Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng Tám có vốn đăng ký đạt 13,5 tỉ đồng, tăng 46,7% so với cùng kỳ 2018 - theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Số liệu từ Bộ kế hoạch và Đầu tư cho thấy trong tháng Tám, có trên 11 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới, giảm 4,1% so với cùng kỳ. Tháng Tám năm nay là tháng Bảy âm lịch, là thời gian các nhà đầu tư hạn chế khởi sự kinh doanh, mua bán tài sản lớn,… theo tập tục Á Đông.
Gần 90% số các doanh nghiệp thành lập mới trong tám tháng thuộc nhóm dưới 10 tỉ đồng vốn đăng ký, chỉ một lượng rất nhỏ, 1,4% tổng số doanh nghiệp có vốn đăng ký trên 100 tỉ đồng.
Các doanh nghiệp mới thành lập trong tám tháng đầu năm chủ yếu thuộc khu vực dịch vụ, chiếm trên 70% về số lượng và xấp xỉ con số đó về vốn đăng ký. Phân theo ngành, bán buôn bán lẻ và sửa ô tô xe máy là ngành thu hút nhiều doanh nghiệp mới thành lập nhất, chiếm gần một phần ba.
Theo quy định của Chính phủ, hầu hết các loại hình kinh doanh từ cấp độ hộ gia đình trở lên đều phải đăng ký kinh doanh trừ các hoạt động nông lâm ngư nghiệp, làm muối của hộ gia đình, hay buôn bán hàng rong không có địa điểm cố định… Tuy nhiên, một hộ kinh doanh thông thường, cho dù có đăng ký kinh doanh, vẫn không được gọi là doanh nghiệp và không có tư cách pháp nhân mặc dù khu vực này tạo ra gần một phần ba GDP cả nước, theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đưa ra một số ưu đãi cho các hộ kinh doanh khi chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp như miễn thuế môn bài, hướng dẫn miễn phí thủ tục về thuế trong ba năm… Tuy nhiên rào cản về các thủ tục kê khai, quyết toán thuế, lập báo cáo tài chính, lưu giữ hoá đơn… khiến hầu hết các hộ kinh doanh ngại chuyển đổi cho dù là doanh nghiệp với tư cách pháp nhân đầy đủ sẽ giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong tiếp cận vay vốn, thuê mướn lao động…