Ngày 03/11 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp một số đơn vị tổ chức Hội thảo: "Xây dựng và thực thi chính sách thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm: Kinh nghiệm ở EU, Thái Lan, sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức xã hội".
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Nhật Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển cho rằng, thực hành kinh doanh có trách nhiệm là một nội dung quan trọng nhằm đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Chính vì vậy, Liên hợp quốc đã công bố các nguyên tắc hướng dẫn về Kinh doanh và Quyền con người (UNGPs) nhằm thúc đẩy nội dung này trên quy mô toàn cầu, hướng tới hỗ trợ từng quốc gia cụ thể hóa thành chương trình hành động.
Tính đến tháng 10/2019 đã có 25 quốc gia đưa vấn đề kinh doanh có trách nhiệm vào một phần chương trình nghị sự quốc gia; trong đó, 23/25 quốc gia đã xác lập Chương trình hành động quốc gia với những mục tiêu cụ thể phù hợp với bối cảnh quốc gia. Tại Đông Nam Á, Thái Lan là quốc gia đầu tiên trong khu vực ban hành Chương trình hành động quốc gia (vào tháng 9/2019, phiên bản cập nhật năm 2022). Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 843/QĐ-TTg ngày 10/7/2023 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023-2027.
Theo bà Brenda Candries – đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo, EU đang đề xuất một luật mới về thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp (CSDD). Chỉ thị đặt ra nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp nhằm ngăn chặn, chấm dứt, giảm thiểu và giải quyết các tác động tiêu cực đến quyền con người và môi trường trong hoạt động của chính doanh nghiệp, các công ty trực thuộc và chuỗi giá trị của doanh nghiệp trong và ngoài châu Âu.
“Doanh nghiệp vừa và nhỏ không thuộc phạm vi điều chỉnh trực tiếp của dự thảo đề xuất này. Tuy nhiên, những doanh nghiệp này có thể bị ảnh hưởng bởi họ là một phần trong chuỗi giá trị của những doanh nghiệp lớn hơn. Các doanh nghiệp Việt Nam không hoạt động tại châu Âu vẫn có thể gián tiếp bị ảnh hưởng nếu họ nằm trong chuỗi giá trị của các doanh nghiệp EU” – bà Brenda Candries lưu ý.
Tham luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Huấn – Chuyên gia kinh doanh có trách nhiệm, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam cho rằng, trong quá trình triển khai thực hành kinh doanh có trách nhiệm, doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều thách thức. Các chính sách pháp luật chưa được hoàn thiện; chưa tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ cho các dự án xanh, các dự án về môi trường; thiếu sự hỗ trợ từ các hiệp hội ngành/nghề trong việc liên kết nhằm tăng năng lực cạnh tranh; khác biệt về mô hình, văn hóa, tư duy và cách tiếp cận của từng doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ dừng lại ở việc tuân thủ kinh doanh có trách nhiệm vì quy định của pháp luật mà chưa thấy rõ động lực, lợi ích từ hoạt động này mang lại.
Thông qua Hội thảo đã đóng góp góc nhìn, chia sẻ thông tin kinh nghiệm về xây dựng và thực thi chính sách thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm từ các nước thuộc EU, Thái Lan. Để từ đó tham vấn ý kiến khối quản lý nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và chuyên gia về thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong bối cảnh Việt Nam.