Vingroup dừng dự án Vinpearl Air

minhtam

14/01/2020 16:01

Vingroup dừng dự án vận tải hàng không Vinpearl Air, song vẫn duy trì trường đào tạo hàng không.

Ngày 14.1, Tập đoàn Vingroup ra thông cáo rút khỏi mảng hàng không, dừng dự án lập hãng hàng không Vinpearl Air. Văn bản vừa được Tập đoàn này gửi lên Bộ Giao thông vận tải.

Vingroup cho hay, quyết định trên không ảnh hưởng đến mảng đào tạo phi công do Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành Hàng không VinAviation đảm nhiệm. Khoá Đào tạo đang triển khai vẫn tiếp tục được duy trì với đầy đủ những cam kết đã có với học viên. Đồng thời, Vingroup khẳng định vẫn tiếp tục tham gia các dự án xây dựng, cải tạo hạ tầng hàng không.

“Thị trường Hàng không Việt Nam rất tiềm năng và đang phát triển mạnh, nhưng cũng có các công ty lớn đang tham gia. Việc Vingroup đầu tư mạnh vào hàng không có thể dẫn đến dư thừa nguồn cung, gây lãng phí cho xã hội, đồng thời chúng tôi cũng cần tập trung nguồn lực cho việc phát triển mảng Công nghệ - Công nghiệp của mình, vì vậy chúng tôi quyết định rút lui”, ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết trong thông cáo báo chí.

Sân bay Nội Bài - nơi từng được Vinpearl Air chọn làm sân bay căn cứ. Ảnh: ACV.
Sân bay Nội Bài - nơi từng được Vinpearl Air chọn làm sân bay căn cứ. Ảnh: ACV.

Quyết định dừng dự án của Vingroup được đưa ra sau khoảng hai tuần khi Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề nghị Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương thành lập hãng hàng không Vinpearl Air. Tổng vốn đầu tư của hãng này dự kiến khoảng 4.700 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu chiếm 28%. Đây là bước gần cuối trong lộ trình cấp phép bay.

Vingroup khẳng định đang nhất quán trong việc tập trung tối đa nguồn lực cho mục tiêu chiến lược là công nghệ (VinSmart) và công nghiệp (VinFast) của tập đoàn này. Cuối năm 2019, Vingroup cũng rút khỏi lĩnh vực bán lẻ bằng cách chuyển nhượng VinMart, VinMart+ cho Masan, đóng cửa VinPro và sáp nhập Adayroi vào VinID.

Sau khi Vingroup rút lui, thị trường hàng không còn hai hãng Vietravel Airlines và Kite Air đang chờ cấp phép. Việt Nam là một trong những thị trường hàng không hấp dẫn nhất thế giới, theo đánh giá của Tổ chức thông tin hàng không quốc tế OAG.

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là điểm cất/hạ cánh và điểm đỗ tại các sân bay đang dần trở nên quá tải. Tất cả các cảng hàng không hiện có 401 điểm đỗ để khai thác và đỗ qua đêm. Tuy nhiên hai sân bay lớn nhất là sân bay Nội Bài (Hà Nội) và sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đều không còn điểm đỗ (sân bay Nội Bài sẽ hết trong thời gian tới).

Đường bay Hà Nội - TP.HCM hiện đứng thứ 6 trong số các đường bay nội địa bận rộn nhất thế giới, với tần suất gần 40.000 chuyến mỗi năm, theo báo cáo năm 2019 của OAG. Các hãng bay hiện nay đã khai thác gần hết công suất của đường bay này, là nguyên nhân chính gây tắc nghẽn sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Tốc độ tăng trưởng lượng khách nội địa đang giảm dần. Thay vì hơn 20% trong giai đoạn trước năm 2016, đến nay, tăng trưởng khách nội địa ở vào khoảng trên 10% - theo số liệu từ Tổng Cục Hàng không Việt Nam. Một nhân sự cấp cao trong ngành hàng không dự báo tỷ lệ tăng trưởng sẽ chỉ còn một con số trong vài năm tới. Các hãng hàng không đang tích cực mở đường bay quốc tế mới, mở rộng thị trường.

Cạnh tranh trong ngành hàng không không chỉ đến từ cơ sở hạ tầng quá tải. Việt Nam đang là thị trường hấp dẫn các hãng bay nước ngoài. Hết năm 2018, 68 hãng nước ngoài nắm tới 57% thị phần vận chuyển hành khách quốc tế và gần 87% thị phần hàng hóa.

Thái Hoàng

minhtam
Bạn đang đọc bài viết "Vingroup dừng dự án Vinpearl Air" tại chuyên mục Khoa học quản lý.