiện toàn nên vai trò điều tiết của chúng không phải lúc nào cũng hiệu quả và kịp thời đối với đời sống kinh tế, VXH có thể giúp khỏa lấp những khoảng trống, bù đắp những bất cập nảy sinh từ tình hình trên.

Việc phát triển VXH góp phần gia tăng yếu tố tín nhiệm xã hội đối với việc xây dựng một môi trường xã hội tích cực, góp phần hóa giải các mâu thuẫn xã hội, hài hòa các lợi ích xã hội, cải thiện mạng lưới các quan hệ xã hội ngày càng đa nguyên và đan xen phức tạp. Về tổng thể, góp phần thúc đẩy hình thành một trật tự, một đời sống xã hội lành mạnh, hài hòa và nhân văn hơn. Như vậy, nghiên cứu VXH và các khía cạnh kinh tế – xã hội của nguồn vốn này đối với sự phát triển của một quốc gia là điều cần thiết.

Từ góc nhìn của quản lý nhà nước, việc đưa ra những chính sách nhằm hiện thực hóa sự đóng góp của VXH đối với kinh tế – xã hội cũng là một điều cần lưu tâm. Đối với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc tận dụng các nguồn lực phát triển là điều hiển nhiên, nhưng các nguồn lực ấy sẽ khó có thể phát huy hết vai trò của mình nếu Nhà nước không quan tâm tới việc tận dụng thêm một nguồn lực vô hình nhưng lại có sức mạnh kết nối to lớn là VXH.

Tiếp cận khái niệm VXH từ góc độ kinh tế – xã hội chủ yếu quan tâm đến mối quan hệ giữa VXH và tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế – xã hội; coi VXH như một loại vốn, một loại nguồn lực đầu vào. Trong VXH thì sự tín nhiệm lẫn nhau là yếu tố hạt nhân, bởi lẽ, chỉ khi sự tín nhiệm dành cho nhau đạt mức độ cao thì các chủ thể mới có thể gạt bỏ các trở ngại, thách thức, hợp tác đạt kết quả cao. Chúng ta có thể hiểu rằng, VXH đã góp phần thiết lập một niềm tin chung trong cộng đồng kinh tế, khiến cho các quy tắc hành xử được thống nhất với những giá trị chung, thúc đẩy các thể chế chính trị phát huy chức năng của mình một cách tốt nhất và tạo điều kiện giảm chi phí cho các giao dịch về kinh tế để sử dụng tối ưu các nguồn lực khác trong xã hội cho sự phát triển bền vững của một quốc gia, dân tộc.

Ngày nay, VXH còn được mở rộng ra trên những không gian số hóa khi internet trở thành một phần của cuộc sống, của sự tương tác và kết nối giữa các cộng đồng với nhau. Chính vì vậy, khái niệm “vốn xã hội trực tuyến” ra đời (Kane X. Faucher, 2018). Khái niệm này cho thấy, VXH còn có thể tồn tại thông qua các trao đổi trực tuyến một cách ngẫu nhiên trong cộng đồng mạng, đôi lúc được thể hiện thông qua các con số về số người theo dõi, số lần theo dõi, số lần thích thông điệp. Về phần mình, quá trình tương tác đó sinh ra dữ liệu phục vụ cho chủ sở hữu của nền tảng mạng lưới xã hội ấy khi họ có thể khai thác, tìm kiếm doanh thu và lợi nhuận thông qua công sức lao động trực tuyến của người dùng.

Thực trạng và xu hướng vận động của vốn xã hội ở nước ta hiện nay

(1) VXH truyền thống. VXH truyền thống xây dựng trên nền tảng xã hội nông nghiệp, biểu hiện chủ yếu ở quan hệ huyết thống, họ hàng thân thích, quê quán; lấy tư tưởng luân lý và quy phạm đạo đức Á Đông, Nho giáo làm định hướng giá trị cơ bản; mang đặc điểm ngôi thứ, đẳng cấp và tương đối khép kín.

