Ứng dụng SoBanHang vừa huy động thành công 1,5 triệu USD

Lê Giang

26/08/2021 20:54

SoBanHang cho biết vừa huy động thành công 1,5 triệu USD trong vòng hạt giống, với sự tham gia từ các nhà đầu tư như FEBE Ventures, Class 5, Kevin P.Ryan – nhà sáng lập Gilt Groupe, Business Insider và MongoDB.

Nền tảng SoBanHang vừa huy động thành công 1,5 triệu USD vòng hạt giống với sự tham gia của quỹ FEBE Ventures, Class 5 và Kevin P.Ryan - nhà sáng lập Business Insider, MongoDB và Gilt Group.

mot-startup-so-cai-viet-nam-vu-8056-4143-1629876818-1629985872.jpg
 

FEBE Ventures là quỹ đầu tư mạo hiểm quản lý 25 triệu USD, tập trung rót vốn cho các startup Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác. Hiện danh mục quỹ gồm 16 công ty thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có nền tảng bất động sản Propzy, startup fintech Nano Technologies, nền tảng kết nối nhà thuốc POC Pharma…

SoBanHang là nền tảng di động hướng tới hỗ trợ các tiểu thương, chủ doanh nghiệp nhỏ mở rộng kênh bán hàng trực tuyến và củng cố doanh thu thông qua các tính năng tạo, quản lý cửa hàng trực tuyến, quản lý chi phí và thu hồi nợ qua các kênh liên lạc SMS, Zalo, Facebook.

Từ khi ra mắt phiên bản beta đầu tiên vào tháng 6, ứng dụng đã ghi nhận sự tham gia của 20.000 nhà bán lẻ. Khách hàng mục tiêu của SoBanHang là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chưa có nhiều hỗ trợ về mặt tài chính và công nghệ, đặc biệt trong mùa đại dịch.

Đội ngũ sáng lập Jamalex Finan - công ty đứng sau SoBanHang - gồm hai anh em Bùi Hải Nam và Bùi Hải Long. Hải Nam từng đồng sáng lập và giữ vị trí CEO của Datamart Solutions - nền tảng quản lý dữ liệu thương mại điện tử. Ông cũng có thời gian làm việc tại Landers.PH - chuỗi tạp hoá trực tuyến tại Philippines. Trong khi đó Bùi Hải Long từng giữ chức phó chủ tịch tại Lazada và là người đứng đầu bộ phận phân tích của One Mount Group.

Ý tưởng về SoBanHang nảy ra khi Bùi Hải Nam ghé thăm một cửa hàng tạp hóa. Chủ cửa hàng nhìn thấy chiếc áo Lazada mà anh đang mặc và hỏi làm cách nào để bắt đầu bán hàng qua mạng. Vì vậy, anh giúp họ đăng ký tài khoản trên Shopee và đăng ảnh, mô tả sản phẩm.

“Sau khi cài đặt xong xuôi, họ nhận được đơn hàng đầu tiên và lại hỏi tôi: “Làm sao để giao hàng”, anh nhớ lại. “Tôi nói rằng một bên vận chuyển sẽ đến và nhận hàng. Sau đó là câu hỏi về tiền. Họ không hiểu quy trình và không thấy thoải mái khi gửi hàng cho bên vận chuyển”.

“Rồi họ lại hỏi ví đâu, làm sao tôi rút tiền sang tài khoản ngân hàng nếu không có tài khoản ngân hàng? Đó là một khoảnh khắc “a-ha” khi tôi nhận ra nhiều nền tảng TMĐT vẫn chưa chạm tới khoảng 90% người bán lẻ tại Việt Nam”, Hải Nam nói trên TechCrunch. “Hệ thống quá phức tạp với họ”.

Vì vậy, hai anh em bắt tay xây dựng ứng dụng ghi sổ giúp các chủ cửa hàng số hóa hoạt động của mình. Tuy nhiên, khi dịch bệnh diễn ra và các khu vực bị phong tỏa, họ chưa thể bán hàng qua mạng ngay lập tức. Dựa trên khảo sát của SoBanHang, có khoảng 16 triệu doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ trong nước. Nhiều doanh nghiệp chỉ phục vụ khách hàng trong phạm vi vài km. Trên thực tế, các khách hàng của SoBanHang thường tự đi bộ giao hàng.

“Đó là khoảnh khắc a-ha thứ hai về các nhà bán lẻ, việc họ bán hàng cho khách sống xung quanh. Người mua và người bán thực chất ở gần nhau. Khi kết nối với người mua, họ có thể thực hiện giao dịch, sau đó người bán tự giao hàng và nhận tiền ở cửa nhà người mua”. Điều này loại bỏ nhu cầu hệ thống thanh toán hay logistics rắc rối cho SoBanHang, hay phải sử dụng ứng dụng giao hàng của bên thứ ba mất phí.

Lê Giang