Trường Đại học Tài chính - Marketing là đơn vị sự nghiệp công lập, trực thuộc Bộ Tài chính. Theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Tài chính - Marketing, cơ cấu tổ chức của Trường gồm: Hội đồng trường; Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng (ban giám hiệu); Hội đồng Khoa học và Đào tạo; Hội đồng tư vấn; Các phòng, viện chức năng; Các đơn vị đào tạo và nghiên cứu; Các đơn vị phục vụ, hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu; Các đơn vị dịch vụ.
Trường có 12 khoa, 3 viện đào tạo, 2 trung tâm, 11 phòng chức năng. Trường triển khai chương trình đào tạo từ trình độ cao đẳng đến trình độ tiến sĩ các ngành thuộc lĩnh vực kinh tế, tài chính, quản trị doanh nghiệp. Qui mô đào tạo khoảng 20.000 sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh. Hình thức đào tạo: chính quy, vừa làm vừa học, liên thông đại học chính quy, liên thông đại học vừa làm vừa học, văn bằng 2, liên kết đào tạo với nước ngoài.
Đào tạo đại học gồm: chương trình chuẩn và đặc thù (15 ngành với 29 chuyên ngành), chương trình tích hợp (6 ngành với 10 chuyên ngành), chương trình tiếng Anh toàn phần (3 ngành với 3 chuyên ngành). Đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ gồm 2 ngành (Tài chính - Ngân hàng và Quản trị kinh doanh). Đào tạo liên kết quốc tế gồm 5 ngành cử nhân và 1 ngành tiến sĩ.
Tổng số viên chức và lao động tính đến ngày 30/6/2024 là 651 người (nam 293, nữ 358), trong đó viên chức là 580 và 71 lao động hợp đồng. Trong 580 viên chức, có 424 giảng viên và 156 viên chức hành chính, đạt tỷ lệ 91,14% (580/634) so với chỉ tiêu số lượng người làm việc đã được đã phê duyệt. Trong tổng số 426 giảng viên (gồm 424 giảng viên cơ hữu và 02 giảng viên hợp đồng), có 14 Phó Giáo sư, tỷ lệ 3,28%; 95 Tiến sĩ, tỷ lệ 22,53%; 303 Thạc sĩ, tỷ lệ 71,12% và 12 Đại học, tỷ lệ 3,07%. Tỷ lệ giảng viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên là 96,93%, trong đó tỷ lệ giảng viên có trình độ Tiến sĩ là 25,81%. Tỷ lệ giảng viên: 73,10%, viên chức hành chính: 26,90%.
Về nghiên cứu khoa học, Trường đầu tư cấp kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học theo quy định, có chế độ khuyến khích giảng viên, viên chức thực hiện nghiên cứu khoa học. Hằng năm tham gia đấu thầu và thực hiện các đề tài cấp bộ, sở ban ngành, địa phương. Loại hình nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên đa dạng. Các sản phẩm nghiên cứu khoa học của giảng viên phục vụ tốt cho quá trình giảng dạy như giáo trình, tài liệu. Số lượng bài báo đăng trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước và nước ngoài tăng đáng kể.
Về hợp tác quốc tế, Trường Đại học Tài chính – Marketing đang triển khai liên kết đào tạo và hợp tác quốc tế với các trường đại học sau: Hoa Kỳ (Đại học Concord; Đại học Wincosin-Stout; Đại học North Arizona; Đại học Webster), Canada (Đại học Thompson River; Đại học Niaraga Fall; Đại học West Canada), Anh (Đại học West of England), Pháp (Đại học Rennes; Trường kinh doanh Rennes), Úc (Đại học Victoria; Viện đại học Australia), Italia (Đại học quốc tế Roma; Đại học Insubria; Đại học Salento; Đại học Sannio), Thuỵ Sĩ (Trường kinh doanh châu Âu - EU Business school), Malaysia (Đại học HELP; Đại học UCSI; Đại học công nghệ Malaysia; Đại học Malaya), Hàn Quốc (Đại học DongSeo; Đại học GwangJu), Trung Quốc (Trường Đại học ngoại ngữ Bắc Kinh), Liên bang Nga (HSE University Saint Petersburg), Ấn Độ (Đại học Shiv Nadar).
