Ngày 24/6, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - mã chứng khoán: HVN) vừa công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2022. Theo kế hoạch đại hội sẽ được tổ chức vào ngày 28/6 tại Hà Nội.
Theo tài liệu họp mới được công bố, năm nay, Vietnam Airlines đặt kế hoạch doanh thu công ty mẹ 45.252 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù doanh thu tăng, công ty vẫn dự kiến lỗ 9.335 tỷ đồng trong năm nay, giảm 23,5% so với khoản lỗ năm trước. Bên cạnh đó, Vietnam Airlines cũng lên kế hoạch vận chuyển 17 triệu khách cùng 271.200 tấn hàng hóa.
Tại đại hội cổ đông thường niên, Vietnam Airlines cũng trình cổ đông thông qua bổ sung điều khoản về việc chuyển nhượng vốn ra ngoài Vietnam Airlines. Cụ thể, việc chuyển nhượng các khoản đầu tư vốn ra ngoài công ty, bao gồm cả việc chuyển nhượng quyền mua cổ phần, quyền góp vào Công ty Cổ phần, công ty TNHH thực hiện theo quy định, đảm bảo các nguyên tắc tuân thủ Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước; phản ánh đầy đủ giá trị doanh nghiệp bao gồm cả giá trị quyền sử dụng đất và bảo đảm nguyên tắc thị trường.
Với việc bổ sung điều lệ trên, nhiệm vụ trọng tâm của Vietnam Airlines năm nay đó chính là tập trung vào việc tái cơ cấu danh mục đầu tư. Trong đó doanh nghiệp hàng không này sẽ hoàn thành việc tái cơ cấu Pacific Airlines, thanh lý tài sản, bán và cho thuê máy bay, tái cơ cấu nguồn vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu và trái phiếu, cùng với đó là chuyển nhượng, thoái vốn tại một số doanh nghiệp thành viên. Hiện Vietnam Airlines có 19 công ty con và 2 công ty liên kết.
Về việc tái cơ cấu cổ đông Pacific Airlines, HĐQT Vietnam Airlines cho biết đã chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp duy trì hoạt động trong thời gian tìm kiếm nhà đầu tư mới tham gia tái cơ cấu Pacific Airlines. Vietnam Airlines cũng tiết lộ đến tháng 6/2022, tình hình tài chính của Pacific Airlines rất nghiêm trọng, dòng tiền bị thiếu hụt, nợ quá hạn lớn đe dọa mất khả năng thanh toán và phải chấm dứt hoạt động. Theo Vietnam Airlines quy trình lựa chọn nhà đầu tư vẫn gặp nhiều vướng mắc cơ chế, chính sách quy định hiện hành với doanh nghiệp nhà nước.
Trước đó, Vietnam Airlines đã hoàn thành Đề án tái cơ cấu công ty và đã gửi báo cáo lấy ý kiến các cổ đông Nhà nước và các cấp có thẩm quyền trước khi hoàn thiện để báo cáo Đại hội đồng cổ đông thông qua. Các giải pháp bổ sung lợi nhuận và nguồn vốn chủ sở hữu được xây dựng trong đề án gồm 3 nhóm giải pháp lớn:
Thứ nhất, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nhanh chóng phục hồi và cải thiện hoạt động kinh doanh, giảm tối đa mức lỗ trong hoạt động kinh doanh vận tải trong giai đoạn thị trường chưa phục hồi hoàn toàn (2022-2023) và tiến tới có lãi trong các năm sau.
Thứ hai, tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền. Theo đó, Vietnam Airlines sẽ triển khai bán hoặc bán và thuê lại các tàu bay cũ; thoái vốn, chuyển nhượng vốn đối với một số danh mục đầu tư tài chính. Giải pháp này sẽ được thực hiện chủ yếu từ 2022-2024.
Thứ ba, HVN dự kiến phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu, dự kiến thực hiện trong năm 2023 - 2024.
Về tình hình kinh doanh, HĐQT Vietnam Airlines đánh giá sau 2 năm dịch Covid-19 bùng phát, năm 2022 sẽ có nhiều khởi sắc đối với ngành hàng không Việt Nam. Việc nối lại các đường bay nội địa và quốc tế thường lệ không chỉ giúp ngành hàng không duy trì hoạt động vận chuyển hành khách mà cũng góp phần tháo gỡ khó khăn cho công ty, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế.