Việt Nam đẩy mạnh phòng vệ thương mại với ngành thép

thunguyen

03/10/2019 07:17

Bộ Công thương vừa ra thông báo tiến hành các bước điều tra trong vụ việc áp thuế chống bán phá giá với một số loại thép nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

“Thép đang là mặt hàng bị xem xét phòng vệ thương mại nhiều nhất ở nước ta - kể cả xuất và nhập khẩu” - ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam nói với Tạp chí Nhà Quản lý. Phòng vệ thương mại, bao gồm các loại thuế đánh vào hàng nhập khẩu, là cách mà các quốc gia đang sử dụng để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, bao gồm thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và biện pháp tự vệ khác.

Tại Việt Nam, trong khi các sản phẩm thép xuất khẩu bị các quốc gia nhập khẩu kiện phòng vệ thương mại, thì các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra các biện pháp phòng vệ thoả đáng cho nền sản xuất trong nước, ông Đa nhận định.

Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu trên 6 triệu tấn thép, thu về 4,55 tỉ USD, tăng 44,5% so với năm 2017. Tuy nhiên, Việt Nam nhập tới 13,5 tấn thép các loại (nguyên liệu và thành phẩm) trị giá gần 10 tỉ USD, tăng 9% - theo Tổng cục Hải quan.

Tính riêng năm 2017, có tới 80% sản phẩm thép do Việt Nam sản xuất bị kiện phòng vệ thương mại - theo báo cáo của Cục phòng vệ thương mại - Bộ Công thương. Đại diện bộ phận pháp chế của một doanh nghiệp sản xuất thép cho rằng, tỷ lệ hiện tại ở vào khoảng 70% - vẫn là một con số rất cao, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu thép trở nên e ngại.

Mới đây, Mỹ đã áp thuế chống bán phá giá trên 450% với thép chống gỉ và thép cán nguội của Việt Nam có xuất xứ từ Hàn Quốc và Đài Loan vì nghi ngờ hai quốc gia này đã né thuế khi lấy Việt Nam làm trung gian xuất khẩu sang Mỹ.

Sản lượng thép của Việt Nam đứng thứ 17 trên thế giới với 14,5 triệu tấn thép năm 2018. Chính sách bảo hộ của các quốc gia nhập khẩu, và sự dư thừa nguồn cung đối với một số sản phẩm thép tại Việt Nam đã đặt ra thách thức to lớn với ngành thép.

Cuối tháng Chín, Bộ Công thương vừa ra quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá với một số sản phẩm nhôm thanh đùn ép có xuất xứ từ Trung Quốc. Theo thống kê của Bộ Công thương, tỷ trọng và khối lượng nhập khẩu nhôm thanh đùn ép từ Trung Quốc đã tăng mạnh trong thời gian qua.

(Nguồn: Bộ Công thương)
(Nguồn: Bộ Công thương)

Ngoài ra, trước đó hai tuần, Mỹ vừa đưa kết luận sơ bộ cho thấy sản phẩm này của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đang lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp mà Mỹ đã áp với hàng Trung Quốc. Mỹ đã đánh thuế tới 374% cho sản phẩm nhôm thanh đùn ép xuất xứ từ Việt Nam. Trong khi đó, mức thuế chống bán phá giá mà Việt Nam áp dụng với hàng Trung Quốc chỉ ở mức từ 2,49% đến 35,58%.

Hạn chế về luật cùng những khoảng cách giữa đề ra, thực thi luật định khiến các doanh nghiệp/hiệp hội nghề nghiệp tại Việt Nam phản ứng chậm trễ trong việc bảo hộ ngành sản xuất trong nước. Các quốc gia phát triển với hệ thống pháp luật chặt chẽ, quy trình đưa quyết định rõ ràng, đã nhanh chóng đưa ra những quyết định điều tra và phòng vệ thương mại.

Mỹ là quốc gia có sản lượng thép đứng thứ tư thế giới, theo thống kê của Hiệp hội thép thế giới. Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, nước đang chiếm quá nửa sản lượng thép toàn cầu - đã biến ngành thép thế giới trở nên dễ tổn thương hơn cả, khi Mỹ nỗ lực ngăn chặn thép nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia liên quan như Việt Nam.

Thị phần thép thế giới (Nguồn: Worldsteel)
Thị phần thép thế giới (Nguồn: Worldsteel)

Việc bảo hộ ngành thép tại Mỹ đã bắt đầu từ cuối thế kỷ 18, khi các lò luyện sắt đầu tiên mọc lên tại bang Pennsylvania. Cho đến bây giờ, khi ông Donald Trump lên nắm quyền với khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết” - các chính sách bảo hộ lại càng được thực thi gắt gao. “Không có thép thì không có đất nước” - ông Trump từng đưa ra nhận định về các mức thuế được chính quyền đưa ra.

Minh Thư

thunguyen