Thế giới giờ đây là ngôi nhà chung của 7,7 tỉ người. Theo báo cáo mới công bố giữa tháng 7 năm 2019 của Liên Hợp Quốc, con số này sẽ tăng lên thành 9,7 tỉ người vào năm 2050. Tốc độ đô thị hóa hiện nay khiến cho đến năm 2050, dự báo có tới 70% dân số thế giới sống trong các thành phố. Do đó, các thành phố trên thế giới đang đứng trước sức ép buộc phải trở nên thông minh và sáng tạo hơn.
Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh không nằm ngoài xu thế đó. Dân số cả nước tính đến đầu tháng 4 năm 2019 đạt 96,2 triệu người, theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh – với vai trò trung tâm kinh tế – là nơi có mật độ dân số đông nhất cả nước, đạt 4.363 người/km2.
Đô thị hóa, đi kèm nhiều thách thức, là điều tất yếu đến cùng quá trình tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, định hướng như thế nào đòi hỏi sự lựa chọn tối ưu để giải quyết nhiều vấn đề phát sinh trong đời sống của người dân tại các đô thị như tình trạng tắc đường, ngập nước, ô nhiễm, sử dụng năng lượng hiệu quả, đảm bảo an toàn xã hội,…
Qua những quan sát, phỏng vấn, thu thập tư liệu thực tế tại Hàn Quốc – quốc gia tiêu biểu trên thế giới về xây dựng các thành phố thông minh, Tạp chí Nhà Quản Lý nhận thấy đây là mô hình mà Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng có thể học tập kinh nghiệm để xây dựng những thành phố thông minh kiểu mẫu tương lai. Nếu như Seoul, với vai trò thủ đô của đất nước Hàn Quốc, đang nỗ lực đưa ra giải pháp toàn diện cho thành phố, thì Pangyo nhấn mạnh vào yếu tố công nghệ và Songdo thực sự nổi bật từ khía cạnh quy hoạch và xây dựng.
Vì vậy, phối hợp cùng Sở Quy hoạch – Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Nhà Quản Lý tổ chức “Tọa đàm về Đô thị Thông minh, hướng tới quy hoạch và phát triển Khu Đô thị Sáng tạo Tương tác cao phía Đông thành phố Hồ Chí Minh”. Sự kiện diễn ra từ 14 giờ đến 16 giờ 40 ngày 5 tháng 9 năm 2019 tại khách Rex, 141 Nguyễn Huệ, Phường Bến Nghé, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh với sự tham dự của Ủy viên Bộ chính trị - Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, các lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh và Sở Quy hoạch – Kiến trúc. Phía Hàn Quốc có cựu lãnh đạo thủ đô Seoul, giáo sư đại học; các chuyên gia về đầu tư, quy hoạch, kiến trúc, công nghệ với kinh nghiệm nhiều năm trong xây dựng và phát triển đô thị thông minh đến từ tập đoàn KT, Samsung Engineering, Mooyoung Architects & Engineers…
Trong khuôn khổ sự kiện, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh sẽ trình bày về thực trạng và định hướng phát triển thành phố thông minh, hướng tới Khu đô thị Sáng tạo Tương tác cao phía Đông thành phố Hồ Chí Minh. Các chuyên gia Hàn Quốc có các chia sẻ về chiến lược cải cách thành phố Seoul, việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt là trí thông minh nhân tạo (AI) cho đô thị thông minh, các kinh nghiệm về quản lý nước, giao thông, thiết kế cảnh quan của đô thị thông minh mà TP.Hồ Chí Minh và các đô thị tại Việt Nam có thể tham khảo.
Cuộc tọa đàm hứa hẹn là dịp kết nối các nguồn lực đóng vai trò quan trọng, bao gồm tài chính, nguồn nhân lực, kinh nghiệm thực tiễn để xây dựng thành công đô thị thông minh và đô thị sáng tạo trong tương lai tại TP.Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung.
Tạp chí Nhà Quản Lý