Về cơ sở vật chất, nhà trường có 1 trụ sở chính tại 778 Nguyễn Kiệm, phường 4, quận Phú Nhuận và 3 cơ sở khác là cơ sở 306 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 1, quận Tân Bình; cơ sở 27 Tân Mỹ, phường Tân Thuận Tây, quận 7; và một cơ sở khang trang hiện đại tại 306 Võ Văn Hát, Long Trường, Thành phố Thủ Đức.
Các cơ sở có đủ giảng đường, phòng học, phòng thực hành máy tính, trang thiết bị và phương tiện phục vụ giảng dạy, có bộ phận y tế chăm sóc sức khỏe, có thư viện phục vụ nhu cầu của sinh viên và giảng viên.
Về tài chính, trường là đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập trực thuộc Bộ Tài chính được giao tự chủ 100% chi thường xuyên và chi đầu tư. Công tác lập kế hoạch tài chính và quản lý tài chính được thực hiện theo quy định. Các nguồn thu hợp pháp của Trường tuân thủ theo quy định tại các văn bản của Bộ Tài chính và các quy định của Hiệu trưởng về mức thu và đối tượng thu.
Về công tác sinh viên, trường luôn quan tâm theo dõi, nắm bắt tình hình tư tưởng sinh viên nhằm giải quyết những tâm tư, tình cảm và vướng mắc của sinh viên. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động hướng sinh viên tham gia vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên và phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Về phục vụ cộng đồng, từ nhiều năm qua, trường tham gia đóng góp các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ người khó khăn tại các vùng miền trong cả nước. Nhà trường tham gia phục vụ cộng đồng qua các chương trình và hoạt động thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo, học thuật, hỗ trợ sinh viên, thiện nguyện,…
Về hệ thống đảm bảo chất lượng, trường có mạng lưới Tổ đảm bảo chất lượng tất cả các đơn vị thuộc trường và hiện đang thực hiện kế hoạch xây dựng mô hình đảm bảo chất lượng bên trong.
Trường được Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục cấp cơ sở giáo dục chu kì 1 vào tháng 11/2017, chu kì 2 vào tháng 4/2023; cấp Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục cấp chương trình đào tạo đối với 2 chuyên ngành trình độ thạc sĩ (Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng) và 3 chuyên ngành tích hợp trình độ đại học (Quản trị kinh doanh tổng hợp, Quản trị Marketing, Ngân hàng) vào tháng 12/2019; cấp Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục cấp chương trình đào tạo trình độ đại học đối với 11 ngành (28 chuyên ngành) vào tháng 6/2022.
Tháng 9/2023, trường được Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục cấp chương trình đào tạo trình độ đại học đối với 06 ngành. Năm 2024, trường đã hoàn thành tự đánh giá và đánh giá ngoài đối với 2 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ (chu kì 2), 2 chương trình đào tạo trình độ đại học (chu kì 2) và 01 trình độ đại học chu kì 1.
Như vậy, đến nay tất cả các chương trình đào tạo của Trường Đại học Tài chính - Marketing đã được kiểm định đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có 4 chương trình đào tạo đạt kiểm định chu kì 2. Trường tiếp tục xây dựng kế hoạch và thực hiện cải tiến chất lượng giáo dục các chương trình đào tạo đã được kiểm định.
Chiến lược bảo đảm chất lượng của Trường Đại học Tài chính - Marketing
Trường Đại học Tài chính – Marketing xác định việc bảo đảm và không ngừng nâng cao chất lượng chương trình đào tạo có ý nghĩa "sống còn" của mỗi cơ sở giáo dục. Bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển của trường.
Trong chiến lược bảo đảm chất lượng, Trường đề ra các mục tiêu cụ thế:
Đầu tiên, năm 2022, triển khai công tác tự đánh giá và đánh giá ngoài chất lượng cấp cơ sở giáo dục (chu kỳ 2) nhằm đảm bảo đến cuối năm 2022, Trường đạt công nhận chất lượng cơ sở giáo dục chu kỳ 2018 - 2022.
Thứ hai, đảm bảo 100% chương trình đào tạo của nhà trường được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 4 chương trình đào tạo của trường được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục của các tổ chức kiểm định chất lượng có uy tín trên thế giới.
