Từ ngôi sao lụi tàn đến giấc mơ chữa lành La Pura: Liệu Astral City sẽ tái sinh hay tiếp tục dang dở?

Văn Đức

23/04/2025 11:05

Từng là cái tên sáng giá nhất trên thị trường căn hộ Bình Dương, Astral City khiến bao nhà đầu tư kỳ vọng, rồi thất vọng. Sau gần ba năm ngừng trệ vì dịch bệnh, vướng mắc pháp lý và khủng hoảng tài chính, dự án nay trở lại với diện mạo mới mang tên La Pura – thành phố dưỡng lành. Nhưng liệu cái tên mỹ miều ấy có đủ để xóa nhòa quá khứ? Và đằng sau lớp áo mới ấy là một hành trình hồi sinh thực sự, hay chỉ là một màn “make-up” chiến lược để lấy lại niềm tin từ thị trường đang ngày càng tỉnh táo?

Ẩn sau cái tên mới đầy thi vị La Pura là một dự án không còn xa lạ với thị trường bất động sản Bình Dương: Astral City – từng được mệnh danh là "thành phố của những vì sao" tại thủ phủ công nghiệp phía Nam. Tuy nhiên, sau thời gian dài dừng thi công vì nhiều lý do, dự án nay trở lại với diện mạo mới, một chiến lược truyền thông mới và câu hỏi lớn: đổi tên liệu có đổi vận?

z6532920308472-8dc53850371a96ec3ed03a565c539c9c-1745380087.jpg
Dự án Astral City nay được đổi tên thành La Pura.

Từ “thành phố của những vì sao” đến “thành phố dưỡng lành”

Ra mắt năm 2020, Astral City gây tiếng vang lớn khi tọa lạc ngay mặt tiền Quốc lộ 13, trung tâm TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương – cửa ngõ vào TP.HCM. Dự án gồm 8 block cao 40 tầng, gần 5.000 căn hộ với hàng loạt tiện ích đẳng cấp như hồ bơi resort, rạp chiếu phim, khu vui chơi trẻ em… được chào bán với giá từ 49 - 52 triệu đồng/m2 – thuộc hàng đắt đỏ nhất khu vực lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, sau khởi đầu rầm rộ, Astral City rơi vào tình trạng "bất động": thi công gián đoạn vì dịch Covid-19, sau đó vướng mắc pháp lý, khó khăn tài chính khiến dự án phải tạm dừng hoàn toàn từ giữa năm 2022. Mãi đến cuối năm 2023, dự án mới được tái khởi động nhờ khoản giải ngân 1.200 tỷ đồng từ VPBank.

Từ tháng 4/2025, dự án chính thức khoác áo mới với tên gọi La Pura – do Realty Holdings làm nhà phát triển, cùng sự tham gia tư vấn chiến lược của Big Four và đồng hành tài chính của VPBank. Dự án đặt kỳ vọng bàn giao nhà trong năm 2025, với giá bán mới tăng lên 55 – 60 triệu đồng/m2.

Tên mới – nhà phát triển mới, liệu có đủ sức xóa bỏ quá khứ?

Việc đổi tên sang La Pura được cho là một phần trong chiến lược tái định vị hình ảnh, tạo “làn gió mới” trên thị trường. Song, không ít người mua nhà và nhà đầu tư vẫn hoài nghi liệu động thái này có đủ mạnh để xoay chuyển cục diện của một dự án từng “chết lâm sàng”?

Bởi thực tế, trong suốt thời gian dài im ắng, nhiều khách hàng đã yêu cầu thanh lý hợp đồng, còn tiến độ xây dựng gần như dậm chân tại chỗ. Đáng chú ý, Tập đoàn Danh Khôi – từng là đơn vị phát triển và phân phối chính – hiện không còn góp mặt trong giai đoạn tái khởi động lần này, nhường chỗ cho một cái tên mới là Realty Holdings, vốn còn khá ít dấu ấn trên thị trường.

