Vai trò của đội ngũ trí thức trong phát triển khoa học và công nghệ

Hoàng Ngân

31/05/2022 19:10

Phát triển đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế và xã hội tỉnh Thái Nguyên. Đây là chủ đề của Hội thảo do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên (Liên hiệp hội Thái Nguyên) tổ chức vào ngày 31/5/2022 tại Trường Đại học Kinh tế và Công nghệ Thái Nguyên.

tm-img-alt

Thái Nguyên là trung tâm đào tạo lớn thứ 3 của toàn quốc, đến 31/12/2021, Đại học Thái Nguyên có 2.454 cán bộ, giảng viên; trong đó chức danh Giáo sư là 11 người, Phó Giáo sư là 136 người; số cán bộ có học vị tiến sĩ và tương đương là 696 người; thạc sĩ và trình độ đại học là 1.611 người. Theo thống kê đến 30/6/2021 tổng số cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh là 27.543 người, đang công tác và  hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Số cán bộ khoa học trên 1vạn dân của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2015 - 2017 đạt trung bình 52 người trên 1vạn dân, giai đoạn 2018 - 2020 đạt trung bình 57 người/1vạn dân. Số lượng cán bộ khoa học công nghệ/vạn dân của tỉnh Thái Nguyên cao hơn so với bình quân của cả nước (trung bình cả nước đạt 11- 12 người/1 vạn dân).

Tại Hội thảo, các nhà khoa học và đại biểu đã tập trung thảo luận về thực trạng, vai trò, cơ chế, chính sách phát triển đội ngũ trí thức khoa học công nghệ trên địa bàn Thái Nguyên cũng như những định hướng phát triển đến năm 2030.

TS Đỗ Hàm, Chủ tịch Hội Y học lao động cho biết, hiện nay, Thái Nguyên là tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội tốt, sẽ có thể tự chủ về ngân sách trong tương lai gần. Những thành tựu mà tỉnh Thái Nguyên đạt được trong thời gian qua bên cạnh sự nỗ lực của các cấp chính quyền và nhân dân còn cósự đóng góp tích cực từ đội ngũ trí thức bộ khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ trí thức có trình độ cao ở tỉnh vẫn chưa có sức hút, hấp dẫn đối với sự công hiến đầy đủ. Nhiều trí thức khoa học công nghệ được đào tạo vẫn đi tìm vùng đất mới để phát huy; nhiều trí thức khoa học công nghệ làm việc theo kiểu sự vụ và thiếu sáng tạo, một số không đáp ứng được yêu cầu đề ra. Do vậy đã giảm khả năng đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên.

Còn đối với ý kiến của GS.TS. Phạm Hồng Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên cho hay, các cấp ủy, chính quyền cần tôn trọng và lắng nghe trí thức hơn nữa; những chủ trương, chính sách lớn của tỉnh trước khi thông qua cần lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, của đội ngũ chuyên gia; đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ khi tham gia tư vấn, phản biện xã hội phải thể hiện rõ năng lực, tinh thần trách nhiệm trong công việc để các nhà quản lý có thể nhìn nhận và trân trọng.

Hội thảo là một trong những nội dung quan trọng của nhiệm vụ tư vấn phản biện "Tư vấn, phản biện các cơ chế, chính sách về phát triển đội ngũ trí thức khoa học công nghệ tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2010-2020, định hướng đến năm 2030" do Liên hiệp hội Thái Nguyên triển khai thực hiện năm 2022. Hội thảo cũng góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.

Hoàng Ngân