Vì đâu mà thương hiệu Viettel được định giá gần 9 tỷ USD, vượt cả Qualcomm, Spotify, và Lenovo?

Duy Nhi

07/02/2022 15:31

Báo cáo mới nhất của Brand Finance, công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới, cho thấy giá trị thương hiệu của Viettel đã tăng đến 44% và tăng 99 bậc trong bảng xếp hạng 500 thương hiệu có giá trị nhất trên thế giới, đồng thời trở thành thương hiệu viễn thông giá trị nhất Đông Nam Á.

Với mức tăng trưởng ấn tượng này, Viettel hiện đang được định giá lên đến 8,758 tỷ USD, là thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam, đứng thứ hai ASEAN và thứ 227 trên thế giới, theo Bảng xếp hạng 500 thương hiệu toàn cầu mới nhất năm 2022 do Brand Finace công bố.

Mức định giá của Viettel thậm chí còn vượt cả những tên tuổi hàng đầu như Qualcomm (Mỹ), Nestlé (Thuỵ Sĩ), Spotify (Thuỵ Điển), Lenovo (Trung Quốc), và Claro (Mexico).

viettel-1644209277.jpeg

Viettel cũng là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất nằm trong Top 500 thương hiệu giá trị nhất toàn cầu. Năm 2022, thương hiệu Viettel là thương hiệu viễn thông giá trị nhất tại Đông Nam Á trong bảng xếp hạng này. Indonesia có Telkom Indonesia đứng thứ 490, mới lọt vào danh sách trong năm nay.

Trước đó, năm 2021, thương hiệu Viettel lọt top 500 thương hiệu mạnh nhất thế giới, xếp thứ 325 thế giới, tăng 32 bậc so với năm trước, đồng thời, cũng là thương hiệu viễn thông duy nhất tại Đông Nam Á có mặt trong bảng xếp hạng này.

Cũng trong năm 2021, theo bảng xếp hạng thương hiệu viễn thông Telecoms 150 2021 của Brand Finance, Viettel được định giá trị thương hiệu hơn 6 tỷ USD (tăng 3,4% so với năm 2020), đứng thứ 10 châu Á và thứ 24 trên thế giới, tăng 4 bậc trên toàn cầu so với năm 2020.

Chuyển mình từ một công ty viễn thông trở thành nhà cung cấp dịch vụ số

Theo Brand Finance, giá trị thương hiệu của Viettel đã tăng gấp đôi kể từ khi quyết định chuyển dịch từ một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông thành một doanh nghiệp tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số vào năm 2018.

Trên thực tế, khoảng vài tháng trước khi kết quả định giá thương hiệu được công bố năm 2021, Viettel đã thực hiện thành công cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị do chính mình sản xuất. Sự kiện này không chỉ đưa Viettel mà còn cả Việt Nam vào danh sách các quốc gia hiếm hoi trên thế giới thể hiện khả năng làm chủ công nghệ của tương lai.

Trong một buổi trả lời phỏng vấn tại buổi công bố danh sách các thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, Piyachart Isarabhakdee, CEO của BRANDi - tác giả của cuốn sách nổi tiếng "Branding 4.0" cho biết, ông không ngạc nhiên khi Viettel đứng số 1 trong danh sách Brand Finance.

“Tôi nghĩ là Viettel có thể tận hưởng kỷ nguyên này, đây chính là thời điểm có lợi cho họ, thêm cánh cho việc kinh doanh của họ. Người tiêu dùng đang đòi hỏi nhiều hơn, muốn lên tiếng nhiều hơn, đó chính là cơ hội cho những người đóng vai trò kết nối,” chuyên gia này chia sẻ.