Dù vậy, không thể phủ nhận việc Realty Holdings lựa chọn “đặt cược” vào La Pura trong thời điểm Bình Dương chuẩn bị sáp nhập vào TP.HCM cũng là một nước cờ mang tính chiến lược. Với vị trí “vàng”, quy mô lớn, cộng hưởng với những đối tác có năng lực, dự án vẫn có cơ hội nếu biết tận dụng thời điểm và khắc phục triệt để những tồn tại trong quá khứ.

z6523574206093-732a63abe014eda04bb0ea2f74ef43b5-1745133304-1745380225.jpeg
Dự án La Pura mới xuất hiện trên thị trường bất động sản Bình Dương, thực chất lại là một gương mặt cũ…

Hiện nay, thị trường bất động sản Bình Dương đang chứng kiến làn sóng bung hàng từ hàng loạt dự án mới, đặc biệt là phân khúc trung – cao cấp với giá cả và tiến độ thi công minh bạch hơn. Trong bối cảnh đó, La Pura không chỉ cần một chiến lược truyền thông hấp dẫn, mà còn cần giải đáp rõ ràng về quyền lợi khách hàng cũ, tiến độ xây dựng thực tế và cam kết pháp lý minh bạch.

Khách hàng ngày càng tỉnh táo hơn, đặc biệt sau những bài học từ các dự án bị “treo”. Họ quan tâm đến thực chất hơn là cái tên. Một thương hiệu mới chỉ thực sự có giá trị nếu đi kèm với hành động thực tế.

Có thể thấy, đổi tên là bước đầu để làm mới hình ảnh, nhưng để đổi vận, La Pura cần nhiều hơn thế. Uy tín từ nhà phát triển, tiến độ thi công, chính sách xử lý cam kết cũ… tất cả sẽ quyết định liệu dự án này có thể một lần nữa lấy lại vị thế đã từng có, hay tiếp tục trở thành một biểu tượng “trễ hẹn” trong lòng khách hàng.

Theo tìm hiểu, đơn vị đang nắm vai trò tư vấn chiến lược và triển khai dự án La Pura – Công ty Bất động sản Big Four – thực chất chỉ mới được thành lập vào cuối năm 2023, tức chưa đầy một năm tính đến thời điểm dự án được “lột xác” từ Astral City. Có trụ sở tại tầng 2, số 456 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phường 25, Quận Bình Thạnh, TP.HCM, người đại diện pháp luật là ông Phạm Hoàng Dương, Big Four hiện vẫn là một cái tên xa lạ với phần lớn nhà đầu tư và người mua nhà tại thị trường phía Nam.

Ngày 3/12/2024, Big Four ký kết hợp tác chiến lược với Phát Đạt để cùng phát triển các dự án tại Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Dương. Tuy nhiên, trong bối cảnh Phát Đạt đã thoái vốn hoàn toàn khỏi Astral City từ năm 2022 và nhiều lần vướng tin đồn tài chính, việc bắt tay với một công ty mới tinh như Big Four càng khiến thị trường thêm phần hoài nghi.

Dự án Astral City – hay nay là La Pura – từng thất hứa với hàng trăm khách hàng khi ngừng thi công do thiếu vốn và vướng pháp lý kéo dài. Dù nay được đổi tên, làm lại bộ nhận diện thương hiệu, truyền thông rầm rộ, nhưng đằng sau vẻ ngoài mới mẻ ấy là một loạt câu hỏi chưa có lời giải: đơn vị phát triển mới liệu có đủ năng lực tài chính và pháp lý để hoàn thiện dự án? Những khách hàng cũ sẽ được bảo vệ ra sao khi quyền lợi của họ đang bị treo lơ lửng? Liệu đây là sự hồi sinh thật sự hay chỉ là một lớp vỏ bọc khác cho một dự án từng lụi tàn?

Văn Đức