Trả lương đến 15 triệu đồng/tháng nhưng vẫn không tuyển được nhân viên phục vụ!

Duy Nhi

19/11/2021 11:11

Thiếu nguồn lực lao động phổ thông tiếp tục gây cản trở đà phục hồi của các ngành bán lẻ, tiêu dùng, và F&B trong bối cảnh kinh tế đang dần mở cửa trở lại sau gần 2 tháng giãn cách.

Lương đến 15 triệu đồng/tháng nhưng vẫn khó tuyển

Một nhà hàng trên đường Võ Văn Kiệt (Quận 1, TP.HCM) đăng tin tuyển dụng 30 nhân viên bao gồm phục vụ, nhân viên ghi đơn, bảo vệ với mức lương 8-15 triệu đồng/tháng (chưa tính thưởng) nhưng đến nay vẫn chưa tuyển được.

Tương tự, các nhà hàng, quán ăn khác trong khu vực cũng đăng tin tuyển hàng chục vị trí phụ bếp, phục vụ. Hầu hết trong số họ đều cho biết họ đang thiếu lao động trầm trọng. Tình hình ngày càng khó khăn vì đây là thời điểm cuối năm, mọi người thường có xu hướng chi tiêu nhiều hơn vào dịp này so với ngày thường.

Chuỗi cà phê The Coffee House gần đây cũng đẩy mạnh tuyển dụng nhân viên toàn thời gian và bán thời gian với số lượng lớn cùng yêu cầu khả năng đi làm ngay. Các vị trí tuyển bao gồm phục vụ, pha chế, nhân viên bảo vệ, thu ngân,…

dich-vu-lao-dong-163590570108393982611-1637221362.jpg

Phần lớn lao động phổ thông xuất thân từ các thành phố tỉnh lẻ. Trong đợt bùng phát dịch nghiêm trọng vừa rồi tại TP.HCM và Hà Nội, nhiều người trong số họ đã về quê để tránh dịch và đến nay vẫn chưa quay trở lại làm việc.

Số liệu của Việc Làm Tốt cho thấy trong thời gian "bình thường mới" hậu giãn cách, số lượng việc làm đăng tuyển dụng tăng 3 lần, số lượng truy cập tìm việc tăng 10 lần so với thời gian áp dụng giãn cách.

Theo thông tin từ UBND TP.HCM, tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc tại thành phố đạt khoảng 70%.

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện đang có hơn 17,8% doanh nghiệp gặp tình trạng thiếu lao động. Khi dịch qua đi thì nhu cầu tuyển dụng sẽ quay lại mạnh mẽ do làn sóng Covid-19 lần thứ 4 diễn ra nghiêm trọng hơn rất nhiều so với 3 đợt trước đó.

Bán lẻ, tiêu dùng, và F&B bị ảnh hưởng nhiều nhất

Công ty chuyên tư vấn giải pháp việc làm Adecco Việt Nam dự báo thị trường lao động trong nước trong thời điểm cuối năm sẽ tiếp tục khó khăn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là những doanh nghiệp ở TP.HCM và Hà Nội.

Bán lẻ, tiêu dùng, và các ngành dịch vụ được cho là ảnh hưởng nặng nề nhất vì đây là những lĩnh vực yêu cầu tiếp xúc trực tiếp. Bán lẻ và tiêu dùng đang cần một lượng lớn lao động làm việc trong mùa kinh doanh cuối năm, trong khi các dịch vụ cũng đang có nhu cầu tuyển dụng lớn do thiếu hụt lượng lao động đáng kể sau nhiều tháng đóng cửa, theo ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương, Phó giám đốc bộ phận tuyển dụng Adecco Việt Nam.

Dịch vụ là nhóm ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông nhất hiện nay, theo Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội. Trong quý III 2021, tổng số lao động đang làm việc trong ngành này đạt 17,1 triệu người, giảm 2-3 triệu người so với cùng kỳ năm ngoái.

Quý III năm 2021 cũng là thời điểm chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp lên mức cao nhất với 4,46%, tăng đến 1,74 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong quý III, lực lượng lao động có 49,1 triệu lượt người, giảm 22 triệu lượt người so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, năm 2021, số lượng lao động giảm việc làm rất trầm trọng.

fb-la-gi-1637221422.png

Doanh nghiệp sẽ tốn nhiều chi phí hơn

Theothông tin từ Zing, bà Trần Minh Ngọc, giám đốc Việc Làm Tốt cho biết trong tương lai gần, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với khó khăn nhiều hơn vì chi phí tăng cao khi phải dành cho việc tuyển dụng mới và gia tăng quỹ lương hoặc các phúc lợi để thu hút người lao động hậu giãn cách. 

"Kỳ vọng về môi trường làm việc an toàn và được tiêm vaccine từ người lao động cũng giảm đáng kể trong hậu giãn cách. Điều này phản ánh được nỗ lực của Chính phủ trong việc phủ vaccine cho người dân ở các tỉnh thành lớn tập trung nhiều cụm công nghiệp và dịch vụ", bàNgọc cho biết.

Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng đủ 2 mũi cả nước chỉ đang là hơn33%. Mục tiêu 100% dân số có thể kéo dài tới quý II2022 mới hoàn thành. Từ giờ tới lúc đó, bên cạnh hoạt động tuyển dụng, bà Ngọc khuyến nghị doanh nghiệp cần chuẩn bị nhiều kịch bản cho các làn sóng Covid-19 mới có thể xảy ra.

Duy Nhi