VXH truyền thống (gia tộc và mở rộng ngoài gia tộc) mang đặc điểm trung tâm – ngoại biên. Tức là, trong mạng lưới quan hệ thân hữu, các cá nhân lấy bản thân làm trung tâm và hình thành nên mạng lưới phức hợp có sự phân định (ngầm định hoặc công khai) trên dưới, thân sơ, sang hèn; và về cơ bản càng gần trung tâm thì mức độ tín nhiệm càng cao, càng ra xa trung tâm thì mức độ tín nhiệm giảm dần.

(2) VXH hiện đại. VXH hiện đại gắn với những tổ chức, nhóm, mạng lưới xã hội hiện đại. VXH hiện đại có các hình thức tồn tại cụ thể như VXH gắn với nơi công tác (chủ yếu thể hiện ở mạng lưới quan hệ nghề nghiệp hình thành giữa các cá nhân cùng đơn vị công tác), VXH gắn với các trang mạng xã hội trực tuyến, VXH gắn với tư cách công dân…; được xây dựng trên nền tảng các quan hệ lợi ích chung nảy sinh trong nội bộ các nhóm cộng đồng xã hội hoặc giữa các nhóm cộng đồng xã hội với nhau và trên nền tảng nghĩa vụ, quyền lợi công dân. Ở đây, VXH thể chế được định nghĩa là tổng hòa những mạng lưới quan hệ xã hội giữa người và người mang tính thể chế, được hình thành dưới chế độ chính trị – kinh tế – xã hội của Việt Nam và được pháp luật Việt Nam công khai thừa nhận và bảo hộ; cùng với tổng thể mạng lưới đó là sự tín nhiệm xã hội và quy phạm xã hội tương ứng. Nhìn chung, theo một ý nghĩa nào đó, VXH hiện đại có thể được xem là VXH kiểu tổ chức – đoàn thể.

(3) Xu hướng vận động. Việt Nam đã và đang trong quá trình chuyển đổi, cải biến mô hình phát triển kinh tế – xã hội một cách mạnh mẽ, sâu rộng. Về mặt thể chế kinh tế – chính trị, từ sau Đại hội lần thứ VI (năm 1986) của Đảng, đất nước đã và đang chuyển mình mạnh mẽ từ nền kinh tế kế hoạch tập trung, bao cấp thành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự điều tiết của Nhà nước, cùng với đó là những thay đổi kinh tế – xã hội khác. Hạ tầng kinh tế – kỹ thuật đã và đang được từng bước nâng cấp từ nền kinh tế nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thành nền kinh tế công nghiệp, dịch vụ theo hướng hiện đại và tiến tới số hóa ngày càng sâu rộng, toàn diện. Chịu sự quy định của bối cảnh trên, VXH ở nước ta hiện nay tồn tại nhiều loại hình khác nhau (cả truyền thống và hiện đại); hơn nữa đang diễn ra sự vận động tương ứng.

Những diễn tiến lớn về thể chế kinh tế – chính trị, về mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế – xã hội, sự phát triển lấn lướt của mô hình gia đình hạt nhân so với mô hình gia đình đa hệ truyền thống, sự đa dạng phong phú của các mạng lưới xã hội, các loại hình quan hệ xã hội nảy sinh từ quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế – xã hội sâu rộng nêu trên, sự phát triển của xã hội công dân hiện đại buộc VXH truyền thống phải nhượng bộ không nhỏ về quy mô và ảnh hưởng cho VXH hiện đại. VXH truyền thống tuy vẫn chiếm vị thế nổi bật, không thể thiếu, nhưng có chiều hướng suy giảm ảnh hưởng trong tương quan so sánh với VXH hiện đại. VXH hiện đại tuy đang phát triển manh nha, nhưng về dài hạn là một khuynh hướng không thể đảo ngược. Xét trong dài hạn, dạng thức hiện đại của VXH ngày càng phát triển thành chủ lưu bên cạnh dạng thức truyền thống vốn chiếm vị thế chủ đạo.