Nhận xét của CEO BRANDi dựa trên một thực tế rõ ràng: Viettel không chỉ đóng vai trò là nền tảng kết nối viễn thông truyền thống mà cũng trở thành người xây dựng các nền tảng 4.0 lớn nhất tại Việt Nam, cũng như mở rộng ra 10 quốc gia khác trên thế giới với mạng 4G, cũng như khả năng áp dụng công nghệ 5G trong tương lai gần, kèm theo các nền tảng số về y tế, giáo dục, thanh toán, giao thông…

Cùng với việc sản xuất và triển khai thành công thiết bị 5G do chính mình sản xuất trên mạng thử nghiệm thương mại vào cuối năm 2020, Viettel thực sự xác lập một cột mốc mới với thế giới về công nghệ. Viettel đưa Việt Nam vào top 6 quốc gia đầu tiên trên thế giới làm chủ công nghệ 5G. Bình luận về cột mốc này, ông Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales Canberra nói với Financial Times, “Công nghệ 5G là biên giới mới và Viettel muốn theo kịp điều đó vì lợi ích riêng của mình trong việc phát triển công nghệ mới.”

Theo tờ Doanh nghiệp & Tiếp thị, GS.TS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng có nhận xét, “Tôi rất ấn tượng về chiến lược chuyển đổi số của Viettel, bởi họ gắn liền với chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam.”

Chuyên gia này chỉ ra 2 điểm nổi bật trong năm 2020 của Viettel. Thứ nhất là các nền tảng phục vụ thanh toán, giáo dục, y tế của họ, tiêu biểu là nền tảng y tế từ xa Telehealth. Tôi rất ấn tượng với tốc độ cập nhật xu thế của họ, đặc biệt là trong bối cảnh Covid-19 đặt ra nhiều bài toán cấp bách về nền tảng. Hai là chiến lược toàn cầu hóa của họ, đặc biệt là việc sản xuất và triển khai thành công thiết bị 5G. Việc 5G được thử nghiệm ở Việt Nam theo đúng kế hoạch và lộ trình chính là một trong những bước tiến tiên phong.

Hướng đến trở thành một thương hiệu toàn cầu

Thay vì chỉ tập trung vào thị trường nội địa và khu vực, Viettel trong nhiều năm qua đã đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài và đã đạt được nhiều thành tựu. Cụ thể là kết quả kinh doanh của công ty cũng tốt nhất trong nhiều năm gần đây, với dòng tiền 333 triệu USD được chuyển về nước và mức lợi nhuận nghìn tỷ từ 10 thị trường quốc tế.

Cũng trong năm qua, tất cả các thị trường đầu tư nước ngoài của Viettel đều tăng thị phần; trong đó tăng mạnh nhất là thị trường Haiti tăng 1,5%, Peru tăng 1,4%. Bốn thị trường vẫn giữ vị trí dẫn đầu là Campuchia, Lào, Đông Timor và Burundi. Thị trường Myanmar đã tiến gần đến vị trí số 1 với 30,8% thị phần.

Đặc biệt, trong năm 2021, Viettel có thêm 05 bằng sáng chế (BSC) mới được bảo hộ độc quyền (BHĐQ) tại Mỹ, nâng tổng số BSC được BHĐQ tại quốc gia này lên con số 9. Đặc biệt, nhiều tác giả của những sáng chế này thuộc thế hệ 9X.

Số lượng BSC được cấp BHĐQ tại Mỹ của Viettel trong năm 2021 bằng số lượng của 4 năm trước cộng lại. Viettel giữ vững vị thế doanh nghiệp Việt Nam duy nhất có sáng chế được bảo hộ độc quyền tại Mỹ liên tục từ năm 2017.  BSC được BHĐQ tại Mỹ được coi là giấy thông hành và cũng là tấm khiên bảo vệ cho các doanh nghiệp khi muốn bước ra thế giới. Những sáng chế được Mỹ bảo hộ sẽ giúp Viettel tạo lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ, giúp các đối tác kinh doanh, nhà đầu tư và cổ đông có cơ sở đánh giá trình độ chuyên môn và năng lực công nghệ của Viettel.

Duy Nhi