Theo thống kê của Google và Temasek 2019, chỉ có khoảng 30% người dân Việt Nam trên độ tuổi lao động có tài khoản ngân hàng. Trong đó, chỉ mới có 21% người có thể truy cập được đầy đủ các dịch vụ tài chính (Banked) và 9% người có tài khoản ngân hàng nhưng chưa tiếp cận hết các dịch vụ ngân hàng như tín dụng, đầu tư hay bảo hiểm (Underbanked). Phần còn lại, tương ứng với hơn 69% dân số trên độ tuổi lao động chưa có tài khoản ngân hàng (Unbanked), cao nhất trong số sáu nước có nền kinh tế số lớn ở khu vực Đông Nam Á.
Trong khi đó, tỉ lệ dân số trên độ tuổi lao động chưa có tài khoản ngân hàng của Thái Lan cũng chỉ chiếm 18%. Tại Malaysia, chỉ còn khoảng 14% dân số trên độ tuổi lao động chưa có tài khoản ngân hàng, trong khi tại Singapore tỉ lệ này bằng không.
Theo đánh giá của Google, một số nguyên nhân chính dẫn đến việc số lượng người trưởng thành vẫn chưa tiếp xúc các dịch vụ tài chính là do hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém dẫn đến chi phí xây dựng và vận hành các chi nhánh tài chính cao, các tổ chức tài chính không thể đem toàn bộ các dịch vụ đến với người dùng.
Ngoài ra, các quốc gia cũng thiếu những yếu tố cơ bản giúp tổ chức tài chính mở rộng dịch vụ như hệ thống đăng kí công cộng, hệ thống nhận diện và các dịch vụ tín dụng tin cậy. Hoạt động ngân hàng tại một số nước cũng chịu sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước.
Theo kết quả khảo sát trong một báo cáo của hãng kiểm toán Grant Thornton, fintech (tài chính công nghệ) là lĩnh vực ưu tiên số một mà các nhà đầu tư vốn cổ phần tư nhân (PE) vào Việt Nam trong thời gian tới.
Dâng Phạm