Thứ ba, tăng cường xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ, viên chức làm công tác bảo đảm chất lượng, nhất là các viên chức chuyên trách công tác bảo đảm chất lượng. Đến năm 2025, ít nhất 70% viên chức làm việc ở các vị trí về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục được bồi dưỡng chuyên sâu nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu tham mưu xây dựng và thực thi chính sách, quy định về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục; trong đó có ít nhất 20% được tập huấn, đào tạo bởi chuyên gia quốc tế và khu vực.
Thứ tư, xây dựng hoàn chỉnh nền tảng văn hóa chất lượng trong trường, từ năm 2025 trở đi, đảm bảo tất cả các hoạt động của trường đều gắn với văn hóa chất lượng.
Thứ năm, rà soát, hoàn thiện hệ thống các qui trình công tác của trường. Phấn đấu đến năm 2024, đảm bảo hoàn thiện và đồng bộ hóa các quy trình công tác trong các mặt hoạt động của nhà trường.
Thứ sáu, từ năm 2022 đến năm 2024, cải tiến công tác khảo sát, hoàn thiện các công cụ khảo sát các bên liên quan. Sử dụng có hiệu quả các kết quả khảo sát vào việc giám sát, đánh giá, cải tiến các mặt hoạt động của nhà trường.
Thứ bảy, đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực đảm bảo chất lượng. Đến năm 2025 hoàn thiện việc số hóa hệ thống minh chứng đảm bảo chất lượng và vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng trên nền tảng số.
Để thực hiện Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của nhà trường, Hội đồng trường, Đảng uỷ nhà trường đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về công tác bảo đảm chất lượng. Ban Giám hiệu nhà trường đã ban hành chính sách chất lượng, kế hoạch chiến lược, kế hoạch trung hạn và hằng năm về công tác bảo đảm chất lượng để thực hiện chiến lược phát triển trường và các nghị quyết nói trên.
Trường chú trọng hoạt động rà soát, cập nhật, chỉnh sửa chương trình đào tạo hiện có và xây mới trên cơ sở bám sát quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đào tạo đại học, bám sát tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục. Từ năm 2017 đến nay, trường đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về xây dựng chương trình đào tạo, về xác định và đo lường chuẩn đầu ra, về phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra, đánh giá.
Về đội ngũ làm công tác bảo đảm chất lượng, trường có mạng lưới Tổ đảm bảo chất lượng tất cả các đơn vị thuộc, gồm 216 người. Đến nay, trường có 37 cán bộ giảng viên đã tham gia khóa đào tạo kiểm định viên. Tháng 7 năm 2024, trường tiếp tục cử 11 cán bộ giảng viên đã tham gia khóa đào tạo kiểm định viên.
Song song với đó, trong chính sách thu hút giảng viên, trường cũng ưu tiên tuyển dụng giảng viên có bằng thạc sĩ, tiến sĩ học ở nước ngoài về; tăng cường trao đổi giảng viên và sinh viên với các trường đại học của các nước trên thế giới nhằm cập nhật kiến thức, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong giảng viên, cũng như sinh viên.
Về định hướng công tác bảo đảm chất lượng, năm 2024 là năm nhà trường tập trung cho công tác xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong (IQA). Trong đó, nhà trường sẽ thực hiện các bước: Hoàn thiện cơ cấu tổ chức và nhân sự làm công tác đảm bảo chất lượng; hoàn thành việc rà soát, xây dựng, đồng bộ hoá các quy trình công tác cấp trường và cấp đơn vị trực thuộc; xây dựng hệ thống tài liệu bảo đảm chất lượng bên trong; thiết lập hệ thống thông tin bảo đảm chất lượng bên trong.
Về chuẩn bị kiểm định các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, trường đã được AUN-QA kết nạp là thành viên liên kết vào năm 2023. Hiện, trường đang nghiên cứu, tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để kiểm định 4 chương trình đào tạo theo các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế như ACBSP, FIBBA.
Trong thời gian tới, Trường Đại học Tài chính - Marketing tiếp tục rà soát, giám sát, cải tiến, nâng cao hơn nữa chất lượng các chương trình đào tạo.