Bất chấp nỗ lực khuyến khích giao dịch không tiền mặt, bằng cách cải thiện trải nghiệm khách hàng qua các giao dịch điện tử, các ứng dụng quẹt thẻ, giao dịch không tiếp xúc, tiền mặt vẫn có vị thế chưa thể thay thế.
Tại Mỹ, với mục tiêu bảo vệ quyền lựa chọn phương thức thanh toán của người dân, chính quyền một số bang đã bắt đầu áp dụng hình phạt đối với một số nhà bán lẻ từ chối thanh toán tiền mặt. Nghiên cứu của CPA Practice Advisor chỉ ra rằng tại một số hạng mục hàng hoá, dịch vụ, người tiêu dùng nhìn chung ưa thích sử dụng tiền mặt hơn là dùng các loại thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ. 35% các giao dịch tại các cửa hàng tiện lợi, và tỉ lệ tương tự tại các cửa hàng đồ ăn nhanh, là dùng tiền mặt. Tỷ lệ này đặc biệt thấp ở các giao dịch mua bán trên các trang thương mại điện tử (6%), còn lại hầu hết đều ở mức trên 20%.
Bảo vệ lựa chọn thanh toán của người tiêu dùng cũng là cách mà nước Anh đang bảo vệ cho thói quen khó bỏ của khoảng 8 triệu người dân nước này. Báo cáo về thói quen sử dụng tiền mặt của Natalie Ceeney - chuyên gia chiến lược của McKinsey cho rằng Anh chưa sẵn sàng cho một xã hội không tiền mặt khi có đến 17% dân số nước này (8 triệu người) cảm thấy lúng túng khi sử dụng các hình thức thanh toán không tiền mặt.
Tại Tây Ban Nha, có khoảng 84% giao dịch mua bán có giá trị dưới 50 Euro, và 91% trong số đó sử dụng tiền mặt.
Việc rút tiền đang ngày trở nên đơn giản với những cây ATM nhận diện khách hàng ngày càng tốt hơn, thậm chí không cần dùng thẻ ATM, khiến tiền mặt cũng đang dễ dàng lưu thông hơn trước.
Báo cáo xu hướng sử dụng tiền mặt trên thế giới của ATMMarketplace dự đoán, nhu cầu tiền mặt tăng lên khiến thị trường máy đếm tiền, phục vụ trực tiếp cho các giao dịch tiền mặt, sẽ tăng với tốc độ bình quân gần 4% trong giai đoạn 2020 - 2026 với sự dẫn dắt của thị trường khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Kịch bản cho một xã hội không tiền mặt đang được triển khai tốt tại các quốc gia như Thuỵ Sĩ, Phần Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc,… Tuy nhiên, không tiền mặt vẫn chưa chứng tỏ các ưu thế tuyệt đối so với tiền mặt, khi kế hoạch này đòi hỏi các giải pháp đồng bộ, áp dụng công nghệ trên diện rộng, tăng chi phí cho các nhà bán lẻ,… “Việc này đang đẩy phần lớn dân số ra ngoài hệ thống tài chính” - báo cáo của ATMMarketplace nhận định. Trên phạm vi toàn cầu, tỷ trọng lưu thông tiền tệ trên Tổng giá trị sản phẩm quốc nội dự kiến sẽ liên tục tăng lên, khẳng định vai trò của tiền mặt vẫn chưa thể mất đi trong một sáng một chiều.
Minh Thư