Ngày 4/7, HĐQT Bamboo Capital (mã chứng khoán: BCG) công bố tham gia góp vốn tại CTCP Dược phẩm Tipharco (mã: DTG) thông qua việc nhận chuyển nhượng hơn 1,3 triệu cổ phần từ cổ đông hiện hữu, tương đương 21,01% vốn điều lệ. Thời gian thực hiện trong quý III năm nay, với giá mua dự kiến sẽ được thương lượng trên nguyên tắc phù hợp với giá trị sổ sách của cổ phiếu DTG.
Trước đó, ngày 27/6 cổ đông Tipharco đã thông qua miễn thủ tục chào mua công khai đối với Bamboo Capital khi mua cổ phần dẫn tới đạt từ 25% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết. Bên chuyển nhượng là bà Hồ Thị Thùy Dung với số lượng hơn 1,3 triệu cổ phiếu. Bà Dung là cổ đông lớn Tipharco từ 25/4, sở hữu 15,83% vốn sau khi mua một triệu cổ phiếu.
Theo thông tin công bố tại ĐHĐCĐ thường niên năm nay của Bamboo Capital, ông Nguyễn Hồ Nam - Chủ tịch và nhóm cổ đông liên quan đang nắm giữ gần 90% vốn Tipharco.
Với việc thâu tóm thêm Tipharco, Bamboo Capital đã mở rộng danh mục đầu tư thêm mảng dược phẩm nâng số lượng lĩnh vực chính thành 7 mảng. Đó là năng lượng tái tạo, xây dựng - hạ tầng, bất động sản, sản xuất - thương mại, tài chính - bảo hiểm, dịch vụ quản lý và phân phối bất động sản, dược phẩm.
Hành trình của Bamboo Capital
Bamboo Capital được thành lập từ năm 2011 với cái tên ban đầu là CTCP Thủ phủ Tre và vốn điều lệ 43 tỷ đồng, khởi đầu chỉ cung cấp dịch vụ ngân hàng đầu tư, tư vấn M&A, huy động vốn… Sang năm 2012, CTCP Thủ Phủ Tre bắt đầu mở rộng sang các lĩnh vực nông nghiệp và thương mại.
Như đã nói, chỉ trong vài năm, Bamboo Capital đã nổi lên thành tập đoàn lớn hoạt động đa ngành trong một loạt các lĩnh vực đòi hỏi năng lực tài chính và mối quan hệ: Sản xuất & Nông nghiệp, Phát triển hạ tầng & Bất động sản, Xây dựng & Thương mại, Năng lượng tái tạo và mới nhất là Dược phẩm.
Tại lĩnh vực bất động sản, Bamboo Capital đang đầu tư nhiều dự án quy mô lớn như: dự án Hội An D’or Quảng Nam, dự án Malibu Hội An, dự án căn hộ cao cấp thương mại dịch vụ King Crown Infinity.
Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Bamboo Capital đã đầu tư vào các dự án nghìn tỷ như dự án điện mặt trời tại Phù Mỹ, Bình Định với tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, dự án nhà máy năng lượng mặt trời BCG-CME Long An 1 với quy mô hơn 1.000 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực tài chính, Bamboo Capital thành lập BCG Financial, đầu tư vào CTCP Chứng khoán Thủ đô (CASC), mua lại CTCP Bảo hiểm AAA. Và mới đây nhất, ông Nguyễn Thanh Hùng - lãnh đạo cấp cao của Bamboo Capital đã xuất hiện trong HĐQT của một ngân hàng đang đầy biến động là Eximbank.
Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của BCG đã lên tới 37.812 tỷ đồng, tăng 57% so với đầu năm và lên tới 41.5005 tỷ đồng vào cuối quý 1/2022.
Tận dụng tốt những lợi thế am hiểu về tài chính, Bamboo Capital huy động vốn rất nhanh từ phát hành cổ phiếu và trái phiếu để rót vào những lĩnh vực kinh doanh của mình. Nguồn vốn ban đầu của công ty được tài trợ chủ yếu bằng nợ. Doanh thu, lợi nhuận cũng theo đó tăng mạnh, tỷ lệ nợ/vốn sở hữu chủ được tái cơ cấu để giảm dần qua từng năm.
Cụ thể, trong quý 4/2021, công ty đạt 685 tỷ đồng doanh thu thuần, gấp 3,2 lần cùng kỳ với nguyên nhân chính là nhờ doanh thu từ hợp đồng xây lắp tăng đột biến từ 13 tỷ đồng lên gần 409 tỷ đồng. Lợi nhuận từ hoạt động tài chính cũng tăng 24% lên gần 275 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lãi từ đầu tư cổ phiếu, trái phiếu và lãi phải thu theo hợp đồng hợp tác đầu tư.
Kết quả này giúp lợi nhuận sau thuế của Bamboo Capital tăng lên 271 tỷ. Cùng kỳ năm trước, lợi nhuận là 176,6 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2021, lợi nhuận ròng của Bamboo Capital đạt hơn 606 tỷ đồng, gấp 2,9 lần năm 2020 chủ yếu nhờ doanh thu thuần tăng 40% và lợi nhuận từ hoạt động tài chính gấp 2,4 lần.
Với kế hoạch doanh thu 5.375 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 806 tỷ đồng của năm 2021, Bamboo Capital chỉ thực hiện được 48% chỉ tiêu doanh thu nhưng vượt 20% kế hoạch lợi nhuận năm.
Kết quả kinh doanh quý 1/2022 cho thấy doanh thu hợp nhất quý 1 đạt 1.253 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 522 tỷ đồng, tăng tới 220%.