Tác động của vốn xã hội đến phát triển kinh tế xã hội ở nước ta

Lâu nay, vốn tiền tệ, vốn vật thể, vốn kỹ thuật, vốn con người lần lượt được xem là các yếu tố then chốt đối với phát triển kinh tế – xã hội, hiện nay, VXH cũng cần được xem là yếu tố nền tảng đối với sự ổn định và phát triển vĩ mô của nước nhà trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đóng góp quan trọng của VXH không chỉ biểu hiện ở sự gia tăng của cải ở các cá nhân, mà còn thể hiện ở sự tăng trưởng kinh tế, nâng tầm kết cấu kinh tế quốc dân và nâng tầm tổng thể đời sống kinh tế – xã hội. VXH ở nước ta đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua một số kênh như thúc đẩy tích lũy vốn con người, thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính và đẩy nhanh sáng tạo kỹ thuật. Cũng cần lưu ý rằng, VXH ở các địa phương khác nhau góp phần khác nhau đối với tăng trưởng kinh tế địa phương. VXH có thể ảnh hưởng đến một doanh nghiệp, một nhóm doanh nghiệp, một địa bàn, một khu vực, một nhóm ngành, nghề, đến đời sống kinh tế – xã hội vĩ mô và đến cả quá trình phát triển thể chế theo cả cách tích cực lẫn tiêu cực. Sự thành công của kinh tế quốc dân và sự thịnh vượng của đời sống kinh tế – xã hội không chỉ được quyết định bởi năng lực chỉ đạo, điều hành vĩ mô của Nhà nước mà còn phụ thuộc vào mức độ tích lũy và phát triển chín muồi của VXH.

Trong các loại VXH, VXH thể chế là một nguồn vốn phản ánh được xu thế phát triển của thời đại. Sự phát triển của một quốc gia hiện đại, trong đó nền dân chủ, pháp luật, khoa học – công nghệ, xã hội công dân… được đề cao, làm cho VXH thể chế có vai trò ngày càng quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế – chính trị – xã hội. Trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, VXH thể chế sẽ ngày càng phát triển, tiếp tục thể hiện vai trò rõ hơn, quan trọng hơn; và do vậy nó cần được tiếp tục quan tâm, đề cao, vun đắp, bồi dưỡng nhiều hơn nữa. Chất lượng của VXH thể chế gắn liền với chất lượng của thể chế nói chung. Các tiến bộ về thể chế kinh tế – chính trị – xã hội sẽ góp phần cải thiện và nâng tầm chất lượng của VXH thể chế, và ngược lại VXH thể chế với chất lượng tốt hơn sẽ có giá trị thúc đẩy tích cực, to lớn hơn đối với sự phát triển thịnh vượng của nước nhà.

Một số giải pháp liên quan đối với vốn xã hội

Một là, nhóm giải pháp về dân trí, xã hội công dân, đồng thuận dân tộc.

Cần phải tiếp tục nâng cao dân trí, thúc đẩy các tổ chức chính trị – xã hội, hiệp hội ngành nghề, đoàn thể quần chúng, nhóm hội, câu lạc bộ của những người chung lợi ích, cùng sở thích, chí hướng hoạt động và phát triển trong khuôn khổ pháp luật, chia sẻ lợi ích và cơ hội phát triển; tiếp tục thúc đẩy xã hội công dân phát triển lành mạnh, đúng hướng. Phản ứng nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ đối với đại dịch Covid-19 không chỉ cho thấy năng lực chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, mà còn góp phần gia tăng đồng thuận xã hội. Điều này có lợi cho việc thúc đẩy phát triển VXH trên bình diện vĩ mô, tạo thêm đà và động lực để Chính phủ và người dân vượt qua các thách thức, khó khăn do đại dịch gây ra. Nhìn rộng hơn, cần phải tạo sự đồng thuận dân tộc lên một tầm cao mới, để lời hiệu triệu và tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau” và “biến nguy thành cơ” trở thành bản lĩnh Việt Nam trong tình hình mới. Sự tận tụy của người dân đối với gia đình, dòng tộc cần được chuyển hóa thành sự tận tụy của công dân đối với sự phát triển chung của cộng đồng, của xã hội, của đất nước.

Hai là, nhóm giải pháp về thể chế, pháp chế.

VXH là một cách tiếp cận bổ sung, hữu ích khi đánh giá năng lực điều hành của chính quyền các cấp. Cần phải xem sự phát triển lành mạnh của VXH là một tiêu chí để đánh giá năng lực của chính quyền các cấp. Trên thực tế, Việt Nam đã có những vận dụng cụ thể đối với cách tiếp cận này. Chẳng hạn như, việc đánh giá và công bố Chỉ số hành chính công cấp tỉnh hiện trở thành một sự kiện thường niên thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư và người dân, bởi nó đã được xác lập thành một chỉ báo trực quan quan trọng đối với năng lực điều hành của chính quyền địa phương.

Cần tiếp tục đề cao tính công khai, minh bạch của hoạt động công vụ, qua đó, công dân có nhiều hơn cơ hội bày tỏ ý kiến đóng góp, xây dựng nhằm kiện toàn sự vận hành của nền công vụ, giảm thiểu sự nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ chính quyền đối với hoạt động sản xuất – kinh doanh. Đồng thời, giảm thiểu giá thành và rủi ro của các hoạt động sản xuất – kinh doanh bằng các hành động góp phần kiến tạo sự phát triển lành mạnh của VXH, như: tăng cường xây dựng pháp chế đối lĩnh vực tín dụng, tăng cường kiểm soát môi trường kinh doanh online; bên cạnh đó, cần phải tiếp tục kiện toàn thị trường vốn, thị trường lao động, thị trường hàng hóa.

Ba là, nhóm giải pháp liên quan đến quản lý nhà nước về VXH.

Quản lý nhà nước về VXH cần tập trung vào ba trụ cột chính để tạo lập được sự tin cậy và cảm thông lẫn nhau trên bình diện toàn xã hội. Ba trụ cột là: (1) Văn bản pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực được lồng ghép tư tưởng về xây dựng nguồn VXH cho đất nước phải được tuyên truyền một cách hấp dẫn hơn; (2) Công tác quản lý luôn phải chú trọng đến sức mạnh nội tại của tình đoàn kết của người dân cả nước để luôn thúc đẩy tinh thần dân tộc trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp; (3) Việc thống kê, đo lường, đánh giá nguồn vốn về tinh thần trong phát triển kinh tế, duy trì ổn định chính trị – xã hội phải được thực hiện thường xuyên, trở thành phương châm hành động của bất kỳ cấp quản lý nhà nước nào trong mỗi nhiệm kỳ để bảo đảm tính kết nối xuyên suốt.

Như vậy, quá trình quản lý ở đây không chỉ tập trung vào những hành động của chủ thể quản lý nhằm thay đổi cách tư duy và thực hiện các hoạt động kinh tế – xã hội của các đối tượng quản lý mà còn liên quan rất nhiều đến khách thể của quá trình quản lý nhà nước. Khách thể đó là hành vi của con người và các quá trình xã hội trong một quốc gia. Đây cũng là cách thức góp phần đổi mới quá trình quản lý nhà nước với VXH ở đất nước ta.

Tài liệu tham khảo:
1. Francis Fukuyama, 1997. Social Capital: The tanner lectures on human values. Oxford: s.n.
2. John Field, 2008. Social Capital. 2nd ed. Abingdon: Routledge, Taylor & Francis Group.
3. Kane X. Faucher, 2018. Social Capital Online: Alienation and Accumulation. 1st ed. London: University of Westminster Press.
4. Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Lê Hoàng Thụy,  Tố Quyên. Vốn xã hội và tăng trưởng kinh tế. Tạp chí Khoa học Trường Đại học mở TP. Hồ Chí Minh, 2014, 36(3), tr. 5.
5. Putnam Robert D., 2003. The Prosperous Community: Social Capital and Public Life. The American Prospect. Northampton, MA: Edward Elgar Publishing.
 

TS. Phan Duy Quang - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và TS. Phan Minh Đức - Học viện Báo chí và Tuyên truyền